Chiến thắng ngày 30/4/1975 là thành quả vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, đã để lại những bài học vô giá, không chỉ có ý nghĩa đối với chúng ta hôm nay, mà còn với cả mai sau. Bởi trong nhiều nhân tố để làm nên chiến thắng vĩ đại này, nhân tố cơ bản, quan trọng nhất chính là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Với tinh thần chiến thắng của mùa Xuân năm 1975, MTTQ Việt Nam tiếp tục nắm bắt thời cơ, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân vượt qua thách thức, xây dựng một đất nước Việt Nam cường thịnh, hạnh phúc.
Chiến thắng lịch sử 48 năm trước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là chiến thắng của nhân dân Việt Nam; chiến thắng của đạo lý, của tinh thần đại đoàn kết từ những con người khát khao độc lập, tự do.
Trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, Đảng ta đã đưa ra được những quyết định sáng suốt và chính xác, nắm bắt đúng thời cơ lịch sử, hạ quyết tâm chiến lược chính xác để mở cuộc tổng tiến công chiến lược, đánh bại hoàn toàn quân địch, giành thắng lợi triệt để trong thời gian ngắn nhất. Nhờ đoàn kết, đồng lòng ý chí, khát khao hòa bình thống nhất Tổ quốc đã tạo bước ngoặt mang tính lịch sử để nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đi đến thắng lợi cuối cùng, giải phóng dân tộc, thống nhất non sông. Ngày vui thống nhất, ngày vui giải phóng của cả dân tộc Việt Nam chính là ngày 30/4/1975.
Suốt mấy nghìn năm dựng nước, giữ nước, dù phải trải qua nhiều đau thương, mất mát nhưng Việt Nam vẫn là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, luôn có khát vọng thống nhất, khát vọng hòa hợp dân tộc và ông cha ta đã chiến đấu kiên cường cho khát vọng ấy. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 chính là dấu mốc lịch sử khi non sông được nối liền một dải, từ đây Nam – Bắc sum họp một nhà, các dân tộc, tôn giáo, các tầng lớp nhân dân cùng ra sức dựng xây đất nước.
Hòa hợp, hòa giải dân tộc luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nỗ lực thực hiện. Vì thế, 48 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cũng là chừng ấy thời gian Đảng, Nhà nước ta đẩy mạnh chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc để xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai.
Chính sách hòa hợp, hòa giải của Đảng và Nhà nước ta dựa trên lợi ích cốt lõi của quốc gia, dân tộc là Tổ quốc độc lập, thống nhất, giàu mạnh, lãnh thổ toàn vẹn, nhân dân làm chủ, đoàn kết gắn bó máu thịt giữa gần 100 triệu người trong nước với hơn 5 triệu người Việt ở nước ngoài.
Kiều bào là một bộ phận không thể tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Sinh thời Bác Hồ luôn dành cho kiều bào sự quan tâm đặc biệt, bởi đó là một phần “máu thịt của quê hương” đang sống xa đất nước. Trong Thư chúc Tết kiều bào đầu năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ “Tổ quốc luôn luôn nhớ thương các đồng bào, như bố mẹ thương nhớ những người con đi vắng. Đó là nhân tâm thiên lý, đó là tình nghĩa một nhà”. Thấm nhuần tư tưởng của Người, Đảng và Nhà nước ta trong mọi giai đoạn cách mạng đều nêu cao tinh thần đại đoàn kết, không phân biệt vai trò, đóng góp của người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài, hễ ai là người Việt Nam, vì lợi ích cốt lõi của quốc gia, dân tộc để dựng xây đất nước thì đoàn kết lại.
Năm nào Mặt trận cũng được đón nhiều đoàn kiều bào về thăm và ngay trong Mặt trận cũng có một lực lượng Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam là kiều bào nhiệt tình, tâm huyết và trách nhiệm. Trong những cuộc gặp gỡ, lắng nghe, chia sẻ đều thấm nhuần bài học đoàn kết - bài học quý báu được đúc rút từ lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc, từ biết bao gian nan thử thách. Điều quan trọng là trong khó khăn, chúng ta nắm lấy những cơ hội để vượt lên phía trước. Khó khăn, thách thức cũng vẫn chỉ là một trong nhiều phép thử để chúng ta hiểu hơn về nội lực của mỗi cộng đồng, quốc gia và thêm trân trọng hơn giá trị của tình đoàn kết, tình yêu con người và trách nhiệm cộng đồng, trong đó có những đóng góp vô cùng to lớn của đồng bào ta ở nước ngoài, như trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19.
"Qua cơn hoạn nạn mới hiểu lòng nhau", ông Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã từng trân trọng nhắc tới điều này trong dịp đón đoàn kiều bào về thăm quê hương đón Tết cổ truyền. Người đứng đầu Mặt trận đã nói về "tình đồng chí, nghĩa đồng bào", nhiều nghĩa cử cao đẹp đã được lan tỏa, phát huy tinh thần đoàn kết quý báu của dân tộc mà kiều bào trên khắp thế giới đã nỗ lực chung tay. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự đồng lòng, đoàn kết của người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài, đất nước Việt Nam đã có những thành tựu đột phá về phát triển trong thời kỳ đổi mới, kinh tế đất nước, đời sống của nhân dân và vị thế quốc gia ngày càng đi lên.
Với mong muốn cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng gắn bó với quê hương, phát huy sức mạnh của lòng yêu nước, đoàn kết, sáng tạo, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến khẳng định, MTTQ Việt Nam luôn là địa chỉ tin cậy, là cầu nối cho bà con kiều bào sinh sống xa Tổ quốc thêm gắn bó với quê hương, cùng nhân dân trong nước xây dựng đất nước dân chủ, giàu mạnh, tự do và hạnh phúc.
Đoàn kết là sứ mệnh của Mặt trận. Trong dòng chảy của lịch sử Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - MTTQ Việt Nam 93 năm qua, dù với các hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau nhưng sứ mệnh tiên quyết của Mặt trận vẫn luôn thể hiện ở vai trò đoàn kết và tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trải qua các thời kỳ cách mạng, tư tưởng đoàn kết, đại đoàn kết toàn dân tộc càng giữ vị trí đặc biệt quan trọng, nhất quán và xuyên suốt trong đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vừa qua, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã tổng kết những bài học trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, trong đó có những bài học của cuộc tổng tiến công đại thắng ngày 30/4/1975, và ở đó có bài học về nắm bắt thời cơ, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đảng ta luôn xác định, đoàn kết là giá trị cốt lõi, đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam, có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Phát huy tinh thần chiến thắng của mùa Xuân năm 1975, MTTQ Việt Nam sẽ tiếp tục nắm bắt thời cơ, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân vượt qua thách thức, xây dựng một đất nước Việt Nam cường thịnh, hạnh phúc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: "đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay", thì điểm đến của MTTQ Việt Nam - với vai trò là trung tâm gìn giữ và xây dựng khối đại đoàn kết không thể nằm ngoài mục tiêu của dân tộc là vươn tới xây dựng đất nước cường thịnh và mỗi người dân được hạnh phúc.
Theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, MTTQ Việt Nam được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị vận động, tiếp nhận các nguồn lực giúp đỡ của toàn xã hội. Đặc biệt, trong thời gian đất nước phải chống chọi với đại dịch Covid-19, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, cả dân tộc ta đã phát huy tinh thần tương thân, tương ái, nhường cơm sẻ áo cho nhau, từ những ATM gạo, chợ 0 đồng, suất cơm miễn phí, những đồng tiền tiết kiệm của các cụ già, em nhỏ, sự góp sức của đồng bào ta ở nước ngoài… được gom góp gửi về MTTQ các cấp để cùng với Nhà nước phòng, chống dịch Covid-19. Những nghĩa cử cao đẹp ấy mãi in đậm trong tâm trí của mỗi người dân đất Việt về những tháng ngày không thể nào quên; tiếp tục hun đúc thêm truyền thống nhân ái, nghĩa tình, nhân văn của dân tộc ta.
