Khi dịch vụ đòi nợ thuê ngày càng có những biến tướng khó lường cũng là thời điểm Bộ Kế hoạch - Đầu tư muốn đưa ngành nghề này vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh.
Tranh minh họa.
Nhiều cơ quan muốn kiểm soát
Trong dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, Bộ KHĐT đã đưa “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” từ ngành nghề kinh doanh có điều kiện sang ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh.
Theo lý giải của cơ quan soạn thảo, việc bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với dịch vụ này; hạn chế tình trạng một số cá nhân, tổ chức lợi dụng hoạt động đòi nợ thuê gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự.
Trước đó, liên quan đến dịch vụ đòi nợ thuê, UBND TPHCM cũng đã kiến nghị Bộ Tài chính đưa loại hình kinh doanh này vào danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh. Theo lý giải của đơn vị này, thực tế quan hệ nợ là hợp đồng dân sự hoặc hợp đồng kinh tế, khi có tranh chấp hợp đồng các bên tham gia tự thỏa thuận hoặc khởi kiện để tòa án giải quyết. Nhà nước đã có đầy đủ hệ thống luật pháp, cơ quan bảo vệ, thi hành pháp luật, như Tòa án, Viện Kiểm sát, cơ quan thi hành án...
Đối với các vụ việc đã có quyết định, bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật thì cơ quan thi hành án, thừa phát lại... là cơ quan có thẩm quyền thi hành.Việc cho phép loại hình kinh doanh này hoạt động hợp pháp vô tình là kẽ hở để một số đối tượng như hoạt động đòi nợ thuê, xã hội đen... lợi dụng núp bóng đầu tư hoạt động qua hình thức cấu kết giữa các công ty tài chính, công ty đòi nợ và các đối tượng hình sự, các băng ổ nhóm tại địa phương gây hệ quả phức tạp về an ninh trật tự.
Dịch vụ đòi nợ thuê hoành hành
Việc cấp phép cho doanh nghiệp kinh doanh đòi nợ thuê là thẩm quyền của Sở KHĐT, thế nhưng dịch vụ này đang có những biến tướng ảnh hưởng đến trật tư an toàn xã hội. Các công ty đòi nợ thuê gây sức ép lên con nợ, đe dọa và dọa nạt con nợ. Nhiều công ty đòi nợ thường dùng những chiêu mang tính chất xã hội đen như “chửi bới, đe dọa người thân hoặc cho nhân viên dùng luật rừng để đe dọa”.
Mới đây, TAND tỉnh Tây Ninh tuyên án sơ thẩm 1 nhóm đòi nợ thuê gồm 15 đối tượng, với hàng loạt tội danh như cưỡng đoạt tài sản, hủy hoại tài sản và cố ý gây thương tích. Mức án nhóm này phải nhận là từ 3 năm tù đến 9 năm 6 tháng tù giam.
Thực tế hiện nay dịch vụ đòi nợ thuê phát triển khá mạnh. Một số công ty cho vay tiêu dùng hoặc ngân hàng còn thuê các công ty đòi nợ để đi siết nợ con nợ.
Chị Nguyễn Thu Hồng (Lĩnh Nam, Hà Nội) kể câu chuyện: Gia đình chị đi siêu thị điện máy và ký vào hợp đồng vay vốn trả góp để mua điện thoại. Bẵng đi một thời gian chị bị số điện thoại lạ gọi đến đe dọa trả tiền nợ. Thật đáng ngại khi số tiền nợ chỉ có 2 triệu đồng mà tên tuổi của chị và chồng đều bị đưa lên cộng đồng mạng, chưa kể cứ đều đặn ngày 2 lần đều bị khủng bố tinh thần qua điện thoại đến mất ăn mất ngủ.
Giới chuyên gia cho biết do tính chất nhạy cảm của hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ nên trên thực tế, hoạt động của các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt còn xảy ra các vi phạm về an ninh, trật tự. Cụ thể, dịch vụ này sử dụng nhân viên không đủ điều kiện, tiêu chuẩn; hoạt động không đúng địa chỉ, không đúng nội dung ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng còn hạn chế do các doanh nghiệp thường xuyên không thực hiện báo cáo theo quy định nên dẫn đến chỉ rõ một số sai phạm liên quan đến an ninh trật tự như một số công ty đòi nợ có hành vi “khủng bố”, nhân viên có cấu kết với các đối tượng xã hội đen bắt cóc, tống tiền để đòi nợ…
Cấm hay không?
Luật sư Trương Thanh Đức- Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho rằng, không phủ nhận dịch vụ đòi nợ thuê đang phát sinh nhiều yếu tố tiêu cực nhưng ngành nghề kinh doanh nào cũng có những mặt trái. “Ví dụ như karaoke, mát-xa, vũ trường… cũng có mại dâm trá hình, hay sử dụng ma túy. Với cầm đồ, chưa kể đến nguồn tài sản có thể phạm pháp mà ngay cả vấn đề lãi suất cũng đều vi phạm. “Vì vậy nếu nói phức tạp mà cấm thì rất nhiều ngành nghề tới đây cũng phải cấm. Cái quan trọng là cái gì cuộc sống cần thì phải để nó phát triển”- luật sư Đức nêu quan điểm.
Theo ông Đức, vấn đề mấu chốt là cơ quan quản lý phải “để mắt” đến hoạt động này, phải phát hiện, xử lý kịp thời những sai phạm để răn đe. Việc cấm hoạt động đòi nợ thuê, trước tiên sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của chủ nợ, khi họ cảm thấy không được bảo vệ. Bởi vì không phải cứ vụ việc nào cũng đưa ra tòa được, ngay cả các ngân hàng khi khởi kiện con nợ ra tòa có khi cũng mất tới 3-4 năm chưa chắc đã giải quyết được, rồi còn án phí, phí thi hành án…
Vì vậy, ông Đức cho rằng, để quản lý, không cần nhiều quy định, chỉ cần sửa đổi quy định chặt chẽ hơn, đồng thời các trường hợp phát sinh, có nguy cơ, hay thậm chí là sai phạm thì kiện ra tòa, áp dụng mức chế tài thật nặng để đảm bảo tính răn đe. Quan trọng là quản lý hành vi, chứ không thể áp dụng tư duy “không quản được thì cấm”.