Đối với các y, bác sĩ đã từng tham gia chống dịch tại tuyến đầu, điều khó vượt qua nhất có lẽ là lúc phải chứng kiến người bệnh ra đi sau những cố gắng hết sức của mình. Nhưng trong mất mát, tinh thần đoàn kết, sự sẻ chia đã giúp họ vượt qua mọi khó khăn.
Những dấu lặng buồn
Tham gia chống dịch Covid-19 từ khi Bắc Giang ghi nhận những ca mắc Covid-19 tăng đột biến, sau đó tiếp tục xung phong vào tâm dịch TP HCM, 4 tháng sau, bác sĩ Bùi Thị Thu Hương - Phó trưởng khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang mới trở về nhà.
“Quãng thời gian vừa qua không hề dễ dàng khi vừa phải xa gia đình, vừa căng mình chiến đấu với dịch bệnh nguy hiểm. Thế nhưng, mỗi khi nhìn người bệnh thoát khỏi lưỡi hái tử thần, được trở về với gia đình, tôi thấy lòng mình nhẹ đi rất nhiều, điều đó đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi và các đồng nghiệp tiếp tục “chiến đấu”.
Đối với các y, bác sĩ như chị Hương, việc khó vượt qua nhất chính là chứng kiến người bệnh ra đi sau những cố gắng hết sức của mình. “Mỗi lần không cứu được người bệnh, tôi chỉ ước giá mà có đầy đủ trang thiết bị hơn, có đủ nhân lực hơn thì có thể họ sẽ được cứu sống. Đến giờ, day dứt nhất với tôi và các đồng nghiệp là trường hợp một thai phụ mắc Covid-19 chuyển nặng, các y bác sĩ đã làm tất cả những gì có thể nhưng cuối cùng cô ấy cũng không thể vượt qua…”.
Áp lực về tâm lý khi lúc nào cũng phải trực 24/24 để điều trị, giành giật mạng sống cho người bệnh, cộng thêm mệt mỏi vì dầm mình trong bộ đồ bảo hộ, giữa cái nóng gay gắt của miền Nam là những gì bác sĩ Hương và đồng nghiệp phải đối mặt. Trong hoàn cảnh đó, động lực giúp chị vượt qua chính là “trách nhiệm người thầy thuốc và sự sẻ chia”.
“Ở đó, chúng tôi coi nhau như một gia đình, an ủi nhau, động viên nhau mỗi khi có người tưởng chừng gục ngã. Người bệnh và nhân viên y tế như là một gia đình, bệnh nhân thương vì chứng kiến sự vất cả của y bác sĩ và ngược lại, chúng tôi là người thân duy nhất của họ trong quá trình điều trị” - bác sĩ Hương chia sẻ.
Những điều ấm áp
Cho đến lúc này, Ths.BS Vũ Ngọc Linh, Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bưu điện dường như vẫn chưa quen được với việc thiếu vắng những tiếng báo động liên tục của máy thở, tiếng monitor theo dõi bệnh nhân hay tiếng còi xe cứu thương hú liên hồi khi trở về Hà Nội sau 2 tháng chiến đấu nơi tâm dịch miền Nam.
BS Linh chia sẻ: “2 tháng tại Bệnh viện Dã chiến số 13 cũng là thời gian chúng tôi trải qua nhiều cung bậc cảm xúc: Buồn, vui, hồi hộp, lo lắng, thậm chí hoảng sợ…ngay cả trong từng bữa ăn, giấc ngủ. Rồi không biết từ bao giờ mình đã quen với cảm giác ngoài trời không mưa mà trong người thì ướt đẫm bởi mồ hôi mỗi khi khoác trên người trang phục phòng hộ cá nhân. Rồi dần quen với cả những cơn đau đầu bởi tiếng ồn của dòng ô xy cao áp, của máy thở, của monitor, cả những cử chỉ ra hiệu, trao đổi của đồng nghiệp”.
Đại dịch đã mang đến quá nhiều mất mát, đau thương, nhưng chính những mất mát đau thương ấy đã khiến cho con người xích lại gần nhau hơn, cùng đoàn kết, gắn bó hỗ trợ lẫn nhau để tìm cách chiến thắng dịch bệnh.
Theo bác sĩ Linh, sau gần 2 tháng nỗ lực cùng các đồng nghiệp thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, cứu chữa, hỗ trợ nhân dân vùng tâm dịch, anh và các đồng nghiệp vui và xúc động vì đã đóng góp một phần công sức nhỏ bé vào việc kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh.
“Có những vất vả, những nhọc nhằn, có cả những giọt nước mắt, những mất mát, hy sinh…Nhưng hơn hết là sự sẻ chia, giúp đỡ ấm áp tình người giữa các y bác sĩ với người bệnh, giữa các y bác sĩ với nhau, giữa người bệnh với người bệnh…” - bác sĩ Linh xúc động chia sẻ.
Trong gian khó, vất vả, hy sinh thì tình người, tình đời và triết lý nhân sinh cho đi là còn mãi vẫn hiển hiện. Nhất là niềm vui mỗi khi các y bác sĩ tiễn người bệnh ra viện trở về nhà… Tất cả sẽ là những ký ức chẳng thể phai nhoà đối với bác sĩ Hương, Linh – những người đã trực tiếp tham gia chiến đấu và chiến thắng trong cuộc chiến chống dịch bệnh khốc liệt này.
PGS.TS Đỗ Thị Hảo, nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội: Càng khó khăn, tinh thần đoàn kết cộng đồng càng thể hiện rõ nét
Trong thời gian qua, khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, cũng là lần nghiêm trọng nhất kể từ năm 2020 đến nay, tinh thần đoàn kết và lối ứng xử văn hóa đẹp đẽ luôn hiện hữu. Càng khó khăn, gian khổ, truyền thống đoàn kết của người Việt Nam càng trở nên đẹp hơn. Đoàn kết luôn là truyền thống quý báu của dân tộc.
Là những người nghiên cứu văn hóa dân gian, nhiều năm đi khắp các làng quê, khắp các phố phường để tiếp cận văn hóa, chúng tôi càng thấu hiểu truyền thống đoàn kết của người Việt Nam mình.
PGS. TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội: Qua cơn hoạn nạn mới thấy lòng người
Chúng ta vừa làm, vừa chống dịch, vừa rút kinh nghiệm cho nên chúng ta đã kiềm chế được dịch Covid-19. Ngành Y tế đã tập trung toàn bộ các y, bác sỹ, các trang thiết bị y tế tốt nhất để chăm sóc và cứu chữa người bệnh. Ở đó, các y bác sĩ và nhân viên y tế đã hy sinh thời gian, sức lực, chấp nhận xa gia đình, thậm chí có những người đã hy sinh cả tính mạng để giành giật sự sống cho người dân. Việc làm đó được nhân dân ghi nhận, đánh giá rất cao.
Cuộc chiến chống dịch Covid-19 vừa qua đã cho ta thấy tinh thần đoàn kết mạnh mẽ và sự đồng lòng của nhân dân. Và càng trong khó khăn, tinh thần ấy càng tỏa sáng.
Nguyễn Phượng (ghi)