Diễn viên Angela Phương Trinh cổ súy dùng 'địa long' chữa Covid-19: Sai vì sốt ruột?

Quang Thành 24/08/2021 09:20

Sau khi chia sẻ, cổ suý các bài viết chứa nội dung ăn giun tươi (địa long) có thể chữa khỏi Covid-19 gây hoang mang trong dư luận, Angela Phương Trinh đã đăng tải các thông tin liên quan đến việc Bộ Y tế thu hồi một số văn bản có nội dung “chưa phù hợp”, thậm chí cả những câu chuyện trong lịch sử để để biện minh cho cái “sai” của mình.

"Nổ" công dụng địa long

Thời gian gần đây, diễn viên Angela Phương Trinh đang là "tâm điểm" của cộng đồng mạng sau khi liên tục chia sẻ các bài viết liên quan việc “nuốt giun đất sống trị Covid-19”.

Cụ thể, từ ngày 13/8 đến nay, trang Facebook Angela Phương Trinh (có dấu tích xanh xác nhận chính chủ của Facebook cung cấp cho các fanpage hoặc các tài khoản cá nhân sau khi đã xác minh) liên tục đăng tải các bài viết có nội dung giới thiệu về các sản phẩm làm từ giun đất chữa Covid-19.

Ở bài đăng đầu tiên, nữ diễn viên này nói đến công dụng chung của địa long (giun đất) đối với sức khoẻ người sử dụng, kèm theo thông tin nơi bán sản phẩm.

Ở các bài đăng sau, cô liên tục nói về việc địa long có công dụng chữa trị Covid-19, thậm chí còn đưa ra những trường hợp "người thật việc thật" đã âm tính với Covid-19 sau nhiều ngày uống địa long tươi, đính kèm thông tin của "bệnh nhân" từ số điện thoại, địa chỉ để tăng tính thuyết phục và ai có nhu cầu muốn hiểu thêm có thể liên hệ trực tiếp.

Để minh chứng cho công dụng của địa long, người đẹp này còn dẫn ra việc địa long "đi theo cuộc chiến đấu oai hùng của dân tộc ta": "Sốt rét ác tính giết người cũng nhanh không thua gì Covid Delta. Chỉ nuốt vài con giun đất là hạ sốt thoát khỏi nguy hiểm, trở lại mức độ an toàn. Mà không riêng gì chiến sĩ, các đồng chí bị bắt trong trại giam của giặc cũng dạy nhau đào tìm nuốt giun tươi để không bị bệnh ốm nhằm giữ mạng sống đợi cơ hội thoát tù chiến đấu tiếp. Phải nói là địa long, đặc biệt địa long tươi, đã đi theo cuộc chiến đấu oai hùng của dân tộc ta", Angela Phương Trinh chia sẻ trên trang cá nhân.

Đáng chú ý, trong một bài đăng vẫn với nội dung dùng địa long có thể chữa khỏi Covid-19, Angela Phương Trinh còn đăng tải đính kèm hình ảnh văn bản cập nhật hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe cho người F0 cách ly tại nhà, được Sở Y tế TP HCM công bố ngày 15/8, Hướng dẫn của Bộ Y tế (trong đó có nội dung tăng cường công tác truyền thông sử dụng thuốc cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và cộng đồng về các biện pháp phòng chống dịch bệnh để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp). Việc làm này đã khiến không ít người hiểu lầm rằng, địa long thực sự có tác dụng hỗ trợ điều trị Covid-19.

Các bài đăng trên trang Facebook hơn 2 triệu người theo dõi của Angela Phương Trinh nhận được nhiều lượt chia sẻ, bình luận.

Tuy nhiên, cho đến hiện tại, chưa có bằng chứng khoa học hay công trình nghiên cứu nào về tác dụng của địa long trong điều trị Covid-19. Việc người có sức ảnh hưởng như Angela Phương Trinh chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng dễ gây hoang mang trong dư luận.

Ấy vậy mà, trong một bài viết hôm 18/8, người đẹp này khẳng định việc lan truyền những bài thuốc về địa long "không có gì sai trái với đạo đức hay pháp luật": "Trong tình trạng bệnh viện quá tải, người bị bệnh phải nằm ở nhà chờ chết, thì việc dân dùng địa long để hỗ trợ điều trị và họ khoẻ và hết bệnh thì họ lan truyền cho nhiều người được biết để thêm nguồn thuốc quý điều trị thì không có gì sai trái với đạo đức hay pháp luật cả!".

Thậm chí, Angela Phương Trinh còn cho rằng, nếu cứ chờ đợi việc cấp phép chính thức thì sẽ dẫn đến hậu quả vô cùng kinh khủng: “Nếu đợi thủ tục cho phép công bố chính thức mất 5 năm nữa thì không kịp, ta chỉ có 30 phút để giữ mạng sống cho bệnh nhân Covid”.

“Lúc cấp bách này ta cần hiệu quả chứ không cần nguyên tắc thủ tục. Địa long chính là sự hiệu quả cần thiết đó, còn ai bắt bẻ sao lại sử dụng "một thứ" chưa được cấp phép chính thức bởi Bộ Y tế thì họ hãy tiếp tục chờ đợi, và trong khi chờ đợi cứ tiếp tục đếm xác nữa”.

