Theo Bộ Y tế, đến nay cả nước ghi nhận hơn 136.000 ca mắc sốt xuất huyết (SXH) với 45 ca tử vong. Tại nhiều tỉnh, thành phố, số ca mắc SXH tiếp tục gia tăng nhanh do điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Cùng với đó, số ca phải nhập viện điều trị và số ca nặng cũng tăng lên. Đáng ngại là tỷ lệ phụ nữ mang thai và trẻ em mắc khá cao.
Đến bệnh viện ngay khi có dấu hiệu trở nặng
Từ đầu năm đến nay, Khoa Nhiễm C, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM có khoảng 20% bệnh nhân là thai phụ điều trị SXH, nhiều hơn so với các năm trước. Theo TS.BS Nguyễn Thị Cẩm Hường - Phó Trưởng Khoa Nhiễm C, dù số lượng thai phụ mắc SXH chưa tăng đột biến nhưng do số ca mắc tăng nên số thai phụ mắc cũng tăng lên.
TS.BS Nguyễn Văn Hảo - Trưởng Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM) cho biết, từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã phối hợp với các bệnh viện phụ sản trên địa bàn cứu chữa nhiều trường hợp thai phụ SXH nặng. Điều trị sốc SXH nặng trên thai phụ phức tạp hơn rất nhiều so với các bệnh nhân khác, nguy cơ thai lưu cao.
BS Bùi Văn Hoàng - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Từ Dũ) cũng cho rằng, SXH trong thai kỳ có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho mẹ và thai nhi. SXH khi mang thai làm tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu ở những tháng đầu thai kỳ, tăng nguy cơ sinh non ở giai đoạn sau của thai kỳ. Nếu vào thời điểm cuối thai kỳ và trong khi chuyển dạ có thể gây xuất huyết nhiều, băng huyết sau sinh có nguy cơ tử vong cả mẹ và con.
Tại Bệnh viện Từ Dũ TP HCM, trong 3 tháng qua có gần 20 trường hợp thai phụ mắc SXH nằm viện để theo dõi thai kỳ do các tình trạng sản khoa khác nhau, trong đó có cả những trường hợp có các dấu hiệu chuyển dạ sinh hoặc cần mổ lấy thai.
Vì thế BS Hoàng khuyến cáo, khi đang mang thai bị SXH, thai phụ cần lưu ý theo dõi sát nhiệt độ, vì sốt có thể gây ảnh hưởng hoặc tác động nguy hiểm cho thai. Nếu sốt trên 38 độ C cần dùng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ, bổ sung nước, điện giải, mặc đồ thoáng mát… đồng thời giữ tâm trạng thoải mái, tránh lo âu gây ảnh hưởng tới sức khỏe mẹ và bé, tuân thủ phác đồ điều trị và những hướng dẫn của nhân viên y tế. Nếu bị SXH vào cuối thai kỳ gần thời điểm dự sinh thai phụ nên chọn những bệnh viện đủ khả năng để xử lý kịp thời các trường hợp xấu xảy ra trong và sau khi sinh.
Trường hợp mẹ bầu đang tự theo dõi tại nhà và có một trong các dấu hiệu bệnh nặng như: đau bụng dữ dội hoặc đau cơ, nôn ói liên tục (ít nhất 3 lần trong 1 giờ), chảy máu mũi hoặc chảy máu chân răng, nôn ra máu hoặc có máu trong phân, thở nhanh, khó thở, cảm thấy mệt mỏi nhiều, tay chân lạnh, vật vã, lừ đừ… thì cần đến bệnh viện ngay để được xử trí kịp thời.
Hiểu để điều trị đúng
Nghiên cứu của Bộ Y tế ở một số bệnh viện đã chỉ ra, trung bình mỗi người bị SXH sẽ phải nghỉ để điều trị bệnh từ 7-14 ngày, người thân cũng phải nghỉ việc để chăm sóc người bệnh từ 7-9 ngày. Cùng với đó, do số người mắc SXH tăng cao như hiện nay, khiến cho nhiều bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải, làm tăng gánh nặng cho công tác điều trị, gây áp lực lớn cho y, bác sĩ.
