Doanh nghiệp nhà nước cần mục tiêu rõ ràng

VIẾT CHUNG 12/10/2023 10:17

Đó là nhận định của TS.Nguyễn Đình Cung.

Có thể chấp nhận tạm lỗ để đạt hiệu quả lâu dài

Nêu ra điểm khác biệt của khu vực DNNN Việt Nam với các nước, TS. Nguyễn Đình Cung chỉ rõ, điểm rất khác biệt là số lượng DNNN ở các nước rất ít, không nhiều như ở Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta đang giao cho DNNN quá nhiều vai trò: Vai trò là “quả đấm thép”; là lực lượng tiên phong, dẫn dắt; vai trò ổn định kinh tế vĩ mô… Việc giao quá nhiều vai trò đồng nghĩa với việc đặt ra cho DNNN quá nhiều mục tiêu.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, để DNNN tốt lên thì đầu tiên phải xác định được mục tiêu của họ. Mục tiêu của DNNN không phải là đóng góp cho NSNN, nếu chúng ta coi họ là lực lượng trụ cột, dẫn dắt, tiên phong trong nền kinh tế tạo ra sản phẩm mới, công nghệ mới thì mục tiêu của DNNN phải là tạo ra những công nghệ mới, phải nắm được công nghệ đó, từ đó phát triển ra một ngành công nghiệp, hoặc một ngành nào đó có năng lực cạnh tranh cao.

Tất nhiên, việc đạt được mục tiêu phải thể hiện bằng tính hiệu quả, chứ không phải đạt mục tiêu bằng cách “thua lỗ”, nhưng hiệu quả ở đây cần phải được nhìn nhận trong dài hạn, chứ không đánh giá hiệu quả theo vụ việc - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh: “Phải nhìn nhận như vậy thì chúng ta mới đánh giá được DN đó là tốt hay không tốt. Tốt là phải đạt được mục tiêu với hiệu quả cao nhất có thể đạt được. Còn nếu vẫn chưa thể rõ mục tiêu của DNNN, cứ giao cho họ rất nhiều vai trò nhưng không xác định được mục tiêu rõ ràng mà cứ đi nói DNNN “thua lỗ” thì theo tôi, điều đó chưa chắc đã đúng. Bởi nếu DN chỉ thua lỗ trong một vài năm nhưng tạo ra được một công nghệ mới, nắm bắt được công nghệ từ đó lan tỏa ra nền kinh tế thì đây là cái giá chúng ta nên chấp nhận trả để đạt được kết quả này”.

Có 3 việc phải làm với các DNNN, một là xác định mục tiêu rõ ràng; hai là phải áp dụng hệ thống quản trị theo thông lệ quốc tế - vấn đề này chúng ta còn rất kém; ba là xác định quy trình quản lý nội bộ. Trong quy trình quản lý nội bộ thì phải xác định 3 yếu tố: (1)tuân thủ pháp luật; (2) phát hiện rủi ro; (3) quản lý rủi ro trong một thế giới đầy biến động - đòi hỏi DN phải luôn luôn nghiên cứu, đánh giá, dự đoán, dự báo được những yếu tố bên ngoài có thể tác động hay gây bất lợi cho DN, cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó đưa ra những giải pháp để giảm thiểu hoặc vượt qua được khủng hoảng, rủi ro này, làm cho DN luôn có sức chống chịu rất tốt. Như vậy, chúng ta mới nhìn được một cách có hệ thống làm thế nào để cho DNNN tốt hơn.

Cơ hội đang mở ra cho tất cả các DNNN

Chia sẻ quan điểm về hoạt động của KTNN đối với các DNNN, TS. Nguyễn Đình Cung lưu ý, hoạt động kiểm toán của chúng ta vẫn nặng về kiểm toán tuân thủ, xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các báo cáo tài chính… Đó là cơ sở để đánh giá về tính tuân thủ luật pháp và đối với thị trường kinh doanh bên ngoài thì tuân thủ luật pháp là yêu cầu số 1. Tuy nhiên, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương bày tỏ mong muốn khi kiểm toán, ngoài tuân thủ quy định của pháp luật, cũng cần có quan điểm theo hướng thân thiện với kinh doanh, hướng tới đạt mục tiêu với hiệu quả tốt nhất.

TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.
TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

"Tôi vẫn muốn rằng, chủ sở hữu phải biết mình cần gì ở DNNN và mục tiêu đặt ra đối với DNNN. Điều này đến nay chủ sở hữu vẫn chưa làm được. Đó là điều rất đáng tiếc".

TS. Nguyễn Đình Cung

KTNN là công cụ quản lý nhà nước, việc áp dụng nguyên tắc tuân thủ trong kiểm toán đối với các cơ quan nhà nước là đúng, còn với các DNNN thì nên thực hiện giống như các công ty cổ phần thuê kiểm toán độc lập bên ngoài vào kiểm toán, nên hướng đến kiểm toán DNNN đúng như kiểm toán một tổ chức kinh doanh, còn nếu chúng ta áp dụng cùng một quy tắc kiểm toán các cơ quan nhà nước đối với kiểm toán DNNN thì có thể đúng với bên này nhưng chưa chắc đã đúng với bên kia.

Đưa ra những khuyến nghị cho DNNN, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng rất khó, bởi họ không có tính tự chủ, đó là điều mà tôi tiếc nhất! Nếu họ có được tính tự chủ, được quyết định làm gì, làm như thế nào với mục tiêu cụ thể để đạt hiệu quả cao nhất thì các chuyên gia có thể khuyến nghị họ rất nhiều vấn đề.

“Vì vậy, điều đầu tiên mà tôi mong muốn là các DNNN cần phải có được tính tự chủ trong sản xuất kinh doanh. Sau khi có được tính tự chủ trong sản xuất kinh doanh thì phải đòi hỏi chủ sở hữu xác định cho DN một mục tiêu thật cụ thể, thật rõ ràng cả trước mắt và cả dài hạn để DN hướng vào đó và thực hiện một cách tốt nhất. Bởi nếu mục tiêu chưa rõ ràng thì DN không biết đâu mà làm. Thứ ba là yêu cầu phải có một cơ chế khi tự chủ rồi thì DN làm thế nào để đạt được mục tiêu đã xác định, đó là quyền của DN và khi DN đạt được mục tiêu thì DN được coi là hoàn thành nhiệm vụ” - TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Tại thời điểm hiện nay đang có rất nhiều cơ hội, hãy nhìn những cơ hội trong các ngành nghề mới mà chúng ta đang tạo ra, như: Sản xuất chip, sản xuất các sản phẩm trên công nghệ hiện đại 4.0…, đó là cơ hội dành cho tất cả DN, nhất là dành cho những DN chuẩn bị tốt. “Tôi cho rằng, DNNN của chúng ta hoàn toàn có đủ năng lực để có thể tận dụng được các cơ hội đó. Và nếu tận dụng được các cơ hội, DNNN sẽ thực sự trở thành lực lượng tiên phong, dẫn dắt. Tôi biết DNNN thực sự có năng lực, được đào tạo rất tốt, chỉ có điều đang thiếu một môi trường để họ thực sự phát huy hết năng lực và những cơ hội đang mở ra cũng chính là dịp để họ phát huy tài năng” - TS. Nguyễn Đình Cung nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp nhà nước cần mục tiêu rõ ràng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO