Điểm nhấn sơn mài mỹ thuật

Hoàng Minh (thực hiện) 24/03/2016 09:20

Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản giao cho Bộ VHTT&DL chủ trì tham gia, hợp tác với Hàn Quốc và các nước có di sản văn hóa phi vật thể nghề sơn mài truyền thống xây dựng hồ sơ đa quốc gia đệ trình UNESCO để được xét ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhân dịp này, Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với họa sĩ Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, đơn vị tham gia tư vấn về chuyên môn trong việc xây dựng hồ sơ di sản nghề sơn

Điểm nhấn sơn mài mỹ thuật

Ông Vi Kiến Thành.

Thưa ông, đứng ở góc độ chuyên môn, ông đánh giá sao về thực trạng nghề sơn mài truyền thống Việt Nam hiện nay, cũng như việc xây dựng hồ sơ đa quốc gia công nhận sơn mài là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ?

Ông Vi Kiến Thành: Trước hết nếu nhìn nghề sơn mài truyền thống Việt Nam ở góc độ toàn cục gồm sơn mài mỹ nghệ và sơn mài mỹ thuật, chúng ta đang có rất nhiều lợi thế. Với sơn mài mỹ nghệ phục vụ sản xuất sản phẩm tiêu dùng, đồ thủ công, lưu niệm… Việt Nam đang có những cơ sở vững chắc khi đang sở hữu các làng sơn mài truyền thống trải dài từ Bắc đến Nam.

Còn sơn mài mỹ thuật thì hiện nay đang phát triển rất tốt ở nhiều lĩnh vực như hội họa, điêu khắc… Đặc biệt, sơn mài mỹ thuật Việt Nam cũng đang được đánh giá là một trong những chất liệu hội họa có xu thế phát triển rất tốt. Theo nhiều chuyên gia, chất liệu sơn mài tại Việt Nam có sự hội tụ, kế thừa và phát huy của những giá trị truyền thống.

Nghệ thuật sơn mài Việt Nam, từ một chất liệu trang trí cổ truyền nay đã trở thành chất liệu nghệ thuật. Có thể khẳng định kể từ khi ra đời, tranh sơn mài Việt Nam ngày càng trở nên nổi tiếng và được ưa chuộng. Nhiều tác phẩm trong thế kỷ XX đã trở thành kiệt tác, thành bảo vật Quốc gia. Tranh sơn mài Việt Nam được bạn bè quốc tế săn lùng, tìm mua…trở thành một thể loại đắt giá tại thị trường tranh khu vực. Các tác phẩm như: Vườn xuân Trung Nam Bắc của Nguyễn Gia Trí; Xuân Hồ Gươm của Nguyễn Tư Nghiêm; Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ của Nguyễn Sáng….và nhiều tác phẩm khác đã tạo dựng nên thương hiệu tranh sơn mài Việt Nam trong nền nghệ thuật hiện đại của thế giới.

Hà Việt

Được biết, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm là một trong những đơn vị sẽ tham gia tư vấn về chuyên môn trong việc xây dựng hồ sơ. Theo ông, ở Việt Nam nghề sơn mài truyền thống đặc điểm khác biệt nào so với các nước khác trong khu vực?

- Điều đầu tiên, tôi phải nhấn mạnh sơn mài là một chất liệu đặc thù. Trong đó, việc trồng cây sơn để chiết xuất là chất liệu quan trọng để làm sơn mài thì hầu hết hiện nay các nước đều chưa có sự quan tâm đúng mức, trong đó có Việt Nam. Cây sơn Việt Nam đang được trồng tập trung chủ yếu tại Phú Thọ, trong điều kiện khí hậu thời tiết Việt Nam, cây sơn có thể phát triển rất tốt, cung cấp nguồn nguyên liệu, chất liệu sơn rất tốt để làm sơn mài.

Song thật tiếc là việc trồng cây sơn hiện không có sự đầu tư và quan tâm đúng mức. Tôi hi vọng nếu nghề sơn mài truyền thống được công nhận là di sản của UNESCO, đây sẽ là tiền đề cho sự phát triển của nghề sơn mài được căn cơ hơn.

So với các quốc gia đang sở hữu nghề sơn mài truyền thống, ở lĩnh vực sơn mài mỹ thuật Việt Nam đã sở hữu một điểm nhấn vô cùng độc đáo. Năm 1925 khi thành lập trường Mỹ thuật Đông Dương, các sinh viên mỹ thuật thế hệ đầu tiên của trường đã tìm tòi, pha chế các nguyên vật liệu tự nhiên kết hợp với vỏ trứng,vỏ ốc để sáng tạo ra một chất liệu sơn mài không chỉ dùng để sản xuất ra các sản phẩm mỹ nghệ mà còn để sáng tác hội họa.

Chính vì thế, sau gần một thế kỷ Việt Nam vẫn luôn tự hào là quốc gia đã “phát minh” ra chất liệu sơn mài sử dụng trong ngành mỹ thuật.

Ngay các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc vẫn phải công nhận đây là một chất liệu vô cùng độc đáo. Thậm chí, hiện nay ở nhiều khâu các nước bạn còn phải học tập chúng ta.

Thưa ông nếu nói đến nghề sơn mài truyền thống, cũng đồng nghĩa với việc tôn vinh những nghệ nhân dân gian “giữ lửa” cho di sản. Chỗ này, nên hiểu như thế nào cho đầy đủ và chính xác?

Điểm nhấn sơn mài mỹ thuật - 1

Tác phẩm sơn mài Vườn xuân Trung Nam Bắc của danh họa Nguyễn Gia Trí.

Điểm nhấn sơn mài mỹ thuật - 2

Tác phẩm Xuân hồ Gươm của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm.

- Theo tôi, không nên hiểu rằng nghề sơn mài truyền thống nếu được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì chúng ta có quyền đòi hỏi các chế độ cho nghệ nhân. Bởi tùy mỗi lĩnh vực di sản lại có những tính đặc thù riêng. Như đã nói ở trên sơn mài có hai mảng là sơn mài mỹ nghệ và sơn mài mỹ thuật. Trong đó, với sơn mài mỹ nghệ hiện nay chúng ta cũng có nhiều làng nghề và các sản phẩm đều đang rất phát triển. Trong đó, ở lĩnh vực này theo tôi biết nhiều làng nghề đã tìm cho mình những thị trường nhất định.

Tuy nhiên, nếu nghề sơn mài truyền thống trở thành di sản chúng ta sẽ có được sự quan tâm đồng bộ, thích đáng hơn đặc biệt từ các doanh nghiệp, tổ chức xã hội… Từ đó, khi nhận thực về những giá trị của chất liệu sơn mài cơ hội để có được thị trường tiêu thụ hàng hóa thì chắc chắn sẽ phát triển hơn. Hiện nay, mặc dù không phải làng nghề sơn mài nào cũng tìm được đầu ra ổn định nhưng các sản phẩm mỹ nghệ, thủ công được sản xuất ra vô cùng đặc sắc và chất lượng không thua kém gì so với các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tại Việt Nam, những vết tích đầu tiên về sơn mài đã được khai quật cách đây hàng trăm năm TCN. Vào thời Đinh (930-950), dân ta đã dùng mủ cây sơn để trét thuyền; rồi lần lượt qua các triều đại Lê, Lý, Trần còn giữ được nhiều cổ vật, nhiều pho tượng gỗ hay đất đều được sơn son thếp vàng... Mãi đến thời vua Lê Nhân Tông (1443-1460), cụ Trần Lư (hiệu Trần Thượng Công) mới được tôn là bậc thầy đầu tiên của ngành nghề này. Các học trò của cụ đã lập phường thợ tỏa đi khắp nơi, những người thợ giỏi được triều đình thu nạp vào nội phủ để trang trí, vẽ vời nội thất cung điện. Hiện nay, Huế là nơi mà những vết tích và tác phẩm sơn mài cổ còn được bảo lưu một cách quy mô và đầy đủ nhất.

M.Q.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điểm nhấn sơn mài mỹ thuật