Là nghề truyền thống, sinh kế bao đời nay của hàng trăm gia đình nhưng đầu mùa muối năm nay, nhiều diêm dân ở Bà Rịa- Vũng Tàu đã phải bỏ đồng, bỏ muối vì chi phí sản xuất quá cao, càng làm càng thua lỗ.
Nhiều diêm dân Bà Rịa-Vũng Tàu muốn bỏ nghề vì giá thấp.
Khó trăm bề
Những ngày đầu năm, thời tiết ở khu vực phía Nam cực kỳ thuận lợi cho nghề muối. Nắng to, gió mạnh, độ ẩm thấp là điều mà người làm muối ưa thích. Tuy nhiên, trên ruộng muối thực tế lại không thuận lợi như vậy. Bác Nguyễn Văn Thông, 62 tuổi ở ấp Bến Đá (xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu, Bà Rịa Vũng Tàu) cho biết, mấy năm trước, làm muối cũng có cho thu nhập khoảng 5-6 triệu đồng/ tháng. Những tháng đầu năm, thời tiết thuận hòa có khi còn cao hơn. Tuy nhiên, hiện nay làm muối không có lãi, thậm chí còn lỗ vì đầu tư nhiều, muối làm ra chất đầy đồng, giá cũng xuống rất thấp.
Tương tự, một diêm dân khác ở xã An Ngãi (huyện Long Điền), anh Trần Văn Hồng than thở: “Mấy năm trước mình đầu tư làm muối theo công nghệ mới, là trải bạt. Lợi thế của việc trải bạt là không phải làm nền ruộng, sản phẩm tinh khiết hơn nhưng chi phí lại khá cao, chừng 50-60 triệu đồng/vụ cho mỗi héc-ta muối. Mấy vụ đầu, sản lượng tốt, lên đến 120-130 tấn/vụ/ha, cao gần gấp đôi sản lượng muối ruộng nên cũng thu lãi khá. Thế nhưng từ vụ muối năm ngoái, giá đi xuống, lại bị thương lái ép giá nên làm ra mẻ nào, chất đống mẻ đó. Giờ còn đến mấy trăm tấn muối ngoài đồng chưa bán được. Từ hơn tháng nay, ngày nào cũng thuê người canh giữ chờ giá lên bởi nếu bán với giá 700-700/kg như giờ thì lỗ to”. Cũng theo anh Hồng, nếu năm nay giá muối tiếp tục ở mức thấp, việc bán muối vẫn khó khăn thì anh sẽ chuyển sang nghề khác vì không đủ vốn làm muối nữa.
Loay hoay sinh kế
Vừa đẩy chiếc xe kút kít muối, ông Đặng Văn Bảy ở xã Phước Hưng (huyện Long Điền) vừa lấy tay lau mồ hôi, kể: “Tui làm muối đến nay đã gần 40 năm. Năm được, năm mất nhưng vẫn sống khỏe, nuôi con cái lên người. Muối của diêm dân ở đây chủ yếu bán thô cho các vựa ướp cá, vựa làm mắm nhưng mấy năm lại đây, không hiểu sao những nghề này không mua muối nữa. Nghe nói họ mua muối công nghiệp giá chỉ 300-400 đồng thay thế. Vì vậy, muối của diêm dân Bà Rịa làm ra chỉ biết bán cho các thương lái đem về sơ chế làm muối ăn. Thế là từ tư thế chủ động, có thể liên hệ để bán muối trực tiếp, ngày nay diêm dân chỉ biết trông chờ thương lái. Họ trả giá cao thì có lời, giá thấp thì chỉ biết kêu trời mà thôi”.
Cũng theo ông Bảy, gia đình ông cũng như nhiều gia đình trong vùng đều làm muối mấy đời. Nay chuyển qua nghề khác rất khó vì không có vốn làm ăn, không có đất canh tác. “Đất làm muối thì có nhưng cả trăm năm nay làm muối, giờ không trồng gì khác được. Mà nuôi cá, nuôi tôm cũng không xong bởi nền đất cứng như xi măng vậy”- người diêm dân già than thở.
Theo một lãnh đạo của Chi cục Phát triển nông thôn Bà Rịa- Vũng Tàu, việc tồn đọng hàng ngàn tấn muối của diêm dân cũng khá… bình thường vì mỗi năm, mùa muối chỉ diễn ra trong 6-7 tháng. Thời gian còn lại là mùa mưa, thời tiết phức tạp không sản xuất muối được nên người dân thường trữ muối để bán. “Tuy nhiên, nhìn khách quan thì vài năm gần đây, nghề làm muối của tỉnh cũng có nhiều thách thức, do bị cạnh tranh bởi muối công nghiệp (khai thác ở các quặng muối trên thế giới) có giá rất rẻ, bằng 1/3 giá muối tự nhiên. Chính vì thế, lãnh đạo tỉnh đã có một số phương án như hỗ trợ thu mua, giúp người dân.
Là nghề cha truyền con nối, đến nay không những không phát triển bền vững mà nghề muối còn là gánh nặng của nhiều diêm dân. Thu nhập bấp bênh, giá cả không tự thương lượng được trong khi biến đổi khí hậu khiến cho độ mặn của nước biển ven bờ thay đổi, ảnh hưởng nhiều đến sản lượng khiến nhiều diêm dân ở “vựa muối miền Đông” này tính tới chuyện bỏ nghề, bỏ đồng muối.