Lịch sử vừa được điều chỉnh từ môn lựa chọn sang bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông 2018. Kế hoạch dạy học môn Lịch sử sẽ được các trường thực hiện ra sao, tổ hợp các môn lựa chọn được sắp xếp thế nào là câu hỏi được đặt ra khi năm học mới chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa.
Lo ngại khó đạt hiệu quả như mong đợi
Theo các trường, giáo viên THPT, việc Bộ GDĐT thay đổi quyết định điều chỉnh môn Lịch sử từ tự chọn sang bắt buộc 52/70 tiết khiến các trường bị động, lúng túng trong việc sắp xếp lại tổ hợp các môn lựa chọn.
Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, đến thời điểm này hầu hết trường đã hoàn thành thủ tục nhập học cho học sinh trúng tuyển vào lớp 10. Khi nhập học, các em đều đăng ký tổ hợp sẽ theo học.
Hiện tại, trường phải họp để sắp xếp lại các tổ hợp môn sao cho đúng với điều chỉnh của Bộ GDĐT và học sinh sẽ phải chọn lại các tổ hợp.
Từ nay đến khi năm học mới bắt đầu chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa. Thế nên, cô Nguyễn Phương Hoa, giáo viên dạy Lịch sử ở TP Hòa Bình (Hòa Bình) bày tỏ băn khoăn về việc điều chỉnh nội dung chương trình, tập huấn, in tài liệu hướng dẫn toàn bộ giáo viên, các trường trên cả nước liệu có đạt hiệu quả như mong đợi.
Mặt khác, theo cô Hoa, toàn bộ sách giáo khoa môn Lịch sử đã in và phát hành, nếu giờ sửa lại nội dung thì số sách giáo khoa này cũng cần tính toán lại.
Đồng quan điểm, bà Văn Liên Na, Phó hiệu trưởng trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (cơ sở Tân Triều, Hà Nội) cho rằng, việc sửa nội dung, giảm tải kiến thức để phù hợp với đại trà học sinh là rất khó và cần nhiều thời gian. Trong vòng khoảng 2 tháng, rất khó để Bộ GDĐT và các chuyên gia có thể biên soạn được nội dung phù hợp với học sinh đại trà.
Cũng theo bà Na, khi Lịch sử trở thành môn bắt buộc ở tất cả các tổ hợp thì nhà trường phải giảm môn Địa lý, Giáo dục Kinh tế pháp luật khi xây dựng tổ hợp. Điều này ảnh hưởng đến giáo viên dạy hai môn này, số giờ dạy bị giảm đi nghiêm trọng, kéo theo lương của họ cũng bị hạ xuống với không nhiều học sinh lựa chọn.
Bên cạnh đó, các trường bị xáo trộn vì phải xây dựng lại kế hoạch dạy và học khi đang ở thời điểm thí sinh trúng tuyển vào lớp 10 nhập học.
52 tiết bắt buộc không nên nặng nề kiến thức
Là một trong những giáo viên lên tiếng mạnh mẽ đề nghị Lịch sử là môn học bắt buộc, thầy Lê Đình Hiển, giáo viên Trường Tiểu học, THCS & THPT Đông Bắc Ga (Thanh Hóa) cho rằng, việc đưa môn Lịch sử trở thành môn bắt buộc là việc đương nhiên cần làm với một môn học có vị thế đặc biệt.
Thầy Hiển phân tích, chương trình Lịch sử của bậc trung học phổ thông sẽ nằm trong 8 môn học bắt buộc với 52 tiết, tức là trung bình mỗi tuần có khoảng 1,5 tiết lịch sử.
Ngoài ra đối với học sinh có nguyện vọng học nâng cao đối với môn Lịch sử, sẽ được học thêm 35 tiết chuyên đề nâng cao. Như vậy với 52 tiết bắt buộc, cùng với 35 tiết chuyên đề, thì những em thực sự có năng lực học bộ môn này sẽ có 87 tiết.
“Ở đây không phải vấn đề có nhiều tiết dạy Lịch sử là học sinh sẽ được học nhiều và biết nhiều về Lịch sử, mà muốn môn Lịch sử được trở thành môn học mà học sinh không còn “sợ” nữa thì phải tinh gọn chương trình và giảm tải kiến thức cho các em. Đối với Lịch sử trong chương trình bắt buộc 52 tiết không nên nặng nề về kiến thức chiều rộng mà chỉ cần cho các em hiểu những kiến thức căn bản về Lịch sử. Đi sâu vào một số ít nội dung cụ thể của lịch sử Việt Nam”, thầy Hiển nêu quan điểm.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Ủy ban Đổi mới giáo dục của Chính phủ, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cũng cho rằng, việc Lịch sử là môn học bắt buộc với thời lượng 52 tiết/năm học thực ra không phải là quá nặng. Nhưng mấu chốt ở đây là đổi mới cách giảng dạy chứ không phải cứ là môn học bắt buộc thì học sinh sẽ thích học.
Trước những thắc mắc cần làm rõ xoay quanh kế hoạch thực hiện điều chỉnh môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) cho biết, Bộ GDĐT đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 ban hành Chương trình giáo dục phổ thông.
Trong đó, môn Lịch sử được giữ nguyên phần chuyên đề học tập lựa chọn (35 tiết/năm học) theo định hướng nghề nghiệp; chuyển phần chủ đề môn Lịch sử 70 tiết/năm học thành phần bắt buộc và điều chỉnh chương trình còn 52 tiết/năm học để bảo đảm sự phù hợp với tất cả học sinh và cơ cấu đội ngũ giáo viên Lịch sử hiện nay.
Đối với các môn lựa chọn, các trường xây dựng các tổ hợp 4 môn học lựa chọn thay vì 5 môn theo thiết kế ban đầu, để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường.
Với phương án điều chỉnh đang dự thảo như trên, chương trình cấp THPT đối với mỗi học sinh được giảm 18 tiết/năm học so với thiết kế ban đầu tương ứng với số tiết giảm của chương trình môn Lịch sử.
Các trường cần căn cứ vào đội ngũ giáo viên của trường mình để điều chỉnh giảm 1 môn học trong các tổ hợp 5 môn học lựa chọn đã chuẩn bị, xây dựng trong thời gian qua. Thực tế chỉ cần điều chỉnh giảm 1 môn đối với tổ hợp không có môn Lịch sử.
Để kịp thời triển khai năm học 2022-2023, theo ông Thành, Bộ GDĐT đang thực hiện theo Kế hoạch đã ban hành, trong đó sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện quy trình rút gọn trong việc xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT.