Bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội, không phải chỉ mỗi trẻ em mà có cả người lớn. Người lớn luôn mắng “trẻ con suốt ngày cắm mặt vào điện thoại” nhưng thực tế người lớn cũng thế. Việc bố mẹ suốt ngày sử dụng điện thoại không phải trẻ con không biết. Những lời quát mắng kiểu “cửa miệng” đó đôi khi làm các em cảm thấy bất công, chán ghét người lớn và suy nghĩ tiêu cực.
Tại buổi toạ đàm “Trầm cảm tuổi học đường, cách nào vượt qua” do Báo Đại Đoàn Kết tổ chức, diễn viên Thu Quỳnh cho biết: "Trước mỗi bộ phim lên sóng tôi cũng phải đứng trước nhiều áp lực từ mạng xã hội, truyền thông. Có những lúc tôi chán ghét bản thân khi tôi nỗ lực như thế, tôi làm 20 tiếng mỗi ngày nhưng khi vai diễn ra với khán giả tôi vẫn phải đón nhận rất nhiều những thông tin tiêu cực. Rồi tôi tự lo lắng về khả năng của mình. Ai cũng rất dễ bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội. Tôi nhận thấy điểm chung giữa người lớn và trẻ con đó là sự ảnh hưởng của mạng xã hội. Khi người lớn cũng dùng điện thoại trong thời gian dài nhưng lại hay mắng các con “suốt ngày cắm mặt vào điện thoại”. Vậy nên, muốn thay đổi các con, muốn dạy các con, tiếp cận các con, tươmg tác với các con nhiều hơn thì bố mẹ hãy đặt điện thoại xuống. Khi về nhà các gia đình có thể đăt ra các thử thách: 1 ngày không dùng điện thoại hay 1 tuần, 1 tháng không sử dụng mạng xã hội? Tôi đã từng cả tháng không dùng mạng xã hội và cũng phát hiện ra nhiều điều thú vị khi không có mạng xã hội".
Một vài báo cáo được công bố nói rằng người dùng thường mở khóa điện thoại từ 110 đến 150 lần mỗi ngày để kiểm tra mà không có bất kỳ mục đích hoặc mối quan tâm nào. Đây cũng là một dấu hiệu cho thấy người dùng ngày càng bị smartphone cuốn hút để dành thời gian cho những việc làm vô bổ. Nói cách khác, đây là dấu hiệu của chứng nghiện điện thoại hay smartphone. Trước khi trách mắng con, bố mẹ hãy tự điều chỉnh thói quen của mình trước mặt con trẻ. Đây cũng là cách để bảo vệ và nuôi dạy con.