Sức khỏe

Dinh dưỡng hợp lý để đảm bảo sức khỏe ngày Tết

BS TRỊNH HỒNG SƠN (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) 07/02/2024 08:12

Chúc nhau sức khỏe là câu chúc không thể thiếu trong mỗi ngày Tết đến xuân về. Thế nhưng, trong những ngày này, theo phong tục Tết cổ truyền của dân tộc, gia đình nào cũng chuẩn bị rất nhiều món ăn truyền thống cùng các bữa cỗ ngày Tết còn các cuộc vui liên hoan thì liên tục diễn ra ngày này qua ngày khác. Vậy làm sao để giữ gìn sức khỏe?

Nhìn chung, các mâm cỗ ngày Tết thường có đặc điểm là có rất nhiều thịt, nhiều món chiên rán, ít rau củ, một số món ăn có nhiều muối như các loại dưa muối; giò chả…, các loại mứt, bánh kẹo thường có rất nhiều đường... và không thể thiếu rượu, bia cùng các loại nước ngọt. Bên cạnh đó, các bữa ăn lại có thể diễn ra bất kể khi nào, làm đảo lộn giờ giấc ăn uống thường ngày, một ngày có thể ăn nhiều bữa.

Chế độ ăn nói trên chính là thủ phạm cho việc tăng cân, gia tăng tái phát bệnh mạn tính. Đồng thời, an toàn thực phẩm không được đảm bảo bởi các món ăn thường không được ăn ngay sau khi chế biến, nấu nướng, các gia đình lại thường có thói quen mua nhiều đồ ăn tích trữ.

Do đó, với kiến thức dinh dưỡng và sự khéo léo tinh tế trong văn hóa ứng xử, người dân, nhất là người già, người có bệnh mạn tính và trẻ nhỏ cần giữ được chế độ dinh dưỡng hợp lý để luôn mang lại tình trạng sức khỏe tốt nhất trong những ngày Tết.

Nguyên tắc chung để bữa ăn ngày Tết mang lại sức khỏe tốt đó là luôn ăn đầy đủ 4 nhóm thực phẩm, gồm nhóm giàu chất bột đường, chất đạm, chất béo và nhóm giàu vitamin/khoáng chất. Ăn vừa đủ lượng chất đạm, chất béo, đường muối theo khuyến nghị của tháp dinh dưỡng theo lứa tuổi; ăn nhiều rau củ, ăn đa dạng các loại thực phẩm bằng cách ưu tiên chọn các món ăn được chế biến từ rau, củ…

Hãy kiểm soát lượng thực phẩm ăn vào ở mức vừa đủ, không nên ăn quá no vào 1 bữa, không nên ăn bữa tối quá muộn và hãy cố gắng duy trì nề nếp sinh hoạt, giờ giấc các bữa ăn trong ngày để hệ tiêu hóa không phải mệt mỏi làm việc quá tải trong những ngày Tết.

Ngày Tết với những chén rượu xuân đôi khi thật khó chối từ, nhưng uống thế nào để vui vẻ, nhưng vẫn đảm bảo sức khỏe là điều quan trọng, đặc biệt ở những người mắc bệnh mạn tính. Trước bữa ăn có thể dùng chút rượu nhẹ như rượu vang đỏ (từ 30 - 50 ml/ngày đến 100 - 200ml/ngày tùy thuộc vào cơ địa và tình trạng bệnh) để khai vị, có tác dụng tốt cho tuần hoàn, chống ôxy hóa, trung hòa được các gốc tự do, chống ung thư.

Tuy nhiên, không nên cố mời, cố ép nhau uống rượu bia, và bản thân cũng đừng vì quá vui bạn bè hay chiều lòng con cháu mà uống nhiều, ảnh hưởng đến sức khỏe đặc biệt người mắc bệnh về dạ dày, hen suyễn, đái tháo đường, tăng huyết áp…

Ngày Tết cũng không quên uống đủ lượng nước sạch trong ngày cho dù có mải vui, hay giờ giấc ăn uống sinh hoạt có thất thường đi chăng nữa. Khi không cung cấp đủ nước, cơ thể thiếu nước sẽ có biểu hiện da khô, hay bị táo bón, các chất cặn bã đào thải qua thận không được thông thoát sẽ bị đọng lại, dễ tạo thành sỏi đường tiết niệu, uống đủ lượng nước khuyến cáo trong ngày giúp thận làm việc tốt hơn, lọc và đào thải các chất độc hại ra khỏi cơ thể, chống táo bón, da không bị khô…, ở những người bị bệnh gút còn giúp nhanh chóng đào thải bớt lượng acid uric ra ngoài cơ thể.

Giờ giấc các bữa ăn, và hoạt động thể lực cũng nên duy trì một cách đều đặn, vận động còn giúp tiêu hóa tốt hơn, giúp tiêu hao năng lượng, cân bằng lại trạng thái tích cực, vì có thể chúng ta đang bị dư thừa năng lượng bởi những bữa ăn ngày Tết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dinh dưỡng hợp lý để đảm bảo sức khỏe ngày Tết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO