Việc cơ quan quản lý viễn thông liên bang của Đức (Bundesnetzagentur) vừa chính thức cấm các loại đồng hồ thông minh dành cho trẻ em đã khiến cộng đồng người dùng phải ngạc nhiên.
Bundesnetzagentur cũng khuyến cáo các bậc cha mẹ nên tiêu hủy những chiếc đồng hồ thông minh cho trẻ em đã mua.
Theo Bundesnetzagentur, các loại đồng hồ bị cấm hiện bán trên thị trường Đức chủ yếu nhắm tới trẻ em từ 5 đến 12 tuổi. Hầu hết trong số này đều có thể cắm thẻ SIM để sử dụng một số chức năng thoại nhất định, và đều được kiểm soát thông qua ứng dụng di động trên điện thoại hoặc máy tính bảng.
Nguyên nhân cấm đồng hồ thông minh trẻ em là do những sản phẩm này hiện có khả năng bảo mật rất kém, dễ dàng bị lợi dụng để làm thiết bị gián điệp, ảnh hưởng tới sự riêng tư của người sử dụng và là điều đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em. Đây cũng là lý do mà cơ quan này từng cấm My Friend Cayla, một loại búp bê có tích hợp kết nối Internet.
Không riêng gì Bundesnetzagentur, mà nhiều cơ quan an ninh mạng khác cũng từng chỉ ra rằng, các bậc cha mẹ thường xuyên sử dụng thiết bị số trang bị cho con cái để giám sát chúng, thậm chí là nghe lén các câu chuyện trên lớp hay thu thập hình ảnh từ xa. Tất cả những hành vi này nếu không có sự thỏa thuận trước, đều bị xem là vi phạm quyền riêng tư của cá nhân (ví dụ như thầy, cô giáo) hoặc tổ chức (trường học). Chính vì vậy, chuyên gia cho rằng bản thân các trường cũng nên để mắt tới thiết bị thông minh mà học sinh sử dụng để tránh những hiểu lầm ngoài ý muốn.
Nếu kẻ xấu kiểm soát được chức năng định vị, chúng có thể lạm dụng những đứa trẻ mà phụ huynh không hề hay biết.
Thực tế, trong nhiều năm qua, không chỉ những chiếc đồng hồ thông minh mà nhiều sản phẩm thông minh kết nối Internet khác được phát triển khá bừa bãi và thường không được chú trọng về mặt bảo mật. Sự thiếu vắng các chế tài quản lý của chính quyền đối với thiết bị kết nối Internet cũng “thả” cho thị trường này phát triển khá tự do. Chính vì vậy, những lỗ hổng bảo mật luôn là nguy cơ tiềm ẩn và nhiều trong số này sẽ nguy hại nếu sản phẩm tương ứng được trẻ em sử dụng một cách vô tư.
Theo các phân tích, mặc dù giới chức Đức cấm đồng hồ thông minh dành cho trẻ em liên quan tới khả năng nghe của thiết bị này, nhưng lại chưa đề cập gì tới những cảnh báo của Tổ chức Người tiêu dùng Châu Âu (BEUC). Theo BEUC, đồng hồ thông minh tiềm ẩn với tính năng theo dõi GPS tích hợp có thể bị bẻ khóa và cho phép kẻ xấu theo dõi vị trí của những đứa trẻ. Hồi tháng 10 vừa qua, Ủy ban tiêu dùng Na Uy đã từng cảnh báo rằng nhiều loại đồng hồ thông minh dành cho trẻ em không hề mã hóa dữ liệu gửi đi và dễ dàng bị kẻ xấu lợi dụng chỉ bằng thủ thuật hack rất đơn giản. Khi đó, những đứa trẻ dễ dàng bị đánh lừa về vị trí hiện tại, bị dẫn dắt tới những địa điểm không mong muốn, hoặc bị theo dõi mọi bước đi. Tất cả đều hết sức nguy hiểm...