Vaccine phòng SXH đầu tiên trên thế giới và đang được một số quốc gia tin dùng đó là vaccine Dengvaxia. Vaccine này đã được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) thông qua ngày 1/5/2019. Đây là vaccine có thể phòng ngừa bệnh SXH Dengue cho cả 4 type huyết thanh.
Theo TS.BS Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng khoa SXH, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM, hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới và FDA đã cho phép sử dụng 1 loại vaccine phòng SXH đối với trẻ từ 9 tuổi trở lên. Nhưng điều kiện đặc biệt của loại vaccine này đó là trẻ phải có tiền căn mắc SXH rồi thì vaccine mới mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, hiệu quả của vaccine cũng không quá cao. Chính vì vậy, Việt Nam chưa đưa vào tiêm chủng phòng SXH.
Khi tiêm 1 liều vaccine SXH vào một người chưa từng bị SXH có thể như 1 lần bị SXH. Nếu chẳng may lần sau bé bị nhiễm virus Dengue thì sẽ như một lần tái nhiễm. Trong các lần tái nhiễm bệnh nhân sẽ có những triệu chứng nặng hơn và nguy hiểm hơn so với các lần nhiễm trước đó. Cho nên nhóm trẻ từ 9 tuổi trở lên phần lớn đã từng bị rồi thì vaccine sẽ có hiệu quả tương đối.
SXH Dengue do 4 type huyết thanh của virus dengue gây ra và mỗi lần bị như thế là do 1 type huyết thanh gây ra. Do vậy, trẻ có thể tái nhiễm nhiều lần cho tới khi nào nhiễm hết cả 4 type virus Dengue. Trong những lần tái nhiễm, bệnh nhân có thể bị nặng hơn lần đầu vì cơ thể có các miễn dịch kháng thể tăng cường, khi bị lần 2, lần 3 cơ thể sẽ phản ứng mạnh hơn, dễ thất thoát huyết tương nhiều hơn, dễ xuất huyết nhiều và nguy cơ suy các tạng cao hơn. Chính vì vậy phụ huynh cần lưu ý, không chủ quan vì chúng ta có thể mắc SXH nhiều lần.
Vì vậy, biện pháp phòng SXH vẫn là diệt muỗi và loăng quăng, bọ gậy. Muỗi truyền SXH có đặc điểm ở trong các hộ gia đình, muỗi đẻ trứng ở các dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà và biện pháp phun hóa chất chỉ là biện pháp tức thời bởi khi phun lên không gian với các hạt thể tích nhỏ bay lơ lửng, khi muỗi bay ra hóa chất sẽ bám vào và tiêu diệt muỗi.
Tuy nhiên, biện pháp này chỉ có tác dụng từ 1-2 tiếng khi các hạt hóa chất còn lơ lửng trên không gian sau đó rơi xuống đất và hết tác dụng, nên biện pháp phun hóa chất chỉ có tác dụng tức thời trong thời gian ngắn để diệt đàn muỗi trưởng thành đang mang mầm bệnh. Còn nếu không thực hiện việc diệt loăng quăng, bọ gậy trong dụng cụ chứa nước thì ngay hôm sau đàn muỗi mới có thể đã nở ra.
Đối với bệnh SXH điển hình, việc điều trị được hướng tới việc làm giảm các triệu chứng. Bác sĩ có thể khuyên người bệnh nên nghỉ ngơi và uống nhiều nước để tránh mất nước do nôn và sốt cao. SXH là một bệnh sốt siêu vi nên thuốc kháng sinh không hữu ích đối với bệnh nhiễm virus này. Do vậy, người bệnh không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh. Trong trường hợp nhập viện, nếu bệnh nhân bị bội nhiễm vi khuẩn, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh.