Theo ông Shivam Misra- đại diện Hiệp hội rượu mạnh, rượu vang châu Âu thì ngành đồ uống của Việt Nam phát triển khá nhanh. Đây là thị trường đầy tiềm năng, vì vậy thời gian tới doanh nghiệp châu Âu sẽ tham gia mạnh hơn vào lĩnh vực này. Đây cũng chính là một sự khó khăn mới cho doanh nghiệp nội trong ngành hàng này.
Bia - nước giải khát ngoại nhập giành vị trí đắc địa ở các quầy kệ tại hệ thống bán lẻ hiện đại.
Bia ngoại từng bước chiếm lĩnh thị trường
Mặc dù nhiều hiệp định thương mại đa phương và song phương chưa có hiệu lực, song các sản phẩm bia, nước giải khát các loại ngoại nhập đã chủ động thâm nhập thị trường Việt Nam.
Tại các hệ thống siêu thị như: Citimart, Lotte Mart, Big C, Giant,… mặt hàng đồ uống ngoại nhập đang lấn át về số lượng, nổi trội về mẫu mã.
Sản phẩm bia từ các nước châu Á đến châu Âu đều có mặt. Có nước chỉ vài ba sản phẩm, nhưng có nước lại rất nhiều, ví dụ như bia Đức, phải kể đến Weidmann, Oettinger, Bitburger, Beck; Bỉ có bia Leffe nâu, Hoegaarden; Corona của Mexico; bia Hàn Quốc là Hite, OB; bia Royal Dutch (Hà Lan); Peroni (Ý), Cooper Pale Ale (Úc); Asiha (Nhật Bản), Singha (Thái Lan),… Không ít siêu thị còn nhập khẩu cả bia Lào, bia Indonesia,...
Nói về sức mua của thị trường đối với mặt hàng bia ngoại nhập từ các nước, đại diện một số siêu thị cho hay, lượng tiêu thụ bia ngoại chưa thật sự lấn át bia nội vì bia ngoại mới “chân ướt, chân ráo” vào thị trường Việt Nam.
Hơn nữa, giá cả khá cao so với bia nội. Tuy nhiên, bia ngoại lại được lựa chọn để làm quà biếu, tặng trong dịp lễ, Tết
Tương tự hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích các đại lý, cửa hàng bia cũng rục rịch lên kế hoạch tung bia ngoại ra thị trường nhiều hơn. Theo đó, mặt hàng bia ngoại đang được các cửa hàng bán lẻ hướng đến là bia Tiệp, Đức, Úc, Thái Lan, Hàn Quốc…
Theo bà Nguyễn Quỳnh Anh, chủ cửa hàng bia, nước giải khát (đường Cách mạng Tháng Tám, quận Bình Thạnh, TP HCM), bia nội vẫn dẫn dắt thị trường, tuy nhiên trước sự “công phá” của bia ngoại, người tiêu dùng cũng bắt đầu chao đảo.
“Khách hàng đang tìm hiểu sự khác lạ từ bia ngoại nên tôi cũng phải đa dạng hóa sản phẩm nhằm đáp ứng tốt nhu cầu của nhiều nhóm khách hàng. Cửa hàng sẽ xem xét thêm xu hướng tiêu dùng của mặt hàng này”- bà Quỳnh Anh cho biết.
Nhận định về thị trường bia ngoại nhập, trước đó ông Nguyễn Văn Việt- chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng, bia Việt Nam từng độc chiếm thị trường.
Thời gian gần đây thị phần của các doanh nghiệp bia nội có xu hướng giảm. Thị trường bia Việt “nhường” 40% thị phần cho bia ngoại.
Nguyên nhân được VBA lý giải, do mở cửa hội nhập. Ngoài ra, bia ngoại phát triển mạnh vì là những thương hiệu mạnh, tài chính tốt, kinh nghiệm quảng cáo và tiếp thị giỏi…
Đồ uống nội phải chủ động thay đổi
Thị trường bia Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng khi tăng trưởng ổn định ở mức 7,4%/năm.
Ngoài ra, một số báo cáo còn cho rằng, mỗi năm người Việt Nam có thể chi cho bia rượu với mức 3 tỷ USD. Đây chính là miếng bánh béo bở để bia ngoại “xí phần”.
Theo ông Shivam Misra- đại diện Hiệp hội rượu mạnh, rượu vang châu Âu, ngành đồ uống của Việt Nam phát triển khá nhanh, rất thu hút các doanh nghiệp châu Âu.
Trước tình thế đồ uống ngoại đang từng bước chiếm lĩnh thị phần, không ít doanh nghiệp trong lĩnh vực này tỏ ra lúng túng. Một số ý kiến cho rằng cần phải “dựng hàng rào kỹ thuật” để bảo hộ hàng sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, nói như ông Nguyễn Văn Việt thì hội nhập không thể cấm cản doanh nghiệp ngoại và bảo hộ doanh nghiệp nội.
Hội nhập là sân chơi bình đẳng, công bằng và có đào thải. Doanh nghiệp đồ uống trong nước muốn phát triển ổn định, cạnh tranh tốt đòi hỏi phải cơ cấu lại mọi mặt. Nếu không thì việc “trắng bụng lấm lưng” ngay trên sân nhà cũng là điều được báo trước.