Chính trị

Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024: Đổi mới báo chí từ ‘cú hích’ của truyền thông xã hội

THÀNH LUÂN - QUANG VINH 17/03/2024 16:11

Lần đầu tiên được tổ chức tại TPHCM, Diễn đàn Báo chí toàn quốc năm 2024 đã tổ chức 12 phiên họp, trong đó có 2 phiên toàn thể và 10 phiên thảo luận với các chủ đề báo chí đương đại nóng nổi, thu hút gắn sự quan tâm hàng đầu của các cơ quan báo chí và cơ quan quản lý báo chí Trung ương và địa phương.

anh11.jpg
Nhà báo Lê Anh Đạt, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo Đại Đoàn Kết phát biểu tại phiên thảo luận của Diễn đàn Báo chí toàn quốc ngày 16/3. Ảnh: Quang Vinh.

Nhiều cơ hội xen lẫn thách thức

Trong 2 ngày tổ chức (15-16/3), Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024 đã có gần 1.000 đại diện các cơ quan báo chí, quản lý báo chí, lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp, đại diện các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương, TPHCM và các địa phương tham dự và tham gia thảo luận tại diễn đàn.

Tại diễn đàn, nhiều ý kiến đã chia sẻ các thuận lợi và thách thức của báo chí, nhất là về các nguồn thu báo chí trước ảnh hưởng của suy giảm kinh tế toàn cầu, nhất là tác động lạm phát kinh tế còn dai dẳng.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) cho biết, theo khảo sát hiện có khoảng 5 nguồn thu chính của cơ quan báo chí, gồm: quảng cáo trên báo in; ngân sách từ nhà nước, cơ quan chủ quản; doanh thu từ phát hành báo in; hợp đồng truyền thông, nội dung được tài trợ, tiếp thị liên kết; quảng cáo điện tử. Tuy nhiên, các nguồn thu chính này đều đang trong xu hướng giảm. Thông tin từ Diễn đàn Kinh tế Báo chí 2023, tổng doanh thu khối báo chí năm 2021 giảm 30,6% so với năm 2020; tổng doanh thu khối tạp chí năm 2021 giảm 44,6% so với năm 2020.

Chuyên gia này cũng dẫn khảo sát của IPS từ 177 cơ quan báo chí cho thấy, có đến 78% cơ quan báo chí có doanh thu hầu như không đổi hoặc tăng nhẹ từ 10 - 30%; chỉ có 16,9% cơ quan báo chí vẫn ghi nhận doanh thu giảm. Trong khi đó, có 71,1% cơ quan báo chí có doanh thu từ quảng cáo trên báo in giữ ổn định hoặc giảm. Còn số lượng cơ quan báo chí có doanh thu từ quảng cáo trên báo điện tử giữ ổn định hoặc tăng cũng chiếm 74,6%.

Cùng lo lắng về vấn đề này, ông Trần Xuân Toàn, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ cũng chỉ ra, nguồn thu từ quảng cáo và phát hành hiện đang chiếm tới 75% trên tổng doanh thu của Báo, nhưng sau đó đã sụt giảm như đà không phanh, buộc phải tìm hướng đi mới.

Không chỉ chịu thách thức rất lớn từ nguồn thu báo chí, các vấn đề liên quan đến báo chí điều tra cũng được đại diện lãnh đạo nhiều cơ quan báo chí bày tỏ lo lắng trước những rủi ro nghề nghiệp và khía cạnh pháp lý đang đặt ra.

Chia sẻ tại diễn đàn, nhà báo Lê Anh Đạt, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo Đại Đoàn Kết cho biết, thực tế tác nghiệp phóng viên thường xuyên đối diện với rủi ro có nguy cơ vi phạm pháp luật, trong các tình huống như: không báo cáo cơ quan khi đi tác nghiệp; nhập vai đường dây mua bán hàng hóa trái pháp luật; tham gia sự kiện có vấn đề; tham gia điều tra kiểu đặc tình của công an… để làm rõ dấu hiệu, lấy chứng cứ vi phạm của đối tượng…

Nhà báo Lê Anh Đạt cho rằng, đối với các tình huống kể trên đều có thể bị quy là thúc đẩy phạm tội, hoặc là phạm tội. Đó là những nguy hiểm rình rập nếu tòa soạn và phóng viên không ý thức một cách nghiêm túc ngay từ khi triển khai đề tài.

Đề xuất giải pháp cho vấn đề này, nhà báo Lê Anh Đạt hiến kế, khi điều tra nhập vai có dấu hiệu nguy hiểm, liên quan các hành vi vi phạm pháp luật, các tòa soạn nên có kế hoạch và thông báo (tùy mức độ, linh hoạt, sáng tạo) với cơ quan công an, chính quyền địa phương…, để tránh các rủi ro (ví dụ xâm nhập đường dây buôn lậu, buôn bán ma túy, mại dâm, hoặc mua bán hàng hóa trái luật…

Bên cạnh đó, trong quá trình tác nghiệp nhà báo phải tự bảo vệ mình, tuân thủ các quy định nghề nghiệp, pháp luật để không vượt qua các ranh giới. Để thực hiện các đề tài phóng sự - điều tra đảm bảo an toàn cho nhà báo, các tòa soạn cũng cần phải có những tổ/ nhóm chuyên gia cùng thẩm định các chi tiết trong bài điều tra.

an-box.jpg
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, Phó TBT Thường trực Báo Đại Đoàn Kết Lê Anh Đạt tại không gian trưng bày của Báo Đại Đoàn Kết tại Hội Báo. Ảnh: Quang Vinh.

