Thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng dẫn đến phải ngưng hoạt động, nhưng Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình vẫn được UBND tỉnh Ninh Bình ưu ái gửi đơn “kêu cứu” lên Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp này. Không chỉ Đạm Ninh Bình, trước đó, dư luận đã chứng kiến nhà máy Gang thép Thái Nguyên cũng đã xin trợ giúp khi có nguy cơ đắp chiếu. Và còn nhiều, rất nhiều trường hợp tương tự vì có lẽ, các doanh nghiệp nhà nước vẫn luôn cho mình cái đặc ân: Cứ kêu đi, sẽ được cứu!
Lại thêm Nhà máy Đạm Ninh Bình kêu cứu vì thua lỗ.
Đạm Ninh Bình lỗ hơn 2.600 tỷ đồng
Dư luận xã hội đang đặc biệt quan tâm tới động thái mới đây của UBND tỉnh Ninh Bình khi gửi công văn kiến nghị Thủ tướng có các giải pháp gỡ khó khăn cho Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình.
Theo địa phương này, sau năm 2015, dù đã được Chính phủ và các Bộ, ngành có một số cơ chế, chính sách hỗ trợ như cho giãn khấu hao, điều chỉnh một phần lãi suất vay vốn đầu tư, giảm giá than… nhưng công ty vẫn thua lỗ 592 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm 2016, DN này tiếp tục lỗ 457 tỷ đồng. Cộng cả số lỗ trong 2 năm 2013 và 2014, lỗ lũy kế của công ty đã lên tới 2.693 tỷ đồng, vượt xa vốn điều lệ là 2.500 tỷ đồng. Điều này khiến tình hình tài chính của Đạm Ninh Bình rất khó khăn, dòng tiền phục vụ sản xuất và trả nợ luôn trong tình trạng thiếu hụt, tiếp cận nguồn vốn ngân hàng gặp nhiều trở ngại…
Theo UBND tỉnh Ninh Bình, dự kiến, lỗ của công ty sẽ tiếp tục tăng và đứng trước nguy cơ dừng sản xuất dài hạn do không cân đối được dòng tiền, ảnh hưởng tới việc làm, thu nhập của người lao động trong công ty.
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Ninh Bình cũng đề nghị Thủ tướng cho phép chuyển nợ vay vốn đầu tư dự án Nhà máy đạm Ninh Bình của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) thành vốn góp Nhà nước tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam để giảm số nợ gốc và lãi vay.
Một biện pháp cũng được tỉnh Ninh Bình kiến nghị là áp dụng biện pháp tự vệ với sản phẩm urê tương tự như phôi thép và bột ngọt để hạn chế hàng nhập khẩu quá rẻ trong thời gian qua, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế và là nguyên nhân chính làm giá bán giảm dưới giá thành sản xuất.
Không hiệu quả, không cứu!
Hồi tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã phải giải quyết trường hợp xin được rót thêm vốn để tránh nguy cơ phải đắp chiếu do hoạt động không hiệu quả của Dự án Đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (TISCO) với thái độ kiên quyết: “Không thể tiếp tục ném tiền vào Gang thép Thái Nguyên, như thế chẳng khác gì ném tiền vào lửa” bởi rõ ràng đây là một dự án hoạt động không hiệu quả, chỉ trông chờ vào nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước.
Trước đó, TISCO đã đệ đơn xin được cấp thêm 1.000 tỷ đồng để cải tạo dự án, trong khi sau gần chục năm đầu tư, đổ vào đó khoảng 8.000 tỷ, dự án này không mang lại một đồng lãi nào mà chỉ có ngày càng suy kiệt, hao mòn, nếu không muốn nói là phá sản.
Dư luận xã hội lâu nay không còn lạ gì với điệp khúc quá quen thuộc của các DNNN “lỗ là lại xin được cứu” . Trên thực tế, các DNNN vốn đã nhận được quá nhiều những ưu đãi từ “bầu sữa” mẹ - Nhà nước: Từ vị trí tiện lợi, mặt bằng, diện tích sản xuất… đến các vấn đề về thuế, luôn luôn bao giờ cũng được ưu tiên hơn các DN tư nhân.
Thế nhưng nghịch lý là, DN tư nhân nếu thua lỗ là phải chấp nhận mất mát, chấp nhận phá sản. Còn các DNNN thì sao: Được hàng loạt các chính sách ưu đãi, nhưng hễ cứ thua lỗ là lại kêu cứu, lại xin hỗ trợ…(?).
Nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần dứt khoát mạnh tay hơn với những trường hợp kiểu như TISCO của Gang thép Thái Nguyên: Làm ăn không hiệu quả thì không nên cứu! Cũng giống như đối với các DN tư nhân, không làm ăn được thì phải chịu phá sản.
Trở lại với trường hợp cụ thể của Nhà máy Đạm Ninh Bình với động thái “cầu cứu” lên Chính phủ mới đây, trao đổi với Đại Đoàn Kết, PGS TS Đinh Trọng Thịnh (Trưởng Bộ môn Quản trị tài chính quốc tế-Học viện Tài chính) nêu quan điểm: Dứt khoát không cứu DN này bằng tiền ngân sách của Nhà nước nữa, bởi như vậy, sẽ tiếp tục tạo thế ỷ lại cho DN, họ sẽ không phải lo trả nợ lãi vay, vì đã có “mẹ” là Nhà nước lo.
“Một DN nhận được nhiều ưu đãi của Nhà nước nhưng lại sử dụng công nghệ lạc hậu trong sản xuất, kinh doanh không đạt hiệu quả dẫn đến thua lỗ, nếu vẫn tiếp tục đổ vốn Ngân sách vào là không chấp nhận được”-PGS Thịnh nhấn mạnh.
Theo PGS TS Đinh Trọng Thịnh, để giải quyết vấn đề của Đạm Ninh Bình, nên tiến hành bán lại cho tư nhân hoặc tiến hành cổ phần hóa từng hạng mục, khi tư nhân bỏ vốn ra làm chắc chắn đồng tiền sẽ được sử dụng tiết kiệm và hiệu quả hơn, chứ không bị sử dụng lãng phí, bừa bãi như cách mà nhiều DNNN vẫn đang làm thời gian qua.
“Thay đổi nhà quản lý cũng sẽ giúp tinh giản tới mức tối đa bộ máy hoạt động của một DN làm ăn không hiệu quả, bên cạnh đó còn góp phần tái cơ cấu hoạt động của toàn bộ DN, từ đó giúp DN phát triển ổn định hơn”-PGS TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.