Điện Cà Mau 'thắp sáng' bầu trời Tây Nam bộ

M.Loan 23/04/2017 07:30

Chúng tôi đến Chi nhánh Tổng Công ty điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) Công ty Điện lực dầu khí Cà Mau vào một ngày tháng 4. Đón chúng tôi, Giám đốc Công ty Điện lực dầu khí Cà Mau (Điện Cà Mau) Ngô Văn Chiến hồ hởi kể về những bước phát triển của công ty.

Công nhân nhà máy Điện Cà Mau kiểm tra, bảo trì bảo dưỡng tua- bin Điện Cà Mau.

Được thành lập cách đây 10 năm, nằm trong tổng thể cụm khí- điện- đạm Cà Mau, dự án nhà máy Điện Cà Mau 1 và 2 có tổng công suất thiết kế 750 MW được xây dựng trên diện tích 35 ha, do tập đoàn Siemen (CHLB Đức) cung cấp thiết bị chính.

Điện Cà Mau sử dụng công nghệ tua-bin khí chu trình hỗn hợp mới theo công thức 2-2-1. Tức là 2 tua –bin khí và 1 tua- bin hơi.

Điểm đặc biệt là tua – bin hơi chính là sự tận dụng có hiệu quả những gì còn lại của 2 tua - bin khí để tiếp tục sản sinh ra nguồn điện, góp phần hòa lưới điện quốc gia.

Vì thế, riêng Điện Cà Mau 1&2 có khả năng cung cấp sản lượng điện trên 7,5 tỷ KWh/năm. Trong thực tế vận hành suốt 10 năm qua cho thấy, Điện Cà Mau đã đạt 100 % công suất thiết kế. Và góp phần không nhỏ vào việc ổn định lưới điện quốc gia nói chung và ổn định mạng lưới điện tại khu vực Tây Nam bộ- Đông Nam bộ.

Vốn là một sản phẩm dùng khí và hơi nên điểm đặt biệt ở Điện Cà Mau là những gì còn sót lại trong quá trình vận hành của 2 tua- bin khí đã được tận dụng đến mức cao nhất để tiếp tục tạo ra điện.

Công nghệ hiện đại là thế nên lượng khí thải còn lại cuối cùng hầu như không đáng kể. Vì sau tất cả quá trình, lượng hơi còn lại được làm mát và xả ra môi trường chỉ ở mức 100 độ C. Vì thế, nó khá thân thiện với môi trường.

Một góc phòng điều khiển trung tâm nhà máy Điện Cà Mau.

Có được tất cả những thành quả ấy cũng là nhờ những nghiên cứu khoa học mang tính thực tiễn cao được cán bộ, công nhân viên của Điện Cà Mau thực hiện trong nhiều năm qua.

Chỉ kể sơ sơ như sáng kiến vệ sinh vòi đốt tua- bin khí V94.3A bằng sóng siêu âm kết hợp với hóa chất đã mang lại giá trị làm lợi tới gần 16 tỉ đồng/ năm.

Tính trong giai đoạn từ 2010 đến năm 2015 đã có 10 đề tài nghiên cứu khoa học được áp dụng vào thực tiễn công việc tại Điện Cà Mau, tiết kiệm hơn 16 tỷ 400 triệu đồng mỗi năm.

Khởi công xây dựng trong các năm 2006 và 2007 nhưng cùng vận hành thương mại vào một năm sau đó, Điện Cà Mau 1&2 đã phát điện lên lưới điện quốc gia với tổng sản lượng lên đến gần 70 tỷ KWh. Doanh thu lũy kế đạt trên 96.800 tỉ đồng, nộp NSNN trên 2400 tỉ đồng.

Theo tính toán của các chuyên gia thì 2 nhà máy thuộc dự án Điện Cà Mau đã đóng góp tương đương 5% sản lượng điện quốc gia mỗi năm.

Một điểm thú vị nữa của Điện Cà Mau đó là sử dụng khá ít nhân lực. Mỗi một ca trực như ca trực mà chúng tôi gặp tại buổi “thị sát” tại nhà máy chỉ gồm 11 người.

Trong đó, 6 kỹ sư làm việc tại buồng điều khiển trung tâm và 5 công nhân đi kiểm tra kỹ thuật tại các phân xưởng. Mỗi ca trực trong 8 tiếng.

Một ngày chỉ có 33 người trực- đây là con số nhân lực rất nhỏ so với các nhà máy nhiệt điện. Điều đó lý giải vì sao, với 3 phân xưởng, 6 phòng chức năng, toàn bộ số cán bộ công nhân viên của Điện Cà Mau chỉ chưa đầy 260 người (trong đó có 30 cán bộ nữ); với độ tuổi lao động bình quân là 36 tuổi.

Chính nhờ nỗ lực chung ấy của tập thể cán bộ, công nhân viên của toàn công ty mà Điện Cà Mau đã vinh dự được nhận Huân chương lao động hạng Ba cho tập thể (năm 2012), Bằng khen của Chính phủ năm 2016 và nhiều bằng khen, cờ thi đua của các bộ, ban, ngành và UBND tỉnh Cà Mau.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điện Cà Mau 'thắp sáng' bầu trời Tây Nam bộ