Có sai phải sửa

Tìm hiểu thông tin về tình hình dịch bệnh cũng như có tấm lòng hướng tới cộng đồng là điều đáng khen ngợi thế nhưng chia sẻ, cổ súy cho những "bài thuốc" không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm chứng cũng như việc thổi phồng tác dụng của một số thuốc lại là việc vừa trái đạo đức (có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của những người tin tưởng và làm theo) vừa trái pháp luật bởi những việc này không chỉ làm cho công tác truyền thông chính thống gặp nhiều khó khăn khi cần đưa những điều đúng đắn đến với người dân mà còn ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch.

Ngoài ra, trong một số bài đăng, nữ diễn viên này có dẫn một đường link, để địa chỉ bán hàng và nói mọi người có thể mua địa long tươi, khô, viên hay bột.

Chưa bàn đến việc Angela Phương Trinh có nhận "thù lao" cho những bài đăng quảng cáo này hay không, hành vi quảng cáo của nữ diễn viên khá nguy hiểm khi đề cập trực diện đến việc dùng một số loại thuốc, bài thuốc chữa trị Covid-19 trong bối cảnh đại dịch này đang diễn biến phức tạp.

Không chỉ thuốc cổ truyền mà đối với tất cả các loại thuốc nói chung, nếu các cá nhân muốn sử dụng để điều trị bệnh, cần hết sức cẩn trọng và phải theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tuỳ tiện dùng để tránh những hậu quả khó lường.

Sau vô số những ý kiến chỉ trích, hiện các bài đăng về việc dùng địa long để chữa Covid-19 của Angela Phương Trinh đã được xóa khỏi trang Facebook. Tuy nhiên, thay vì nhận lỗi và rút kinh nghiệm, người đẹp này cho rằng, việc làm của mình chỉ là "tranh thủ bảo vệ mạng sống của mình, của người thân và của cộng đồng trong khi chờ Bộ Y tế công bố thuốc điều trị" và đây là "quyền lợi và nghĩa vụ căn bản".

Và chỉ sau đó vài giờ, trong một bài đăng tiếp theo của mình, Angela Phương Trinh cũng thừa nhận "sai là tôi sốt ruột muốn giúp bà con. Tôi xin chịu phạt về cái sai đó" nhưng lại biện hộ cho việc làm của mình khi viện dẫn “có những công văn lớn về thuốc trị Covid-19, sau khi ban hành vài ngày, thì rút lại, vậy bạn nghĩ sao”.

Kèm với đó là đường link của một tờ báo nói về việc Bộ Y tế thu hồi một công văn liên quan đến việc nội dung công văn "chưa phù hợp".

Càng đáng nói hơn khi đây cũng không phải là lần đầu tiên Angela Phương Trinh đăng tải những thông tin thiếu cơ sở khoa học và chưa được kiểm chứng. Nữ diễn viên "Mùi ngò gai" từng có những bài đăng cách chữa ung thư không cần phải sử dụng thuốc mà chỉ cần đặt tay lên vết thương và cầu nguyện.

Tuy nhiên, đối với sự việc địa long lần này, thiết nghĩ, việc Angela Phương Trinh đưa những thông tin không chính xác, viện dẫn lịch sử, lập lờ giữa những nguồn tin chưa được kiểm chứng với các văn bản có dấu mộc của Bộ, ngành, gây hiểu nhầm cho nhiều người cần sự vào cuộc, xác minh, xử lý sai phạm (nếu có) của cơ quan chức năng.

PGS.TS. Phạm Vũ Khánh, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý, Y dược cổ truyền cho biết, về nguyên tắc, y học cổ truyền có khả năng “tham gia” chữa trị cho bệnh nhân Covid-19 nhưng không thể để người bệnh tự chữa được. Bởi đây là bệnh cấp tính, người bệnh cần được bác sỹ có chuyên môn khám, tư vấn và kê đơn thuốc.

“Địa long” là một vị thuốc đông y có có thể dùng làm tan huyết, chống đông máu rải rác. Tuy nhiên, không thể tự ý dùng một cách tràn lan, có thể gây nguy hiểm. Bởi bản thân “địa long” là chất có tính hàn, khi sử dụng cần dùng kèm với một số loại thuốc khác, hơn nữa, “thể nhiệt” thì mới được dùng các loại thuốc có tính hàn.

Đối với việc dùng “địa long” tươi chữa bệnh Covid- 19, theo PGS. TS Phạm Vũ Khánh, đây là việc làm rất có hại. Hơn nữa, nhiều người nhiễm Covid-19 có những triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, đại tiện lỏng những trường hợp này mà dùng “địa long” thì tình trạng bệnh càng nặng thêm rất nhiều.

“Không thể tự ý sử dụng ‘địa long’, nếu muốn sử dụng, người bệnh cần được xét nghiệm, khám cụ thể về tình trạng đông máu và các chỉ số khác. Nếu trong trường hợp có thể sử dụng cũng cần dùng đúng liều lượng và người bệnh phải được theo dõi hàng ngày bởi đây là bệnh cấp tính, không thể dùng dài ngày như những loại bệnh mãn tính”, ông Khánh khuyến cáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Diễn viên Angela Phương Trinh cổ súy dùng 'địa long' chữa Covid-19: Sai vì sốt ruột?