Ngành tôm có vai trò quan trọng cho xuất khẩu thủy, mỗi năm ngành này đóng góp khoảng 40 - 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương 3,5 - 4 tỷ USD. Cùng với đó, nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh đã nâng cao thu nhập cho hàng triệu hộ nông dân. Tuy nhiên, sự phát triển “nóng” khiến môi trường tại nhiều vùng nuôi biến đổi, gây suy thoái và ô nhiễm.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến đánh giá, ngành tôm đã nỗ lực không ngừng để con tôm của Việt Nam trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đưa Việt Nam thành một trong những quốc gia cung cấp tôm hàng đầu thế giới. “Năm 2024, ngành tôm Việt Nam đã vượt qua nhiều thách thức để đạt kim ngạch xuất khẩu trên 4 tỷ USD, đây là một thành tích ấn tượng trong xuất khẩu tôm của nước ta. Đặc biệt, trong 2 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt hơn 542 triệu USD, tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm 2024. Sự phục hồi của một số thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản, EU, việc triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, tận dụng tốt chính sách của các thị trường là cơ hội cho ngành tôm bứt phá trong năm 2025. Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố thuận lợi, ngành hàng tôm vẫn sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do kinh tế thế giới phục hồi chậm, chi phí đầu vào tăng, áp lực cạnh tranh thương mại, các yêu cầu mới và ngày càng khắt khe của thị trường về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định.
Trên thực tế, ngành hàng tôm vẫn gặp nhiều yếu tố bất lợi như: Điều kiện nuôi trồng còn nhiều thách thức, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm khu công nghiệp... bủa vây các khu vực nuôi tôm. Trong khi đó hạ tầng nuôi trồng thủy sản nói chung và hạ tầng nuôi tôm của nước ta còn yếu.
Theo bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) trong bối cảnh biến đổi khí hậu, yêu cầu khắt khe từ thị trường quốc tế và áp lực về môi trường ngày càng gia tăng, việc phát triển bền vững không còn là lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc. Để đạt được mục tiêu này, ngành tôm nuôi cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ quản lý môi trường, ứng dụng công nghệ, đến xây dựng chuỗi giá trị minh bạch và có trách nhiệm. Việc tuân thủ các quy định về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (SPS) là yếu tố sống còn để tôm Việt Nam giữ vững chỗ đứng trên thị trường toàn cầu.
“Các thị trường lớn như Liên minh châu Âu (EU) hay Mỹ đặt ra những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về dư lượng kháng sinh, hóa chất, vi sinh vật và kim loại nặng trong sản phẩm thủy sản. Do đó, các trang trại và doanh nghiệp cần đầu tư vào quy trình sản xuất an toàn, kiểm soát chặt chẽ từ khâu nuôi đến chế biến, nhằm đảm bảo chất lượng tôm đạt chuẩn và nâng cao giá trị thương hiệu” - bà Lê Hằng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, định hướng tăng trưởng xanh đang trở thành kim chỉ nam cho sự phát triển bền vững của ngành. Thay vì phụ thuộc vào các phương pháp truyền thống gây áp lực lên môi trường, người nuôi tôm cần chuyển sang các giải pháp như nuôi tiết kiệm nước, sử dụng vật tư hiệu quả và phát triển các giống tôm có khả năng thích nghi với biến đổi khí hậu. Đây không chỉ là cách bảo vệ hệ sinh thái mà còn đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh của thế giới.
Cũng theo bà Lê Hằng, để ngành tôm nuôi thực sự bền vững, việc phát triển chuỗi giá trị minh bạch và có trách nhiệm là điều không thể thiếu. Sự liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất giống, người nuôi, nhà chế biến và nhà xuất khẩu sẽ tạo ra một hệ sinh thái bền vững. Đảm bảo truy xuất nguồn gốc rõ ràng, tuân thủ các tiêu chuẩn lao động và trách nhiệm xã hội không chỉ đáp ứng yêu cầu của thị trường mà còn nâng cao niềm tin của người tiêu dùng. Cuối cùng, mô hình hợp tác công tư (PPP) cần được đẩy mạnh để kết nối nguồn lực chính sách của nhà nước với vốn đầu tư và công nghệ từ khu vực tư nhân, tạo động lực cho sự phát triển ổn định và lâu dài.
Ngành tôm nuôi Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để khẳng định vị thế, nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức. Bằng cách thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế, ứng dụng công nghệ, đến xây dựng chuỗi giá trị bền vững, ngành tôm nuôi không chỉ đảm bảo lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng. Đây là hành trang cần thiết để tôm Việt Nam vươn xa trên thị trường toàn cầu trong một tương lai bền vững.