Điểm sàn ĐH đã được Bộ GD&ĐT công bố ở mức 15,5 điểm cho tất cả các khối thi. Nhưng đây chỉ là ngưỡng tối thiểu để các trường tuyển sinh và không ảnh hưởng nhiều đến các trường top trên. Hiện nhiều trường đã công bố mức điểm nhận hồ sơ cao hơn 2-4 điểm so với mức điểm sàn Bộ đưa ra.
Thí sinh cần tỉnh táo khi lựa chọn đăng ký vào ngành học nào vì hầu hết các trường đều xét tuyển theo ngành học, không có điểm chuẩn chung cho toàn trường.
Thí sinh đang được tư vấn xét tuyển vào đại học năm 2017.
Phân tích về phổ điểm thi năm nay, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, phổ điểm chung các khối thi trong cả nước không có biến động gì lớn, đặc biệt các khối thi có đông thí sinh A, B, điểm trung bình cũng tương đương năm 2016.
Do đó điểm chuẩn của các khối này vào các trường sẽ ít có biến động. Điểm trung bình các khối còn lại tăng so với năm 2016 khoảng từ 1 đến 2 điểm. Do đó điểm chuẩn các khối này có thể tăng chút ít theo hướng tăng điểm sàn năm nay.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thị Kim Phụng cũng thông tin, Bộ chưa bao giờ thống kê điểm chuẩn trung bình hay điểm trúng tuyển trung bình của các trường.
Khi thí sinh định đăng ký xét tuyển tổ hợp môn thi nào thì các em nên nghiên cứu kỹ thông tin các môn thi của tổ hợp đó. Cụ thể: Năm nay, tương quan điểm của các em so với mặt bằng chung như thế nào?
Với tổ hợp các em định đăng ký xét tuyển, nên so sánh tổ hợp đó của năm nay bằng hay là cao hơn hoặc thấp hơn so với năm trước. Trên cơ sở đó, các em có thể dự kiến được những trường hoặc những ngành lấy điểm chuẩn từ tổ hợp điểm đó.
Đây cũng là lưu ý của nhiều lãnh đạo các trường Đại học (ĐH) khi được hỏi về dự kiến điểm chuẩn của trường ĐH năm nay sẽ tăng hay giảm so với các năm học trước.
Ông Nguyễn Tuấn Anh- Trưởng phòng Đào tạo ĐH và sau ĐH Trường ĐH Thủy Lợi thông tin, có thể mức điểm chuẩn vào trường năm nay sẽ tăng khoảng 0,5 điểm với một số ngành “hot” như Công nghệ thông tin, Kỹ thuật điện - điện tử, Kỹ thuật cơ khí, Kế toán, Quản trị kinh doanh.
Những ngành này năm trước dao động từ 19 - 20 điểm. Trong khi đó, một số ngành truyền thống như Kỹ thuật tài nguyên nước, Cấp thoát nước... điểm chuẩn có thể giảm một chút.
Như vậy, hiện tượng “mưa điểm 10” hay có nhiều bài thi đạt điểm cao tác động quá nhiều đến việc tuyển sinh của các trường.
Cụ thể, mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển vào ĐH Thủy lợi năm nay là 15,5 điểm tất cả các tổ hợp xét tuyển. Mức điểm chuẩn vào trường cũng dự kiến không biến động nhiều so với năm trước.
Theo TS Lê Xuân Thành- Trưởng phòng Công tác sinh viên, ĐH Mỏ địa chất, hiện nay không còn khái niệm điểm trúng tuyển vào trường là bao nhiêu mà hầu hết các trường đều xét tuyển theo ngành học.
Việc thí sinh nên quan tâm là theo dõi xem ngành mà các em đăng ký là “hot” hay không, điểm trúng tuyển của ngành đó trong các năm trước là bao nhiêu.
