Sức khỏe

Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp

Nghĩa Văn 02/12/2023 07:48

Sau khoảng thời gian dài kiểm soát tốt, từ cuối tháng 10/2023 đến nay, tại tỉnh Quảng Trị lại xuất hiện dịch tả lợn châu Phi với những diễn biến phức tạp.

anhbaiduoi.jpg
Kiểm tra nguy cơ bệnh dịch trên đàn lợn tại Quảng Trị. Ảnh: Sở NNPTNT Quảng Trị cung cấp.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Quảng Trị cho biết, tính đến cuối năm 2023, hoạt động sản xuất chăn nuôi lợn trên địa bàn toàn tỉnh đạt 233.590 con giảm 4,25% so với năm 2022.

Từ tháng 8/2022 tỉnh Quảng Trị đã thực hiện tốt việc kiểm soát bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, đến ngày 26/10/2023, tại thôn Như Lệ (xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị) và thôn Đồng Tâm 1 (xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong) phát hiện có lợn bị bệnh.

Tiếp nhận thông tin, Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với chính quyền địa phương đi kiểm tra, lấy mẫu gửi xét nghiệm để xác định nguyên nhân bệnh. Kết quả, phát hiện thấy virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi - ASF trên các mẫu bệnh phẩm lấy tại 2 thôn nói trên.

Tính đến ngày 1/12, tại tỉnh Quảng Trị, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 259 hộ/69 thôn/27 xã, phường, thị trấn thuộc 7 huyện, thị xã, thành phố khiến 1.300 con lợn với trọng lượng trên 59,2 tấn bị bệnh, chết buộc chôn hủy.

Theo ông Nguyễn Phú Quốc - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị, có 4 nguyên nhân cơ bản khiến tình hình dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh trên địa bàn. Cụ thể, một số người chăn nuôi, thương lái chưa nhận thức đầy đủ được tính chất nguy hiểm của bệnh dịch, cũng như vì lợi ích kinh tế trước mắt nên đã đem bán, vận chuyển, giết mổ lợn nghi mắc bệnh, mắc bệnh, chết.

Đồng thời, virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi có thể lây lan từ khu vực có dịch sang nơi khác qua phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi có chứa mầm bệnh và yếu tố con người đi từ vùng có dịch.

Đợt này, tại tỉnh Quảng Trị, dịch tả lợn châu Phi hầu hết xuất hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có điều kiện vệ sinh và an toàn sinh học không tốt. Ngoài ra, thời tiết biến đổi bất lợi, mưa ẩm kéo dài, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, lây lan. Trong khi đó, hiện nay, đàn lợn trên địa bàn tỉnh chưa được tiêm vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi.

“Dịch tả lợn châu Phi là bệnh dịch rất nguy hiểm cho ngành chăn nuôi. Nếu không sớm khống chế, bệnh dịch sẽ gây tổn hại rất lớn về kinh tế. Với yêu cầu “chống dịch như chống giặc”, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và huy động mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách để ngăn chặn bệnh dịch xâm nhập, lây lan và bảo vệ đàn vật nuôi” - ông Quốc nói đồng thời cho rằng, các địa phương cần thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình dịch bệnh; quản lý chặt chẽ đàn lợn trên địa bàn đến từng trang trại, từng hộ dân; nhanh chóng phát hiện, cô lập, khống chế và xử lý triệt để các ổ dịch trong thời gian sớm nhất.

Đề nghị các địa phương thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ và phối hợp tốt với các cơ quan chuyên môn xây dựng, dự phòng sẵn các phương án để xử lý triệt để lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh theo quy định của cơ quan thú y.

Bên cạnh đó, làm tốt công tác tuyên truyền để người chăn nuôi thực hiện tốt 5 không (1 - Không giấu dịch; 2 - Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; 3 - Không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; 4 - Không vứt lợn bệnh chết ra môi trường và 5 - Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt).

“Làm tốt được nội dung này để người dân chủ động báo cáo kịp thời bệnh dịch, không “bán chạy” lợn để chúng ta xử lý nhanh - gọn - triệt để, kết hợp với việc kiểm soát tốt việc vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn thì coi như chúng ta sẽ kiểm soát tốt bệnh dịch và hạn chế được thiệt hại do bệnh dịch gây ra” - ông Quốc nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO