Đoản khúc mùa hạ

Thư Hoàng 20/05/2021 19:00

Làng quê đang biến đổi khiến nhiều người cảm thấy day dứt, tiếc nuổi vì những cổng làng, ao làng; những cây đa, giếng nước, mái đình đang dần mất đi hoặc bị thu hẹp lại.

1. Khi tiếng ve bắt đầu vang lên dưới những vòm cây còn sót lại ở đầu làng, bọn trẻ lại nhảy chân sáo vì sắp được nghỉ hè. “Nghỉ hè”, thực ra, tụi học trò đã có “kế hoạch” từ lâu, chỉ chờ những bài thi học kỳ kết thúc, thêm tiếng ve kêu, thêm hoa phượng nở, là xi xao những hẹn hò vui chơi suốt ba tháng hè. Ấy là chuyện của “ngày xưa”, chuyện của một thời. Năm nay, hè đã về, bằng lăng đã tím, phượng đã đỏ, ve đã râm ran, nhưng học trò vẫn thấp thỏm. Trường này, lớp khác mới thi được 2 môn; trường kia lớp nọ đã thi được 3 môn, trong đó có 2 môn chính…

Nhẽ ra, nếu không có Covid-19 bùng phát trở lại, tuần rồi, đám học sinh trường làng trường huyện đã thi xong. Có thể, chỉ tuần sau thôi là tới những buổi học cuối cùng, chia tay trường, chia tay bạn.

Những nhớ thương giận hờn thuở học trò sẽ tạm khép lại, để mở ra những buổi sáng buổi chiều tung tăng chơi trong làng trong xóm. Nhưng tất cả đã không thuận theo “thông lệ”. Và mùa hè năm nay với đám học trò có thể sẽ phải rút ngắn đi, những cuộc vui cũng sẽ phải thực hiện đảm bảo yêu cầu chống dịch…

Làng xóm của ngày nay đã khác rất nhiều. Nhưng với đám trẻ làng, đó vẫn là nơi vô cùng thân thuộc và ẩn chứa biết bao điều kỳ diệu. Làng trên xóm dưới, dù dập dìu xe ô tô, xe máy, vang vang tiếng máy khoan máy cắt từ những công trình xây dựng nhưng vẫn còn nhiều khoảng rộng đủ cho tụi trẻ hẹn nhau chơi bóng đá chiều hè hay những trò chơi khác như nhảy dây, trốn tìm… Và những cánh đồng, dù không còn thẳng cánh cò bay, nhưng những ngọn gió vẫn đủ căng kéo những cánh diều lên cao tút tắp…

2. Về làng vào mùa hạ. Chao ôi là nắng. Là nóng. Làng quê đã phát triển. Những ngôi nhà ngói mũi, ngói sông Cầu đang dần biến mất, nhường chỗ cho những ngôi nhà tầng thấp, tầng cao; tôn hóa, bê tông hóa. Đường làng ở nhiều nơi cũng được đổ bê tông, trải nhựa phẳng lỳ. Cái nắng vì thế càng oi nồng, hầm hập.

Ký ức đưa ta về những ngày tháng xưa. Khi ấy, làng quê nào dường như cũng có cổng làng, có bóng đa trùm phủ, cây gạo già nua thân xù xì nơi cuối làng. Rồi những cây trôi, cây bồ đề, phượng vỹ… Đi ra phía cánh đồng làng, những rặng phi lao, xà cừ phủ một màu xanh chạy dài hàng cây số. Đi dưới những bóng cây ấy, thấy cái nắng không còn gay gắt, thấy làn gió thổi mát hơn… Người già, đám trẻ có thể tụ lại, dưới bóng cây đầu làng chơi cờ, hay những trò chơi thơ trẻ… Quanh làng, những rặng tre xanh xào xạc, những cây duối và hàng ô rô xanh mướt mát…

Bây giờ, trôi theo thời gian, những bóng cây cổ thụ gắn bó với nhiều làng Việt đã dần dần biến mất. Làng đã phát triển, đường cần mở rộng hơn. Những hàng cây lưu niên đã không còn, thay vào đó là những hàng cây mới trồng chưa được bao lâu, chưa đủ thời gian để phủ bóng…

3. Mỗi khi đặt chân đến một ngôi làng nào đó, nhất là vào mùa hè, tôi thường đi tìm những cái giếng. Nghe thì có vẻ lạ, nhưng thực ra tôi hiểu lý do của mình. Là bởi, giếng làng gắn bó thân mật với những đứa trẻ lớn lên từ làng như tôi.

Xưa làng nào cũng có vài ba cái giếng. Có giếng to, có giếng nhỏ. Có giếng rất sâu nhưng có giếng lại rất đầy, chỉ cần vục gàu là kéo được nước. Người làng thường chọn những vị trí rất đắc địa để đào giếng. Những chiếc giếng ấy là nguồn cung cấp nước ngọt cho cả làng. Những buổi sáng hè, phụ nữ trong nhà thường dậy sớm gánh nước về đổ vào chum vào bể nước để phục vụ sinh hoạt trong ngày. Giếng làng cũng là nơi, trưa trưa đi làm về, ai nấy đều muốn dừng lại lên giếng mượn gàu múc nước và uống cho đỡ khát. Chiều buông, những đứa trẻ sau khi bì bõm dưới ao làng thế nào cũng nhảy lên giếng xin một gàu nước tắm tráng qua. Bọn trẻ chúng tôi còn chơi quanh giếng vào những đêm trăng hè. Khát nước lại tranh nhau uống nước giếng giải nhiệt.

Về làng bây giờ, vẫn dễ dàng để gặp giếng, nhưng giếng làng đã không còn là nơi cung cấp nguồn nước sạch cho dân làng. Nguồn nước cạn kiệt và ô nhiễm khiến đa số giếng làng hoặc khô khốc hoặc nếu có thì nước bị ô nhiễm không đảm bảo để dùng cho sinh hoạt. Dân làng thì không muốn lấp giếng, một phần đó là di sản của làng, gắn bó với làng; phần nữa, các cụ cao niên cũng có ý kiêng kỵ vì lấp giếng còn ảnh hưởng tới phong thủy của làng. Chỉ trừ những trường hợp chẳng đặng đừng như đường làng mở rộng gặp phải chỗ có giếng thì sẽ làm lễ tạ nghiêm cẩn để xin lấp. Bằng không, phải để. Và hình ảnh những chiếc giếng làng đường bưng kín bằng thép, bằng tôn xuất hiện ở nhiều làng quê, khiến mỗi lần gặp giếng là ký ức xưa lại ùa về…

4. Cũng như giếng làng, ao làng bây giờ không còn là nơi chiều hè đám trẻ làng nhảy ùm xuống tắm. Sự phát triển của làng quê khiến cho nhiều ao làng bị san lấp. Một số ao làng còn giữ được thì nguồn nước không được lưu thông, ao làng thành ao tù nước đọng.

Đi qua nhiều làng Việt, hiếm hoi lắm tìm thấy một ao làng rộng, nước trong. Những nơi đó, đám trẻ con vẫn tắm mát mỗi chiều hè. Đó là “hồ bơi” lớn nhất của tuổi thơ, mà làng quê nào còn có, là còn một báu vật. Báu vật ấy sẽ chuyên chở và bồi đắp những ký ức làng mạc vô cùng sống động, ấm áp trong tâm hồn những đứa trẻ. Nó làm nên một ký ức sống động, vô giá. Và ao làng, có thể ví như chiếc điều hòa khổng lồ phả hơi mát cho làng.

5. Một trong những mất mát đáng tiếc của làng Việt chính là đánh mất những mảnh vườn quê, ở đó thường có ít cây lá làm thuốc nam, ít rau húng, rau mùi; và những cây chanh, cây bưởi, cây ổi, cây hồng, cây đào cùng vài luống hoa theo kiểu “mùa nào thức ấy”. Ở một chừng mực nào đó, tôi tin rằng, cây và vườn là bạn của con người. Với người Việt mình, vườn tược là không thể thiếu. Nếu lũy tre xanh, ao làng, giếng làng, đình làng góp phần làm nên tâm hồn người Việt thì vườn tược quanh nhà cũng làm nên những ký ức thân thuộc trong mỗi con người.

Nhưng bây giờ, đất chật người đông, những mảnh vườn quê thơ mộng khi xưa nay đã phải nhường chỗ cho những ngôi nhà mới mà thế hệ con cháu xây dựng. Những mảnh vườn quê đã và đang từ từ biến mất. Đặt chân tới nhiều ngôi làng hiện nay thấy thiếu những góc xanh nho nhỏ quanh nhà. Nhà cửa xây san sát, những cây cau tốn ít diện tích đất nhất cũng không còn đủ đất để sống…

Vẫn biết không thể “bảo tàng hóa” tất cả những ngôi làng Việt. Vẫn biết nếu quá nặng lòng với ký ức thì rất “khó sống”, nhưng cũng không nên lấy lý do vì phát triển quá nhanh, quá nóng mà bỏ quên ý thức về sự gìn giữ những biểu tượng gắn bó và làm nên hồn cốt của làng quê. Bởi những di sản do cha ông trao truyền vẫn có những giá trị, nó làm nên văn hóa, lịch sử của làng, hun đúc những tính cách của cư dân sống trong ngôi làng ấy.

Làng quê đang biến đổi khiến nhiều người cảm thấy day dứt, tiếc nuổi vì những cổng làng, ao làng; những cây đa, giếng nước, mái đình đang dần mất đi hoặc bị thu hẹp lại. Những mảnh vườn quê mướt xanh hoa trái cũng không còn, thay vào đó là nhà tầng thấp, tầng cao tôn hóa, bê tông hóa. Gìn giữ vẻ đẹp làng Việt, nếu không xuất phát từ ý thức chung, trước hết là từ mỗi gia đình, mỗi cộng đồng, chắc sẽ rất khó để thế hệ mai hậu biết đến, tự hào…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đoản khúc mùa hạ