Dịch đau mắt đỏ đang diễn biến phức tạp trên phạm vi nhiều tỉnh thành trong cả nước. Các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần thực hiện tốt 6 "Không" để bảo vệ bản thân và gia đình.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường do vi khuẩn hoặc vi rút gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt bên kia.
Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Cho đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.
Đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng, tuy nhiên bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động và có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này nên mọi người cần có ý thức phòng bệnh tốt và cần được xử trí kịp thời khi mắc bệnh.
Mới đây, các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã đưa ra 6 khuyến cáo khi mắc đau mắt đỏ:
Không tự điều trị
Thói quen tự ra hiệu thuốc mua và điều trị rất nguy hiểm. Thực tế đã có nhiều người bệnh đau mắt đỏ sau khi tự điều trị bệnh không khỏi mà còn bị tiến triển thành viêm giác mạc khiến thị lực giảm nghiêm trọng và phải điều trị viêm giác mạc tích cực để hồi phục tổn thương, lấy lại thị lực.
Người bệnh không nên tự ý dừng điều trị khi chưa có ý kiến của bác sĩ. Người bệnh cần tái khám định kỳ sau 5 – 7 ngày, 14 ngày và sau 1 tháng; hoặc lâu hơn nếu bị biến chứng viêm giác mạc.
Không sử dụng lại đơn thuốc của người khác
Nhiều phụ huynh khi bị lây bệnh đau mắt đỏ đã sử dụng lại đơn thuốc của con nhưng không thấy đỡ, thậm chí còn nặng hơn. Người lớn có sức đề kháng tốt hơn nhưng nếu bị lây thì nghĩa là độc tính của virus lớn hơn khả năng phòng bệnh, dùng lại thuốc của con sẽ không đạt được hiệu quả điều trị.
Ngoài ra, bác sĩ kê đơn thuốc theo tình trạng thực tế của người bệnh nên mỗi đơn thuốc sẽ đáp ứng điều trị với từng người bệnh khác nhau. Dó đó, người bệnh cần đi khám để được kê đúng thuốc điều trị, trong quá trình điều trị cần được theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa mắt.
Không uống thuốc kháng sinh bừa bãi
Đối với các bệnh về mắt, các loại thuốc kháng sinh dạng uống thường ít đáp ứng vì thuốc khó thấm qua "hàng rào" từ máu đến mắt, chưa kể là phải lên đến tận bề mặt nhãn cầu.
Việc chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh và mức độ bệnh mà tự ý mua thuốc kháng sinh về tự điều trị là rất nguy hiểm.
Một số loại thuốc kháng sinh nhỏ mắt có chứa nhóm corticosteroid rất nguy hiểm, vừa không có tác dụng mà còn gây tổn thương nặng hơn, kéo dài thời gian bệnh, tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Vì vậy, người dân không được tự ý sử dụng các loại thuốc nhỏ mắt kháng sinh có chứa kháng viêm corticosteriod khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Không nên để bệnh tiến triển nặng
Trong giai đoạn dịch đau mắt đỏ căng thẳng, nhiều người vẫn phải đi làm, đi học nên cần chú ý vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên, đeo kính chắn gió, đeo khẩu trang khi ra đường… Đây là những biện pháp cơ học giúp ngăn bệnh tiến triển nặng.
Không chủ quan trong mùa dịch đau mắt đỏ
Triệu chứng thuyên giảm, hết viêm đỏ nhưng không đồng nghĩa là kết mạc, giác mạc đã lành. Vì vậy, người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ định điều trị của bác sĩ chuyên khoa mắt, không nên chủ quan thấy mắt hết đỏ, hết khó chịu là tự ý dừng thuốc.
Không mua thuốc tại hiệu thuốc theo kinh nghiệm của dược sĩ
Độc tính của virus mỗi năm là khác nhau. Theo đánh giá của các chuyên gia, độc tính của virus năm nay cao hơn so với các năm trước, nếu không được điều trị tích cực bởi các bác sĩ chuyên khoa mắt sẽ có nguy cơ biến chứng cao.
Vì vậy, người bệnh đau mắt đỏ nên đi khám bác sĩ chuyên khoa, tuân thủ điều trị, sử dụng thuốc theo đơn và tái khám sau 5-7 ngày, 14 ngày và 1 tháng để việc điều trị đạt hiệu quả cao nhất.