Kinh tế

Doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng nhanh: Trước cuộc cạnh tranh khốc liệt

DUY KHANG 21/07/2024 07:08

Sức ép cạnh tranh lớn, nhu cầu tiêu thụ chậm, chi phí gia tăng... là những thách thức mà các doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) đang phải đối diện.

img_9637.jpg
Xu hướng tiêu dùng thay đổi đòi hỏi chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp cần phải thay đổi theo. Ảnh: Lê Minh.

Rủi ro và thách thức

Một tên tuổi trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh dầu thực vật, đó là Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam - CTCP (Vocarimex) đã phải trả cổ tức cho các cổ đông hồi tháng 6/2024 trước khi hủy đăng ký giao dịch cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Điều đáng nói, kết quả kinh doanh của công ty này hồi quý I/2024 vừa qua hết sức ảm đạm khi doanh thu giảm mạnh tới 404% so với cùng kỳ năm trước, kinh doanh dưới giá vốn nên công ty lỗ gộp 2,5 tỷ đồng.

Trước đó, một hãng dầu ăn lớn cũng đã rời sàn chứng khoán và huỷ tư cách công ty đại chúng là Công ty Cổ phần Dầu thực vật Tường An sau hơn 15 năm niêm yết.

Tình hình sa sút của một tên tuổi trong lĩnh vực sản xuất dầu thực vật - một mảng quan trọng thuộc ngành hàng FMCG như Vocarimex hay Tường An cho thấy, sức cạnh tranh lĩnh vực này trên thị trường là rất lớn.

Đó cũng là quy luật tất yếu của thị trường, mạnh thì trụ vững, yếu thì phải chấp nhận rời bỏ. Theo các chuyên gia, trong bối cảnh thị trường dầu thực vật trong nước (với quy mô thị trường đạt 30.000 tỷ đồng/năm) đang có sự cạnh tranh gay gắt giữa hàng nội địa và hàng ngoại, các doanh nghiệp (DN) nội địa lại đối mặt nhiều rủi ro, có biên lợi nhuận mỏng, do đó nếu không linh hoạt xoay sở, thay đổi chiến lược thì thị phần sẽ càng co hẹp, thậm chí rơi vào tình cảnh sa sút như những DN kể trên.

Có thể thấy, những thách thức mà các DN nội địa trong ngành hàng FMCG đang phải đối mặt không hề nhỏ. Nếu các DN trong ngành không nỗ lực thay đổi, không đầu tư đúng hướng thì sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh trước nhiều đối thủ, trong khi nhu cầu tiêu thụ còn chậm, chi phí ngày càng tăng, nhiều yếu tố rủi ro…

Ngược lại, nếu biết cách vượt qua thách thức thì vẫn có “cửa sáng” cho các DN nội địa trong ngành hàng FMCG khi tìm ra động lực tăng trưởng mới. Đặc biệt là với những DN có tiềm lực mạnh, tạo được kết quả kinh doanh khả quan trên thị trường và có khả năng huy động thêm vốn.

Theo tính toán của giới chuyên gia kinh tế, quy mô toàn thị trường FMCG tại Việt Nam hiện nay lên đến 32 tỷ USD. Tuy nhiên, “miếng bánh” thị phần ở thị trường không hề dễ dàng với bất cứ DN nào, ngay cả những DN nội địa có tiềm lực lớn thì thị phần cũng chỉ chiếm chưa đến 5%.

Xanh hóa để vững chân trên thị trường

Dù vậy, bên cạnh những thách thức, vẫn còn rất nhiều cơ hội cho các DN ngành FMCG nội địa nếu biết tận dụng thị trường trong nước giàu tiềm năng.

Theo nhận định của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), tiềm năng của ngành hàng tiêu dùng thể hiện qua việc nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh, thu nhập bình quân đầu người tăng lên nhanh chóng, qua đó tạo ra nhu cầu tiêu dùng ở nhiều mặt hàng khác nhau, từ hàng công nghệ lâu bền đến những sản phẩm tiêu dùng nhanh - một trong những mặt hàng thường có mức tăng trưởng 2 con số trong nhiều năm qua.

Theo vị chuyên gia này, cơ cấu dân số Việt Nam hơn 100 triệu dân nên việc phát triển nhu cầu tiêu dùng cũng tương đối đa dạng, từ những người trẻ có nhu cầu tiêu dùng nhanh chóng và thuận lợi, đáp ứng yêu cầu ngay và luôn, cao và đa dạng, đến những người trung niên đang dần có sự thay đổi theo hướng tăng nhu cầu tiêu dùng nhanh. Hơn nữa, trong thời buổi phát triển công nghệ số, việc đặt hàng đến đúng nơi và tốc độ nhanh cũng là điều người dân mong muốn, đặc biệt là những người có tuổi. “Đây là những lợi thế mà ngành hàng tiêu dùng nhanh Việt Nam đang có” - PGS.TS Định Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Thịnh, hiện có hàng trăm điểm giao thương hàng hóa qua biên giới, do đó chỉ cần đặt hàng thì 3-5 ngày sau sẽ đến tận tay, từ hàng công nghiệp, thực phẩm, tiêu dùng cho đến hàng điện tử… Đó là những yếu tố cạnh tranh hết sức khốc liệt đối với các DN ngành FMCG trong nước.

“Điều mà các DN kinh doanh hàng tiêu dùng nhanh Việt Nam đang mắc phải là làm sao để sản phẩm trở nên an toàn, tiết kiệm hơn nhưng phải có chi phí hợp lý hơn. Đây là bài toán không hề đơn giản và nếu không thực hiện được thì các sản phẩm sẽ lập tức bật khỏi kệ hàng cũng như không thể đi sâu vào người tiêu dùng, thâm nhập vào các thị trường phát triển” - ông Thịnh bày tỏ.

Trước những thách thức, giới chuyên gia cho rằng, các DN FMCG trong nước cần có những chiến lược, hướng đi mới để có thể tận dụng, khai thác được các tiềm năng, hóa giải những thách thức, trong đó, yếu tố xanh cần được đặt lên hàng đầu.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, trong xu hướng tiêu dùng mới các sản phẩm tiêu dùng nhanh sẽ được đặt ra những quy định nghiêm ngặt hơn, do nhu cầu tiêu dùng cao hơn. Người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng quan tâm hơn đến vấn đề “xanh” và “sạch”, họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các thương hiệu có cam kết “xanh” và “sạch”. Do đó các DN cần phải chú trọng “xanh” ngay từ khâu sản xuất, từ khâu bố trí trong kho cho đến vận tải, từ đó đảm bảo thời gian ngắn nhưng khả năng bảo quản tốt nhất và sản phẩm đến tay người tiêu dùng an toàn nhất.

Giới chuyên gia kinh tế cũng nhận định, sức khỏe và sự an toàn là yếu tố được người tiêu dùng đặt lên hàng đầu, họ tin rằng các sản phẩm bền vững sẽ giúp tiết kiệm chi phí lâu dài, mặc dù có thể có chi phí ban đầu cao hơn. Do đó, đây sẽ là xu hướng lựa chọn sản phẩm của phần lớn người tiêu dùng hiện nay. Họ ưu tiên các sản phẩm hữu cơ và tự nhiên để tránh tiếp xúc với hóa chất và độc tố. Những thay đổi trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng đặt ra yêu cầu đối với các DN nói chung, DN ngành hàng tiêu dùng nhanh nói riêng cần phải có sáng kiến và hành động thiết thực nhằm cải thiện môi trường.

Bởi vậy, các DN cần phải có nhận thức về trách nhiệm với xã hội và cộng đồng, luôn đưa ra những chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp để cải thiện môi trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Như vậy mới có thể trụ vững được trên thương trường trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng nhanh: Trước cuộc cạnh tranh khốc liệt