Cùng với nguồn lực của Nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ở trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức và cá nhân người nước ngoài đang sinh sống và làm việc ở Việt Nam, đã ủng hộ của cải vật chất và ngày công, thiết thực giúp đỡ cho người nghèo, người yếu thế, người bị thiệt hại do thiên tai… vượt qua những lúc khó khăn, hoạn nạn.
Thông qua các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và phong trào “Đoàn kết- Sáng tạo”; thông qua những chương trình giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước… MTTQ Việt Nam đã kêu gọi gần 100 triệu người Việt Nam ở trong nước và hơn 5 triệu kiều bào ở nước ngoài đoàn kết để thực hiện các mục tiêu chung của đất nước, dân tộc, cùng đi qua những khó khăn, thách thức, đảm bảo việc thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân… từ đó góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đất nước đang bước vào giai đoạn hồi phục kinh tế sau đại dịch, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, tinh thần Chiến thắng 30/4/1975, tinh thần cách mạng và ý chí Việt Nam đã mách bảo chúng ta rằng: “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”, vì vậy, MTTQ Việt Nam luôn kiên định với vai trò gìn giữ và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân đã tin tưởng giao phó trong suốt 93 năm qua để nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức.
Mặt trận tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa các hình thức tập hợp, vận động để các tầng lớp nhân dân ở trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài nắm được chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội. Mặt trận tạo điều kiện để mọi người dân bày tỏ chính kiến, đóng góp xây dựng Đảng, Nhà nước và đất nước trên tinh thần dân chủ; tôn trọng những ý kiến khác nhau nhưng không trái với lợi ích chung của quốc gia, dân tộc.
Đặc biệt thông qua những cuộc gặp gỡ, lắng nghe người có uy tín tiêu biểu, già làng, trưởng bản trong các dân tộc, các chức sắc, đồng bào tôn giáo, Mặt trận kịp thời phát hiện, đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đề cao cảnh giác, đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, kích động chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Năm 2023 là năm Mặt trận tổ chức Tổng kết 20 năm Ngày hội Đại Đoàn Kết toàn dân tộc (ngày 18/11). Hiện nay, việc tổng kết đang được diễn ra sôi nổi ở các địa bàn dân cư. Việc tiếp tục tổ chức tốt Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc hàng năm càng thể hiện rõ tính đúng đắn, ý nghĩa chính trị, xã hội một cách sâu sắc về chủ trương thực hiện. Từ việc lấy tinh thần đoàn kết của Ngày hội để gắn kết cộng đồng, những bất hòa mâu thuẫn trong làng xóm được giải tỏa, tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt… Bức tranh hội tụ ấy chính là biểu hiện sinh động nhất biểu dương cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Cùng với đó, Mặt trận sẽ tiếp tục đẩy mạnh các cuộc vận động, các phong trào thi đua, góp phần vận động, cổ vũ các tầng lớp nhân dân phát huy vai trò, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, tích cực, hăng hái thi đua học tập, lao động sản xuất, kinh doanh, phát huy tài năng, sáng kiến vươn lên làm giàu chính đáng, giảm nghèo bền vững, đồng hành cùng Đảng, Nhà nước phát triển kinh tế, nâng cao, cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương đối ngoại của Đảng, chính sách ngoại giao của Nhà nước, Mặt trận cũng tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế đa dạng, thiết thực, qua đó vận động tạo sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, đảm bảo giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, phục vụ cho mục tiêu phát triển nhanh, bền vững của đất nước.
Thông qua các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và phong trào “Đoàn kết - Sáng tạo”; thông qua những chương trình giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước… MTTQ Việt Nam đã kêu gọi gần 100 triệu người Việt Nam ở trong nước và hơn 5 triệu kiều bào ở nước ngoài đoàn kết để thực hiện các mục tiêu chung của đất nước, dân tộc, cùng đi qua những khó khăn, thách thức, đảm bảo việc thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân… từ đó góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.