Tinh hoa Việt

Điều gì đang diễn ra với kênh đào Panama?

Phan Quang Vũ 02/04/2025 10:11

Ở thời điểm này, kênh đào Panama rất “nóng” khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ tìm cách nhằm giành quyền kiểm soát tuyến đường thủy chiến lược này.

Kênh đào Panama là một tuyến đường thủy nhân tạo dài khoảng 82 km nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương và phân chia Bắc và Nam Mỹ. Nó cắt ngang eo đất Panama và là tuyến đường quan trọng về thương mại hàng hải. Trong khi đó, Chính phủ Panama khẳng định bảo vệ chủ quyền quốc gia gắn với kênh đào Panama. Vậy, điều gì đã và sẽ xảy ra với con kênh đào danh giá này?

Giữa tháng 3/2025, Hãng NBC News dẫn lời quan chức Mỹ cho biết Nhà Trắng đã yêu cầu quân đội Mỹ soạn thảo các phương án để tăng cường sự hiện diện quân sự tại Panama, bao gồm từ việc mở rộng hợp tác an ninh giữa hai quốc gia cho đến khả năng kiểm soát kênh đào.

anh 1
Kênh đào Panama.

Căng thẳng leo thang

Trong khi đó, nói với truyền thông, Ngoại trưởng Panama Javier Martinez Acha khẳng định nước này kiên định bảo vệ kênh đào Panama như bảo vệ chủ quyền quốc gia của mình. “Kênh đào thuộc về người dân Panama và sẽ luôn như vậy”, ông Acha nhấn mạnh. Trước đó, ngày 21/1/2025, Panama đã khiếu nại lên Liên hợp quốc (LHQ) về tuyên bố của Tổng thống Trump (ngày 20/1) liên quan đến việc “lấy lại” kênh đào Panama.

Trong lá thư gửi Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, chính quyền Panama đã đề cập đến một điều khoản của Hiến chương LHQ cấm bất kỳ thành viên nào "đe dọa hoặc sử dụng vũ lực" chống lại toàn vẹn lãnh thổ hoặc nền độc lập chính trị của nước khác; đồng thời kêu gọi ông Guterres chuyển vấn đề này lên Hội đồng Bảo an LHQ.

Trong một diễn biến liên quan, Hãng tin Pháp AFP dẫn lời Tổng thống Panama Jose Raul Mulino phát biểu trong phiên thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos (Thụy Sĩ), ngày 22/1/2025, rằng: “Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ những gì ông Trump nói vì kênh đào Panama thuộc về Panama và sẽ tiếp tục thuộc về Panama. Kênh đào Panama không phải là sự nhượng bộ hay một món quà từ Mỹ”.

Trước áp lực từ phía Mỹ, Văn phòng Kiểm toán Panama cũng cho biết sẽ tiến hành "một cuộc kiểm toán toàn diện nhằm đảm bảo việc sử dụng hiệu quả và minh bạch các nguồn lực công" tại Công ty Cảng Panama.

Trong khi đó, thông tin từ CBS News cho biết, một nhóm tập đoàn tài chính Mỹ, dẫn đầu là tập đoàn quản lý tài sản lớn nhất thế giới là BlackRock Inc., đã đạt thỏa thuận mua lại hầu hết mảng kinh doanh cảng biển toàn cầu của công ty có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc) CK Hutchison Holding. Doanh nghiệp đang khai thác các cảng gần kênh đào Panama đã đồng ý bán cổ phần của các đơn vị khai thác cảng cho nhóm BlackRock. Trong một thông báo phát đi, CK Hutchison Holding cũng khẳng định họ sẽ bán tất cả cổ phần tại Hutchison Port Holdings và tại Hutchison Port Group Holdings, trong một thỏa thuận trị giá 22,8 tỷ USD. Hai đơn vị này nắm giữ 80% cổ phần của tập đoàn Hutchison Ports, đơn vị điều hành 43 cảng tại 23 quốc gia, bao gồm 2 trong 4 cảng chính dọc kênh đào Panama.Thỏa thuận này sẽ trao cho tập đoàn BlackRock quyền kiểm soát 43 cảng tại 23 quốc gia, bao gồm Mexico, Hà Lan, Ai Cập, Úc, Pakistan và những nơi khác.

anh 2
Công nhân làm việc tại công trường xây dựng kênh đào Panama, giai đoạn 1903-1914.

Theo hồ sơ, liên doanh gồm BlackRock, Global Infrastructure Partners và Terminal Investment Limited có thể sẽ mua 90% cổ phần của Panama Ports Company, công ty sở hữu và vận hành các cảng Bal-boa và Cristobal tại Panama.

