Bộ NN-PTNT đang dự thảo nghị định về đất trồng lúa, trong đó có quy định về điều kiện, tiêu chí xây dựng công trình trên đất trồng lúa phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
Theo dự thảo, các công trình xây dựng trên đất trồng lúa phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến công năng sử dụng các công trình thủy lợi, giao thông nội đồng, diện tích đất trồng lúa hiện đang sản xuất liền kề.
Dự thảo nghị định cũng quy định các đối tượng sau đây được được sử dụng một phần diện tích trên đất trồng lúa để xây dựng một công trình, bao gồm: Cá nhân có diện tích đất trồng lúa hoặc diện tích đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa tập trung từ 3 ha trở lên đối với khu vực Đông Nam Bộ và khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và 2 ha trở lên đối với các khu vực còn lại; Tổ chức có diện tích đất trồng lúa hoặc diện tích đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa tập trung từ 45 ha trở lên đối với khu vực Đông Nam Bộ và khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và 30 ha trở lên đối với các khu vực còn lại.
Dự thảo nghị định quy định công trình được phép xây dựng trên đất trồng lúa là công trình xây dựng một tầng, không xây dựng tầng hầm; xây dựng bằng vật liệu lắp ghép đơn giản, dễ tháo dỡ; không sử dụng vào mục đích để ở.
Tỷ lệ diện tích công trình xây dựng chiếm tối đa 0,01% tổng diện tích đất lúa hoặc đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa nhưng không vượt quá 500 m2. Diện tích đất xây dựng công trình được thống kê là đất trồng lúa.
Theo dự thảo nghị định, đất trồng lúa được định nghĩa là đất có các điều kiện phù hợp để trồng lúa, bao gồm đất chuyên trồng lúa và đất trồng lúa còn lại. Đất chuyên trồng lúa là đất trồng được hai vụ lúa nước trở lên trong năm. Đất trồng lúa còn lại là đất trồng một vụ lúa nước trong năm và đất trồng lúa nương.
Hồi đầu năm, Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Việt Nam giữ ổn định diện tích 3,56 triệu ha đất trồng lúa, trong đó đất chuyên trồng lúa nước 3 triệu ha, sản lượng trên 35 triệu tấn thóc, làm nòng cốt bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, chế biến, dự trữ và xuất khẩu. Lúa đặc sản, chất lượng cao chiếm 85 - 90%, lúa sử dụng cho chế biến chiếm 10 - 15%.
Theo cơ quan soạn thảo nghị định, Điều 182 Luật Đất đai 2024 quy định nội dung mới cho phép được sử dụng một phần diện tích đất trồng lúa để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp (điều kiện, tỷ lệ, thẩm quyền cho phép xây dựng...). Trong thực tế, nhiều địa phương đã thực hiện nội dung này nhưng chưa có quy định kiểm soát.