Năm 2023 ghi dấu những đóng góp tích cực của hệ thống Mặt trận từ Trung ương tới cơ sở vào thành công chung của đất nước. Khơi dậy và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Mặt trận các cấp đã góp sức cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường.
Hơn 93 năm qua, với sứ mệnh gìn giữ và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Mặt trận đã đoàn kết, tuyên truyền, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân chung sức, đồng lòng hướng tới mục tiêu xây dựng Tổ quốc ngày càng cường thịnh, nhân dân ngày càng ấm no hạnh phúc.
Nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2023), UBTƯ MTTQ Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách "Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Với 748 trang, cuốn sách là tài liệu quý về xây dựng và phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến trong cán bộ, đảng viên, nhân dân và toàn hệ thống chính trị về chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước đối với nhiệm vụ phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tại Lễ ra mắt cuốn sách, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến khẳng định, cuốn sách có ý nghĩa, giá trị đặc biệt, sẽ là cẩm nang lâu dài về lý luận, thực tiễn, mang tầm lịch sử về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn hiện nay, qua đó giúp cho cấp ủy, MTTQ Việt Nam các cấp, cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị nghiên cứu, vận dụng vào thực tiễn.
Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), năm 2023, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động ủng hộ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên với chủ đề “Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc” nhằm kêu gọi hỗ trợ xây dựng 7.000 đến 8.000 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh Điện Biên và một số Tây Bắc.
Tại Lễ phát động, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định, đây là việc làm đẹp, thể hiện tinh thần nhân văn, nhân ái, giúp đỡ, tiếp sức thiết thực, vừa là trách nhiệm, vừa là sự tri ân chân thành đối với đồng bào các dân tộc trên vùng đất mà trước kia, bà con đã dành sự hy sinh, cống hiến lớn lao, đóng góp sức người, sức của, không tiếc máu xương cho Tổ quốc.
Mang theo “tinh thần Ðiện Biên Phủ”, cả hệ thống chính trị của tỉnh Điện Biên đã cùng vào cuộc với quyết tâm cao nhất để dựng xây những mái nhà hạnh phúc, tiếp thêm động lực giúp đồng bào nghèo an cư, lạc nghiệp. Sau thời gian triển khai rất quyết liệt với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, quá trình tổ chức triển khai thực hiện Đề án rất thuận lợi với tiến độ nhanh và có chất lượng, hiệu quả. Tính đến hết tháng 11/2023, trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã có 4.989 hộ triển khai làm nhà Đại đoàn kết, trong đó 3.828 hộ đã làm xong và 1.161 hộ đang triển khai thực hiện. Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, sẽ có hàng nghìn mái ấm đại đoàn kết được bàn giao.
Năm 2023 còn là dấu mốc quan trọng ghi dấu 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư. Xuất phát từ yêu cầu mới hiện nay, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư qua đó tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, cổ vũ tinh thần yêu nước, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, phồn vinh, hạnh phúc.
Đó cũng là khẳng định của Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai khi cho rằng, những kết quả sau 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã hòa quyện được ý Đảng, lòng dân, là động lực, là kinh nghiệm quý báu để Mặt trận tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả trong tổ chức Ngày hội thời gian tới.
Không chỉ việc tập hợp sức mạnh nhân dân thông qua các phong trào thi đua yêu nước, Mặt trận còn đóng vai trò quan trọng trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh. Năm 2023, công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam đã có nhiều bước tiến và đạt được những kết quả quan trọng.
Công tác giám sát của Mặt trận ngày càng đi vào chiều sâu, phát huy hiệu quả và được cấp ủy, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao. Bên cạnh đó, nội dung, phương thức giám sát ngày càng thực chất, tập trung vào những vấn đề quan trọng liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, góp phần tăng cường quyền làm chủ, sự đồng thuận của nhân dân trong xây dựng đất nước, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam ngày càng được khẳng định, phát huy trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTƯMTTQVN ngày 15/6/2017 quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp đã tiến hành giám sát 60.463 cuộc, trong đó MTTQ cấp tỉnh giám sát được 2.689 cuộc; MTTQ cấp huyện giám sát 11.638 cuộc và Mặt trận cấp xã giám sát 46.136 cuộc bằng hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản thực hiện chính sách, pháp luật của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân trên nhiều lĩnh vực như: giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ; giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Chủ tịch UBND các cấp; giám sát việc thực hiện chương trình phối hợp vận động và bảo đảm an toàn thực phẩm...
Cùng với đó, MTTQ Việt Nam đã tổ chức phản biện xã hội đối với các dự thảo luật quan trọng, bao gồm: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), qua đó đã phát huy vai trò tham gia xây dựng pháp luật, trọng tâm là góp ý, phản biện xã hội đối với dự thảo các chính sách liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, đặc biệt những chính sách lớn có tác động lớn đến xã hội, góp phần tạo sự đồng thuận của người dân trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật.
Sau các Hội nghị phản biện xã hội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đều có văn bản phản biện gửi các cơ quan, tổ chức có dự thảo được phản biện và cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phê duyệt hoặc ban hành văn bản. Văn bản phản biện xã hội của UBTƯ MTTQ Việt Nam được dư luận đánh giá cao, nhiều nội dung phản biện được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu và một số cơ quan, tổ chức có ý kiến phản hồi.
Năm 2023 cũng là khoảng thời gian ghi dấu ấn của MTTQ Việt Nam trong công tác đối ngoại nhân dân. Nổi bật trong đó là tổ chức thành công Chương trình Giao lưu hữu nghị giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam với Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc và MTTQ - Chính hiệp các tỉnh/khu tự trị biên giới hai nước lần thứ hai tại tỉnh Quảng Ninh. Thành công của chương trình góp phần tích cực vào việc cụ thể hóa và thực hiện nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước về thúc đẩy hơn nữa và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.
Nhấn mạnh tới vị trí, chức năng, vai trò quan trọng, sứ mệnh của Chính hiệp Trung Quốc và MTTQ Việt Nam với những điểm tương đồng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến mong muốn hai tổ chức quan tâm đến nhiệm vụ tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ sau này ghi nhớ và phát triển mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp Việt Nam - Trung Quốc được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông xây dựng, được bồi đắp qua nhiều thế hệ lãnh đạo, các giai đoạn cách mạng khác nhau và bây giờ phát triển rất tốt đẹp.
Cũng trong năm 2023, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tăng cường đoàn kết quốc tế, mở rộng hoạt động đối ngoại nhân dân thông qua việc trao đổi đoàn cấp cao giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam với Hội đồng Kinh tế Xã hội và các tổ chức tương đương (AICESIS) tại Liên bang Nga, Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước, Ủy ban Bảo vệ Cách mạng Cuba, Hội đồng Quốc gia Mặt trận đoàn kết phát triển Tổ quốc Campuchia, Hiệp hội Nhân dân Singapore. Thông qua những hoạt động đối ngoại quan trọng, MTTQ Việt Nam đã có những đóng góp tích cực vào kết quả chung về đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước nói chung, công tác đối ngoại nhân dân nói riêng.
Khép lại một năm tự hào với nhiều dấu ấn đặc biệt của MTTQ Việt Nam trên mọi lĩnh vực công tác, qua đó tạo tiền đề và động lực mới cho hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến cơ sở tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hơn nữa để hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2024.