DN đề nghị lãnh đạo Trung ương công khai đường dây nóng

Ngọc Kha 06/03/2017 14:21

“Các đồng chí lãnh đạo Trung ương cần phải công khai điện thoại nóng của mình để chúng tôi có thể phản ánh chứ không nên e ngại”, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đề nghị.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI Vũ Tiến Lộc chủ trì hội nghị. Ảnh Trần Ngọc Kha.

Ngày 6/3, trên 200 đại biểu đến từ các doanh nghiệp (DN), các hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương khu vực phía Bắc tham dự Hội nghị giao ban về kết quả 1 năm thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.

Nhắc lại mục tiêu của Nghị quyết nói trên trong vòng năm năm tới (2016-2020), trên quy mô cả nước phải đạt gấp đôi số lượng DN, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: Muốn vậy, môi trường kinh doanh của chúng ta phải an toàn, thuận lợi và giảm chi phí nhất cho DN và đây là vấn đề mà VCCI muốn các DN lên tiếng.

Trong một năm qua, VCCI đã thu thập được trên 420 kiến nghị từ các DN. Trong số này, 320 kiến nghị đã được Chính phủ trả lời. Số còn lại đã và đang được các bộ ngành nghiên cứu, trả lời theo chức năng của mình.

Phát biểu tại hội nghị, các DN chung một nhận định: VCCI đã có nhiều cố gắng, đổi mới để giúp các DN cải thiện môi trường kinh doanh. Các thông tư, nghị định không còn chỉ thiên cho các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) như trước đây mà quan tâm rất hiệu quả cho đến các DN yếu thế nhỏ và vừa, nhất là Nghị quyết 35/NQ-CP.

Vẫn còn nhiều trở ngại

Tuy vậy, từ thực trạng Hiệp hội thiết bị điện của mình ông Mai Đình Mạnh, Tổng thư ký hiệp hội này cho rằng, vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại cần giải quyết, nhất là việc giải quyết nợ đọng vốn công trong các DNNN, vấn đề ưu tiên người Việt dùng hàng Việt Nam, vấn đề hàng rào kỹ thuật để hạn chế các thiết bị điện kém chất lượng nhập vào Việt Nam...

Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa nhận định: Chính phủ đồng hành với DN nhưng ở không ít địa phương, vẫn còn không ít người bảo thủ. Theo ông Đệ, có lãnh đạo địa phương “bắt” DN phải đợi nhiều lần vẫn không cho gặp.

“Các đồng chí lãnh đạo Trung ương cần phải công khai điện thoại nóng của mình để chúng tôi có thể phản ánh chứ không nên e ngại nếu DN gọi đến trực tiếp sẽ ảnh hưởng đến “long thể” của các vị. Nếu các vị cũng từng vi hành như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vận quần áo dân thường lẳng lặng ngồi dự họp cùng DN ở hàng ghế phía dưới hội trường thì tốt biết mấy”, ông Đệ kỳ vọng.

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cũng kiến nghị, làm sao một năm chỉ có thể giới hạn 1 đơn vị thanh kiểm tra để DN còn tập trung vào làm ăn. “Càng thanh tra, kiểm tra nhiều thì DN càng phải lo liệu phong bì dày lên thôi...” - ông chua chát.

Không giảm chi phí “không chính thức”

Ông Vũ Tiến Lộc trích dẫn kết luận khảo sát của VCCI trong thời gian qua như vậy. Nguyên nhân của vấn đề này, theo ông Nguyễn Mạnh Thản - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Phú Thọ, là do cái gọi là “sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị” vẫn chưa thực sự hiệu quả. Bên cạnh đó, quan điểm giải quyết của các cấp lãnh đạo nhiều khi không thống nhất.

“Đây nhiều khi là quan điểm cá nhân các vị lãnh đạo, nhưng có khi lại làm cho doanh nghiệp phá sản chỉ vì không ưa nhau...”, ông nhấn mạnh. Chúng ta cứ nói khuyến khích và tạo điều kiện cho DN phát triển nhưng lại cứ cho nhập tràn lan, nhập cả những con gà giống, những cái xe đạp điện... thì làm sao doanh nghiệp còn cơ hội phát triển được nữa.

Nghị quyết 35/NQ-CP ra đời có sức lan toả mạnh - đây là nhận định của ông Lại Văn Quế, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Tuyên Quang. Tuy nhiên, ông cho rằng: Để nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, Chính phủ cho thành lập ngay Trung tâm dịch vụ hành chính công cấp tỉnh, công khai trên các website về tiến độ cũng như kết quả hoạt động của nó để mọi người có thể theo dõi, cập nhật.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    DN đề nghị lãnh đạo Trung ương công khai đường dây nóng