Xã hội

Doanh nghiệp phải bồi thường nếu không tham gia đầy đủ bảo hiểm xã hội cho người lao động

Lê Bảo 03/07/2024 20:48

Vấn đề chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người lao động. Do vậy Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bổ sung quy định xử lý tình trạng này.

Theo đó, Luật quy định chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp là hành vi của người sử dụng lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây: Chưa đóng hoặc đóng chưa đầy đủ số tiền phải đóng theo hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp đã đăng ký, kể từ sau ngày đóng bảo hiểm xã hội chậm nhất quy định tại khoản 4 Điều 34 của Luật này, hoặc kể từ sau ngày đóng bảo hiểm thất nghiệp chậm nhất theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp; Không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này; Không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày hết thời hạn phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp.

sobhxh1-7.jpg
Luật đã bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động.

Luật quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội; sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội như: Theo Điều 40 Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vừa được thông qua, biện pháp xử lý hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp gồm: Bắt buộc đóng đủ số tiền chậm đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp chậm đóng và số ngày chậm đóng vào Quỹ bảo hiểm xã hội, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.

Còn Điều 41 quy định về biện pháp xử lý hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp như sau: Bắt buộc đóng đủ số tiền trốn đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trốn đóng và số ngày trốn đóng vào Quỹ bảo hiểm xã hội, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.

Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) năm 2024 cũng quy định, khi phát hiện người sử dụng lao động chậm đóng thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 38 của Luật này hoặc trốn đóng, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm kịp thời đôn đốc bằng văn bản.

Cơ quan bảo hiểm xã hội công khai trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan bảo hiểm xã hội về việc người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, gửi thông tin về người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp đến cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và cơ quan thanh tra có liên quan để xem xét xử lý theo thẩm quyền.

Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, Luật đã bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không đầy đủ, không kịp thời, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Các quy định này nhằm bảo đảm hơn nữa quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động, góp phần giảm tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Về cơ chế giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất đối với người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu, ý kiến của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo đưa vào dự thảo Nghị quyết của Kỳ họp thứ 7 nội dung này.

Theo đó, giao Chính phủ quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện, mức hỗ trợ, trình tự, thủ tục giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất. Nguồn kinh phí thực hiện được lấy từ số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm xã hội chậm đóng, trốn đóng vào Quỹ bảo hiểm xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp phải bồi thường nếu không tham gia đầy đủ bảo hiểm xã hội cho người lao động