6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 24,59 tỷ USD. Tuy con số này giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng các mặt hàng trong nhóm nông sản chính xuất khẩu vẫn đạt 12,79 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng xuất khẩu rau quả tháng 6/2023 đem về gần 0,95 tỷ USD; tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả ước đạt 2,8 tỷ USD gần tiệm cận con số của cả năm 2022 (3,3 tỷ USD).
Ông Lê Thanh Hoà - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, “ngôi sao sáng” của mặt hàng nông sản xuất khẩu từ đầu năm đến nay là trái sầu riêng. Theo thống kê, 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu loại trái cây này đạt hơn 503 triệu USD, tăng gấp 18 lần so với cùng kỳ năm trước. Thị trường Trung Quốc chiếm tới 95% giá trị xuất khẩu của sầu riêng Việt Nam. Hiện thị trường đang được mở rộng sang Mỹ, EU, Nhật Bản, Úc, Anh...
Cùng với sầu riêng, theo Cục Trồng trọt, trong 2 quý cuối năm sẽ có gần 7,6 triệu tấn các loại trái cây chính cần tiêu thụ như xoài, chuối, thanh long, dứa, cam, vải, nhãn, mít, bơ…Với nguồn cung lớn như vậy, ngành rau quả đem tới nhiều kỳ vọng. Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nếu giữ vững tốc độ xuất khẩu như hiện tại thì con số 5 tỷ USD sẽ đạt được trong năm nay, sớm hơn 2 năm so với mục tiêu đề ra.
Như vậy, xuất khẩu rau quả đang là điểm sáng trên thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, trái cây vẫn là chủng loại xuất khẩu chính, trong khi các loại rau quả chế biến sâu còn đang có khoảng trống.
Ông Trần Văn Công - Tham tán nông nghiệp Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU) cho hay, mỗi năm thị trường này nhập khẩu rau, củ, quả khoảng 120 tỷ USD, chiếm 40% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu rau quả toàn cầu. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu rau, củ, quả của Việt Nam sang EU chỉ đạt khoảng 190 triệu USD, chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Trong cơ cấu rau quả Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU thời gian qua, sản phẩm tươi chiếm khoảng 70%, sản phẩm chế biến (nước ép trái cây, nước ép đông lạnh) chỉ chiếm 30%.
Bộ Công thương cũng cho biết, thị trường EU đòi hỏi rất khắt khe về các truy xuất nguồn gốc và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, đặc biệt là an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, các doanh nghiệp cần phải tìm hiểu, nắm bắt rõ thông tin về thị trường, từ thị hiếu người tiêu dùng cho đến những quy định, tiêu chuẩn về quy tắc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm… để từ đó gia tăng chất lượng hàng hóa.
Hiện cũng đã có một số doanh nghiệp quan tâm đầu tư chế biến sâu, trong đó có Công ty CP Đầu tư Dừa Bến Tre (Beinco) khi đưa vào hoạt động nhà máy chế biến dừa Beinco, với nhiều sản phẩm mới. Được biết, sản phẩm của Beinco với thương hiệu Delta Coco đã xuất khẩu đến hơn 43 quốc gia trên thế giới.
Tới nay, với lợi thế phát triển nông nghiệp, các sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam hiện đã có mặt tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, để có được thị phần một cách vững chắc thì việc chế biến nông sản theo chiều sâu là việc sớm phải làm.