Đổi mới để phát triển và khẳng định vị thế

Phát biểu tại diễn đàn lớn nhất trong năm của những người làm báo, ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã dẫn kết quả khảo sát được Hội Nhà báo Việt Nam thực hiện trong năm 2023, trong đó dự báo xu hướng phát triển cũng như bức tranh toàn diện của nền báo chí cách mạng Việt Nam hiện nay.

Theo ông Lê Quốc Minh, các thách thức mới của thời đại phát triển công nghệ, mạng xã hội, đặc biệt là sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI) đang tạo ra không ít thách thức và cả cơ hội cho báo chí trong nước. Ông Minh khẳng định, AI đang góp phần cải thiện công việc của nhà báo và AI mang lại tiềm năng to lớn cho nghề báo. Tuy thế, AI cũng tiềm ẩn rủi ro, do đó, cần phải hết sức thận trọng.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam dự báo trong năm nay, báo chí sẽ chứng kiến sự xuất hiện của những thiết bị mới ngoài điện thoại thông minh, sử dụng các cách thức tương tác như ra lệnh bằng giọng nói, chuyển động của mắt hoặc tay. Vì vậy, các cơ quan báo chí cần phải thúc đẩy để ban hành những quy định pháp lý nhằm bảo vệ tài sản trí tuệ của báo chí, để không bị sử dụng và phân tích bởi các hệ thống AI mà không có sự chấp thuận và không có đền bù tài chính thỏa đáng.

Ông Lê Quốc Minh cũng gợi ý các cơ quan báo chí nên cần tìm ra thị trường ngách, thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới. Nhất là, cần xác định rõ đối tượng độc giả để có thể phát triển những mô hình kinh tế báo chí với biên lợi nhuận cao, người dùng trung thành hoặc mối quan hệ trực tiếp với các nhà quảng cáo cụ thể mà không bị lệ thuộc vào các nền tảng công nghệ.

Tại tọa đàm, phát biểu, dự báo xu hướng phát triển của toàn ngành trong năm 2024 và những năm tiếp theo, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng công nghệ số hiện nay đang ảnh hưởng rất mạnh mẽ đối với lĩnh vực báo chí, truyền thông và tạo ra sự thay đổi căn bản của lĩnh vực này. Không gian mạng đang là trận địa chính và cũng là trận chiến chính của báo chí. Nguồn thu chính của báo chí cũng được dự báo đến từ không gian mạng.

Theo Bộ trưởng Bộ TTTT, những khó khăn và các vấn đề của báo chí gần đây nói lên một điều: báo chí cần phải đổi mới. Không thay đổi thì sẽ bị thay thế. Công nghệ số, internet và truyền thông xã hội là những cú hích mạnh mẽ để đổi mới báo chí. Sự đổi mới này sẽ chỉ làm tăng lên vai trò và sự đóng góp của báo chí cách mạng vào sự nghiệp xây dựng Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng dự báo, công nghệ số lấy đi một số việc cũ nhưng cũng tạo ra những việc mới. Vậy là báo chí phải làm những việc mới? Gợi ý cho câu hỏi mở này, Bộ trưởng Bộ TTTT cho rằng, đổi mới báo chí nằm ở chỗ báo chí phải làm hơn những gì mình đang làm. Báo chí cần một không gian rộng hơn là đưa tin “Ai, cái gì, khi nào và ở đâu”.

Gợi ý cụ thể những công việc ưu tiên làm trước, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ, báo chí muốn phát triển thì cần không gian mới, cần lực lượng sản xuất mới, cần nguồn lực sản xuất mới, cần yếu tố sản xuất mới và cần động lực mới. Không gian mới là không gian số. Lực lượng sản xuất mới là công nghệ số. Nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số. Yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số. Động lực mới là đổi mới sáng tạo số.

“Giữ cái bất biến này để ứng vạn biến. Cái vạn biến này chính là cách mà chúng ta làm báo. Không gian sáng tạo vô hạn của chúng ta là ở đây. Công cụ để thực hiện sự sáng tạo vô hạn đó chủ yếu là công nghệ số”, người đứng đầu Bộ TTTT nhấn mạnh.

Hội Báo toàn quốc 2024 quy tụ gần 300 cơ quan báo chí
Diễn ra từ 15-17/3, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân” lần đầu tiên được tổ chức tại TPHCM.

Theo ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo Hội Báo toàn quốc 2024, Hội Báo quy tụ gần 300 cơ quan báo chí và các Hội Nhà báo Việt Nam tại 63 tỉnh, thành trong cả nước tham gia. Đáng chú ý, Hội Báo năm nay đã đổi mới phương thức tổ chức với nhiều hoạt động hấp dẫn, thu hút 120 gian trưng bày các ấn phẩm báo chí đặc sắc, tiêu biểu của hàng trăm cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương.

Tham gia Hội Báo năm nay, Báo Đại Đoàn Kết - Cơ quan của UBTƯ MTTQ Việt Nam giới thiệu đến bạn đọc nhiều ấn phẩm đặc sắc, như nhật báo Đại Đoàn Kết, Đại Đoàn Kết Xuân Giáp Thìn 2024, Tinh hoa Việt Xuân Giáp Thìn và các ấn phẩm chuyên đề: Tôn giáo và Tín ngưỡng, Dân tộc và Miền núi...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024: Đổi mới báo chí từ ‘cú hích’ của truyền thông xã hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO