Việc đưa giá bán lẻ điện về một giá hay chia theo bậc thang hiện vẫn đang là vấn đề gây bàn cãi trong dư luận.
Theo Bộ Công Thương, Bộ này đang lấy ý kiến để hoàn thiện Dự thảo Quyết định của Thủ tướng, quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt (theo phương án 5 bậc thang, thay vì 6 bậc như hiện nay) để thay thế cho Quyết định số 28 của Thủ tướng (đã ban hành từ ngày 7/4/2014). Song, phía cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực điện năng cũng cho biết, đang nghiên cứu phương án “một giá điện” song song với phương án biểu giá điện bậc thang để cho người dân được quyền lựa chọn.
Nhiều ý kiến cho rằng, dù là chọn phương án nào, mục đích cuối cùng của câu chuyện giá điện cần phải hướng đến vẫn là phải tạo được cân bằng lợi ích giữa các bên.
Nói về việc đưa điện về một giá, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, như vậy sẽ không khuyến khích được người dân, DN tiết kiệm điện. Nếu đưa về một bậc thì người nghèo và người giàu tiêu thụ điện đều phải trả chi phí như nhau.
Như vậy là không công bằng với người nghèo, còn người giàu thì tha hồ sử dụng điện. Việc chia ra bậc thang giá điện có bậc cao bậc thấp là để mức thấp nhất đảm bảo an sinh xã hội, người nghèo sử dụng ít điện sẽ chỉ trả 95% giá điện hiện hành. Còn bậc cao là để khuyến khích người dân, DN sử dụng điện một cách tiết kiệm.
Do đó, theo vị chuyên gia, vẫn cần thiết phải chia giá điện theo bậc thang, như vậy vừa khuyến khích được việc sử dụng điện một cách tiết kiệm, và vẫn đảm bảo người nghèo không phải trả tiền điện giá cao.
Tuy nhiên, ông Long nêu quan điểm, vấn đề quan trọng là quy định giá bán lẻ ở từng bậc sao cho hợp lý so với giá điện bình quân. Có như thế thì người nghèo mới không chịu thiệt, còn người giàu tiêu dùng nhiều điện phải trả giá đúng với lượng điện mình tiêu thụ.
Đồng quan điểm, ông Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điện lực Việt Nam cũng cho rằng, giá điện bậc thang lâu nay đã được thế giới áp dụng và đã trở thành một công cụ hữu hiệu điều tiết nhu cầu sử dụng điện. Ưu điểm của phương án điện bậc thang là các hộ chính sách, hộ nghèo, hộ tiêu thụ điện ít sẽ được ưu đãi, còn các hộ tiêu thụ nhiều điện sẽ phải trả giá cao. Do đó, việc đưa điện về một giá có thể sẽ gây ra sự thiếu công bằng giữa hộ sử dụng nhiều điện và sử dụng ít điện.