Việc ông Trump tuyên bố “lấy lại” kênh đào Panama đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong địa chính trị và kinh tế tác động trên phạm vi toàn cầu, bằng việc Mỹ sẽ quay lại kiểm soát các cảng Bal-boa và Cristobal - hai điểm đầu vào chiến lược của kênh đào Panama, tuyến đường thủy huyết mạch nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Kênh đào Panama xử lý khoảng 5% lưu lượng hàng hải toàn cầu, trong đó Mỹ là quốc gia sử dụng nhiều nhất. Khoảng 40% container của Mỹ đi qua kênh này và 74% hàng hóa đi trên kênh Panama tới hoặc đi từ Mỹ.

Như vậy rõ ràng lợi ích của kênh đào Panama đối với Mỹ là rất lớn. Các tàu chở hàng từ bờ Đông nước Mỹ (như New York) sang bờ Tây (như San Francisco) giảm hơn nửa quãng đường, bớt hơn chục nghìn km.

Trong khi đó, kênh đào Panama cũng là tuyến đường ngắn nhất nối Đông Á với Bắc Mỹ và châu Âu. Vận tải hàng hóa của nhiều quốc gia phụ thuộc vào kênh đào, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc.

anh 3
Chiến hạm USS Iowa của Mỹ di chuyển qua kênh đào Panama năm 1992.

Lịch sử và sự tranh chấp

Kênh đào Panama, tuyến đường biển huyết mạch kết nối hai đại dương quan trọng nhất là Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, đây là hai vùng biển đông đúc, sầm uất nhất thế giới, nhưng chỉ có hai hải trình tự nhiên kết nối hai đại dương này là tuyến đường vòng qua mũi Hảo Vọng (Nam Phi, điểm cực Nam của châu Phi) và mũi Horn (Chile, điểm cực Nam của Nam Mỹ), kéo dài hàng chục ngàn km và mất cả tháng lênh đênh trên biển.

Năm 1878, Colombia khi đó đang kiểm soát và coi Panama là một bang, đã ký thỏa thuận với Pháp để khởi công dự án xây dựng một con kênh chạy vắt ngang Panama, nối Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, với tham vọng rút ngắn quãng đường và mở rộng ảnh hưởng ở khu vực. Tuy nhiên, do thiếu máy móc và quản lý tài chính yếu, vào năm 1899, dự án của Pháp phá sản với tổn thất khổng lồ khi có đến 22.000 công nhân bỏ mạng vì tai nạn lao động, sốt rét, sốt vàng da và các bệnh nhiệt đới khác.

Pháp rút lui, nước Mỹ khi đó vừa chiến thắng trong cuộc chiến với Tây Ban Nha và đang đà mở rộng ảnh hưởng trên khắp Trung, Nam Mỹ và vùng Caribe, nhìn thấy cơ hội và đề xuất tiếp tục dự án nhưng bị Colombia từ chối. Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Theodore Roosevelt đã gây áp lực bằng cách đưa tàu chiến áp sát Panama từ cả hai bờ đại dương, đồng thời hậu thuẫn phong trào ly khai Panama khai khỏi Colombia. Mỹ cũng soạn sẵn dự thảo để Panama công bố ngay khi tách rời khỏi Colombia, cho phép Mỹ “có quyền can thiệp vào bất cứ nơi nào ở Panama nhằm thiết lập hòa bình và trật tự”.

Vào tháng 11/1903, Panama tuyên bố độc lập. Ngay sau đó, chính quyền mới ở Panama ký với Mỹ Hiệp ước Hay-Bunau-Varilla, với nội dung Washington trả Panama 10 triệu USD cùng khoản tiền thường niên 250.000 USD để toàn quyền tiếp cận dải đất rộng 16km vắt ngang Panama để đào kênh.

Tiếp đó, trong 11 năm, hàng trăm ngàn người đã làm việc không ngừng nghỉ. Họ đào đất bằng cuốc xẻng, dùng mìn phá đá, ngăn sông thành hồ chứa nước, di dời hơn 62.000 người Panama đang sinh sống tại hơn 40 thị trấn và làng mạc, tạo ra đại công trường lớn nhất lịch sử lúc bấy giờ. Năm 1914, kênh đào Panama hoàn thành, dài 82 km, gồm nhiều cống ngăn kết nối với các hồ chứa để đưa tàu bè từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương và ngược lại, do Mỹ toàn quyền quản lý.

Tổng chi phí xây dựng kênh là gần 380 triệu USD, trở thành công trình xây dựng tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ tính đến thời điểm đó. Ngoài ra, số liệu chính thức cho thấy có thêm 5.600 người nữa chết khi xây dựng kênh từ 1903-1914, nâng tổng số người bỏ mạng tại đại công trường này lên tới gần 28.000 người. Lịch sử cận đại đánh giá không có bất cứ công trình xây dựng nào lại gây tổn thất lớn như thế về sinh mạng. Tuy nhiên thành quả con kênh mang lại rất đáng kể. Về thương mại, kênh đào Panama đã “cách mạng hóa” ngành vận tải biển vì rút ngắn hơn 12.800 km trong quãng đường giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương theo tuyến qua mũi Horn, tương đương 22 ngày di chuyển. Nó giúp hàng hóa đến và đi hai bờ Đông, Tây nước Mỹ nhanh chóng và an toàn.

Con kênh này còn giúp tàu hải quân của Mỹ di chuyển từ Đông sang Tây nhanh chóng. New York Times mô tả Mỹ có một “hải quân hai đại dương”, nghĩa là việc bố trí chiến hạm trên Thái Bình Dương và Đại Tây Dương được tính toán để đảm bảo chúng có thể nhanh chóng tiếp cận phía bên kia trong trường hợp khẩn cấp qua kênh Panama.

Trong chiến tranh thế giới thứ 2, kênh đào Panama trở thành tuyến đường phục vụ đắc lực của quân Đồng minh.

Tuy nhiên căng thẳng quyền lợi giữa Panama và Mỹ là liên tục kể từ sau năm 1946. Các cuộc bạo loạn nhiều lần nổ ra ở Panama đòi chính quyền phải giành lại quyền kiểm soát con kênh từ Mỹ. Từ năm 1967, hai bên mở đàm phán về kênh Panama, đến năm 1977 (dưới thời Tổng thống Mỹ Jimmy Carter) đã công bố 2 hiệp ước. Thứ nhất là Hiệp ước trung lập vĩnh viễn, cho phép Mỹ có quyền hành động để đảm bảo kênh đào luôn hoạt động và an toàn. Và thứ hai, Hiệp ước tổng thể về kênh đào Panama, ấn định Mỹ và Panama cùng quản lý và Washington sẽ chuyển giao toàn quyền kiểm soát cho Panama vào năm 1999. Ngày 31/12/1999, Tổng thống Mỹ lúc ấy là ông Bill Clinton đã thực hiện cam kết, trao lại con kênh cho Panama.

Trong nhiều năm qua, dưới sự quản lý của Panama, kênh đào này tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong dòng chảy thương mại quốc tế. Từ năm 2007 đến 2016, nước này đã tiến hành một dự án mở rộng con kênh, giúp nó tiếp nhận tàu hàng cỡ lớn hơn. Năm 2024, doanh thu của kênh đào này là 5 tỷ USD, chiếm gần 5% GDP Panama. Các mặt hàng được vận chuyển chủ yếu qua kênh là kim loại, khoáng sản, dầu, ngũ cốc và hóa chất, chủ yếu là hàng hóa đến và đi Mỹ.

Thực tế là quốc gia có lưu lượng hàng hóa đi qua kênh đào Panama lớn nhất, Mỹ phải trả hàng tỷ USD chi phí cho Panama mỗi năm. Vì vậy, ngay sau khi thắng cử nhiệm kỳ 2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lập tức cáo buộc Panama tính phí một cách “vô lý và cắt cổ” đối với tàu bè Mỹ, bao gồm tàu quân sự, đồng thời khẳng định Washington cần giành lại quyền kiểm soát nó.

Trong bài phát biểu đầu tiên khi nhậm chức ngày 20/1/2025, ông Trump tái khẳng định việc đưa kênh đào Panama về dưới quyền kiểm soát của Mỹ là một ưu tiên. “Kênh đào Panama là một món quà mà không bao giờ nên được trao tặng”, ông Trump nói. Ông Trump cũng đưa ra con số gây tranh cãi, khi cho rằng hơn 30.000 người Mỹ đã thiệt mạng trong quá trình xây dựng kênh Panama.

Tuy nhiên, trước ông Trump, nhiều chính trị gia Mỹ cũng đã muốn giành lại con kênh. Trong quá trình tranh cử, Tổng thống thứ 40 của nước Mỹ Ronald Regan đã khẳng định Mỹ là “chủ sở hữu hợp pháp” của kênh đào Panama, bởi “chúng tôi đã mua nó, trả tiền cho nó và xây dựng nó”.

Hiện, ông Trump được cho là sẽ sử dụng ưu thế về thương mại để gây sức ép lên Panama giống như với các đối tác khác, hoặc chi một khoản tiền để mua lại quyền kiểm soát con kênh. Lựa chọn ít khả thi hơn là can thiệp quân sự. Theo giới quan sát quốc tế, trước áp lực từ ông Trump, chính quyền Panama gần như sẽ phải đưa ra một số nhượng bộ, ví dụ như giảm phí cho tàu bè Mỹ qua lại, bao gồm tàu quân sự. Ngoài ra, Panama cũng sẽ buộc phải cân nhắc kĩ lưỡng hơn khi mở rộng hợp tác với các nước mà Mỹ coi là đối thủ.

anh 4
Du khách xem tàu di chuyển qua kênh đào Panama.

“Ý tưởng Technate” là gì?

Vì sao lại là Canada, Greenland và kênh đào Panama? Giới nghiên cứu cho rằng đó chính là một phần quan trọng trong kế hoạch “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” của Tổng thống Donald Trump. Điều đó có thể được hiểu là xuất phát từ “ý tưởng Technate”, được hình thành vào đầu thế kỷ XX, bắt nguồn từ tầm nhìn về xã hội không do các chính trị gia hay nhà tài phiệt kiểm soát, mà được điều hành bởi các nhà khoa học và kỹ sư - những người đặt nền tảng quản trị dựa trên hiệu suất, làm chủ công nghệ và tối ưu hóa tài nguyên.

Các kiến trúc sư đặt ra nền móng đầu tiên cho Technate tin rằng, thay vì sử dụng tiền tệ và thị trường đầu cơ, nền kinh tế nên vận hành dựa trên những nguồn năng lượng có thể đo lường, tiêu biểu như tài nguyên thiên nhiên sẵn có. Theo đó, Technate sẽ vận hành như một thực thể “tự cung tự cấp, tự duy trì”, nơi sự thịnh vượng không còn được đo lường bằng các đơn vị tiền tệ mà bằng sự dồi dào của tài nguyên thiên nhiên, trình độ chuyên môn của cư dân và khả năng tích hợp công nghệ vào hệ thống quản lý xã hội.

Dựa trên những tiêu chuẩn kể trên thì rất lý tưởng với Mỹ khi Canada sở hữu trữ lượng khoáng sản khổng lồ; Greenland có nguồn tài nguyên đất hiếm dồi dào chưa được khai thác và kênh đào Panama đóng vai trò là huyết mạch hàng hải nối giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, giúp đảm bảo quyền tự chủ chiến lược của khu vực này khỏi các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nếu nhìn dưới góc độ này, thì theo tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk, “ý tưởng Technate” mang đến một điều đầy cuốn hút. Vì thế, ông Musk cho rằng Tổng thống Trump muốn sáp nhập Canada, mua lại Greenland và kiểm soát toàn diện kênh đào Panama “không còn là những quyết định lạc nhịp mà trở thành nước cờ cao tay được tính toán kỹ lưỡng”, khi tập trung nhiều hơn vào lợi ích Mỹ, giảm bớt sự can dự của Washington tới các cuộc xung đột bên ngoài lãnh thổ và tái định hướng các ưu tiên quốc gia.

Tuy nhiên, theo chuyên gia nghiên cứu chính trị người Đức Constantin von Hoffmeister, để đạt được mục tiêu “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” thì chiến lược mua lại các nguồn lực và cơ sở hạ tầng vượt ra ngoài biên giới hiện tại của Mỹ theo ý tưởng Technate vẫn là một câu hỏi để ngỏ, cho dẫu giấc mơ này dường như đang định hình lại bức tranh địa chính trị Mỹ trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump.

Vị trí chiến lược của Greenland và kênh đào Panama
Theo NY Times, lý do ông Trump muốn sở hữu Greenland là vì vị trí chiến lược của nó, đặc biệt là vào thời điểm băng ở Bắc Cực đang tan chảy, mở ra cơ hội mới trong cạnh tranh thương mại và hàng hải. Các nguồn tài nguyên khoáng sản quý hiếm ở Greenland cũng rất cần thiết cho công nghệ tiên tiến của Mỹ. Theo bà Sherri Goodman, một cựu quan chức Lầu Năm Góc và là học giả cấp cao tại Trung tâm Wilson có trụ sở ở Washington, thì các chuyên gia về Bắc Cực chung đánh giá ý định của ông Trump về Greenland là hoàn toàn nghiêm túc và đối với kênh Panama cũng vậy. “Đó không chỉ là lợi ích trước mắt mà còn là vấn đề lâu dài với nước Mỹ”- bà Sherri nhấn mạnh và cho rằng kết quả ra sao thì cũng thật khó để khẳng định một cách chắc chắn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điều gì đang diễn ra với kênh đào Panama?