Khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam khi đưa hàng hóa vào thị trường EU chính là tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa. Hy vọng, thời gian tới những sản phẩm đồ gỗ Việt Nam sẽ là “chìa khóa” mở cửa thị trường EU- ông Gellert Horvath, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (Eurocham) bày tỏ kỳ vọng.
Ngày 13/6, phát biểu tại hội thảo đẩy mạnh xuất khẩu đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ vào thị trường châu Âu, bà Bùi Thị Thanh An- Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ đạt gần 7 tỷ USD, đóng góp quan trọng vào thành tích xuất khẩu của cả nước. Riêng thị trường EU, đây là thị trường lớn thứ hai sau Hoa Kỳ.
Doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang hướng vào thị trường này, lý do năm 2016 ngành này xuất khẩu gần 741.8 triệu USD. Dự báo, năm 2017 tình hình xuất khẩu ngành gỗ khả quan hơn vì Hiệp định thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) sắp có hiệu lực vào năm 2018.
Theo bà Miriam Garcia Ferrer- Trưởng ban Kinh tế thương mại, đại diện Phái đoàn EU tại Việt Nam, thị trường xuất khẩu chính của đồ gỗ Việt Nam là Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản và ASEAN. Ngành đồ gỗ liên tục tăng theo thời gian và tăng với tỷ lệ đáng kể hàng năm. Hiện đồ gỗ vào thị trường EU tỷ trọng không nhiều nhưng giá trị đang tăng lên.
Theo nhận định của giới chuyên gia, các Hiệp định đã ký sẽ tạo điều kiện tốt cho ngành đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ vào thị trường EU. Đồ gỗ có cơ hội vào thị trường này vì tính đến thời điểm hiện nay, tại các nước ASEAN thì chỉ có Việt Nam và Singapore ký kết hiệp định thương mại với EU, cho nên đối thủ cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường không quá nhiều. Ngoài ra, theo lộ trình cắt giảm thuế quan, khi EVFTA có hiệu lực thì thuế quan của sản phẩm đồ gỗ giảm từ 0 – 10%, sản phẩm nội thất giảm từ 2,7 – 5,7%. Dự báo, thời gian tới, giao thương 2 bên sẽ tăng lên gấp đôi, chính vì vậy DN Việt cần triển khai liền hoạt động xúc tiến thương mại chứ không cần đợi đến khi hiệp định thương mại có hiệu lực mới bắt tay kết nối.
Tuy nhiên, khi nhìn nhận về cơ hội xuất khẩu đồ gỗ sang thị trường EU, bà Bùi Thị Việt Anh- Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, thị trường EU khá tiềm năng đối với ngành đồ gỗ nhưng quy định của thị trường này cũng khá gắt gao. Đơn cử, ngoài thuận lợi về thuế quan giảm, phía EU sẽ yêu cầu DN xuất khẩu phải đáp ứng mã hàng hóa, chứng minh rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo gỗ hợp pháp. Chắc chắn DN sẽ phải nhập khẩu nguyên liệu từ các nước EU với chi phí cao hơn thay vì nhập khẩu nguyên liệu từ Lào, Campuchia, Trung Quốc.
Do hàng năm Việt Nam phải nhập khẩu 4 – 4,5 triệu m3 gỗ nguyên liệu từ trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều này vô hình trung gây khó khăn cho việc truy xuất nguồn gốc. “Nói chung, nhìn rõ vào gốc rễ vấn đề thì thị trường EU chưa thật sự “màu mỡ” đối với ngành đồ gỗ Việt Nam. Thuế quan có giảm nhưng giảm không nhiều, duy trì ở mức 4%. Quy định nguồn gốc xuất xứ hàng hóa ngày càng cao”- bà Việt Anh phân tích.
Còn theo ông Nguyễn Chánh Phương- Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (Hawa), đồ gỗ xuất khẩu vào EU chưa nhiều, chỉ ngang ngửa với Hàn Quốc nhưng vào được EU là vào được các thị trường khác.
Mong muốn đồ gỗ Việt thâm nhập sâu vào thị trường EU, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, DN phải chủ động nâng cao khả năng tiếp cận thông tin, tiêu chuẩn của EU. Đồng thời, tăng cường phối hợp với nhau cùng thúc đẩy đổi mới với vai trò và hoạt động của hội. Không ngừng nâng cao chất lượng và kiểm soát nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp. Bên cạnh những cố gắng từ phía DN, nếu có điều kiện thì EU nên hỗ trợ DN Việt nâng cao năng lực sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật để đáp ứng tiêu chuẩn/quy chuẩn, có nghĩa là thúc đẩy đầu tư từ Eu vào công nghệ chế biến gỗ tại Việt Nam.