Việc nghiên cứu phổ điểm và mặt bằng chung của tổ hợp điểm mà các em đăng ký xét tuyển cũng là cơ sở quan trọng để dự đoán được điểm chuẩn của ngành học mà mình sẽ đăng ký xét tuyển với tỷ lệ chính xác tương đối.
Nhìn chung, ở nhiều môn thi, số thí sinh có điểm từ 8 trở lên nhiều hơn năm trước. Số lượng thí sinh có mức điểm trong khoảng này cũng lớn hơn. Dựa vào các thông số trên, điểm chuẩn có thể biến động chút ít, tùy từng ngành học.
Thực tế cho thấy, thí sinh được đăng ký với số nguyện vọng không giới hạn nhưng vẫn tập trung đăng ký vào một số ngành/trường yêu thích, dẫn đến có những trường/ngành có số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vượt rất xa chỉ tiêu cần tuyển nhưng lại có trường/ngành khác có số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển rất thấp.
Vì vậy, theo PGS TS Trần Văn Tớp- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, về nguyên tắc, phổ điểm thi năm nay của thí sinh cao hơn năm trước nên điểm chuẩn vào các trường ĐH sẽ cao hơn.
Tuy nhiên, điểm chuẩn còn phụ thuộc vào tỷ lệ thí sinh đăng ký vào ngành học cụ thể. Vì thế, cũng có thể sẽ xảy ra tâm lý lo ngại của thí sinh sợ không trúng tuyển vào ngành này được nên chuyển nguyện vọng sang ngành khác, lúc đó điểm chuẩn ngành học đó sẽ thấp đi.
Và việc trường giảm chỉ tiêu tuyển sinh của một số ngành có thể lại khiến điểm chuẩn tăng cao hơn so với các ngành khác, thí sinh cần hết sức cân nhắc.
Cùng chung quan điểm, GS TS Trần Thọ Đạt- Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng điểm trúng tuyển của các ngành thuộc nhóm năm 2016 có điểm trúng tuyển cao là (Kế toán, Kinh tế quốc tế, Kinh doanh quốc tế, Marketing...) nhiều khả năng sẽ tăng mạnh hơn với nhóm có điểm trúng tuyển thấp.
Những ngành có chỉ tiêu xét tuyển ít như ngành Kinh tế Quốc tế, Quản trị khách sạn, điểm trúng tuyển có thể sẽ biến động mạnh hơn.
Vì vậy, thí sinh cần lưu ý lựa chọn càng nhiều ngành và sắp xếp nguyện vọng đăng ký phù hợp với 3 tốp: Cao, trung bình và thấp (tương ứng với > 24 điểm; trong khoảng 22 - 24 điểm và < 22 điểm thì khả năng trúng tuyển vào Trường ĐH Kinh tế quốc dân của thí sinh sẽ cao.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cũng cho rằng với việc được đăng ký với số nguyện vọng không giới hạn, nếu các em đã đăng ký xét tuyển vào những trường ngành có khả năng điểm chuẩn tăng cũng không cần thiết phải rút khỏi các ngành này mà nên đăng ký thêm vài ngành có điểm chuẩn thấp hơn để tăng khả năng trúng tuyển.
“Khi xét tuyển nếu các em không trúng tuyển vào ngành có điểm chuẩn cao thì các em sẽ xét được xét tiếp vào những ngành điểm chuẩn thấp hơn mà các em đã đăng ký”- ông Ga nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Ga cũng đưa ra lời khuyên đối với các thí sinh của kỳ thi năm nay, đó là nên có sự dịch chuyển. Vì bình thường, các em thích đi học ở trường gần nhà để được sống cùng với gia đình.
Nhưng, các trường ĐH ở TP lớn thường có số lượng thí sinh giỏi lấp đầy cho nên những em điểm thấp hơn không có cơ hội.
Những em này muốn đi học ĐH thì phải tính đến việc ra các địa phương để tìm kiếm trường có yêu cầu điểm chuẩn phù hợp với điểm thi của mình. Ngoài việc xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia, các em có thể xét tuyển bằng kết quả học 3 năm phổ thông.