Doanh nghiệp Việt cần có khả năng đổi mới sáng tạo nhiều công nghệ mới

M.Loan 15/09/2022 19:53

Chiều ngày 15/9/2022, tại VCCI, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 09-NQ/TW đã có buổi làm việc với đại diện cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân về tình hình thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI).

Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo; ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI chủ trì buổi làm việc.

Doanh nghiệp, doanh nhân đã và đang là lực lượng chủ yếu

Phát biểu khai mạc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, doanh nghiệp, doanh nhân đã và đang là lực lượng chủ yếu phát huy các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc. Bên cạnh đó, doanh nhân còn tham gia ngày càng hiệu quả vào đời sống chính trị của đất nước; tham gia ngày càng tích cực vào quá trình xây dựng, giám sát, phản biện chính sách.

Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đồng chủ trì cuộc làm việc.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết, với sự nhất quán và xuyên suốt về mặt chủ trương, chính sách, hệ sinh thái cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động ngày càng thuận lợi hơn, trong đó đáng kể là nhận thức của xã hội về vai trò của doanh nghiệp và môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện.

Cùng với đó, đội ngũ doanh nhân Việt Nam cũng ngày càng lớn mạnh và có những đóng góp to lớn vào sự thành công của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện. Trong hơn 7 triệu doanh nhân hiện có, đã có những doanh nhân lọt vào tốp “tỷ phú USD” toàn cầu vào năm 2021.

Doanh nghiệp, doanh nhân mong muốn gì?

Nghị quyết 09 đã nêu rõ 3 quan điểm là: Đội ngũ doanh nhân là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng và xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là trách nhiệm của Đảng, của cả hệ thống chính trị và của bản thân mỗi doanh nghiệp, doanh nhân. Trong giai đoạn tới cần điều chỉnh gì trong các quan điểm này, cần bổ sung những quan điểm mới nào không? Nhất là gắn với các bối cảnh mới từ việc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát huy khát vọng dân tộc, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh hội nhập quốc tế...

Nghị quyết đề ra mục tiêu là “Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, giác ngộ chính trị, văn hóa kinh doanh, có trách nhiệm xã hội cao, có đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp hoạt động có chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao, liên kết chặt chẽ, tham gia tích cực vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu; không ngừng phát triển, phấn đấu đến năm 2020 có một số doanh nhân, doanh nghiệp có thương hiệu đạt tầm cỡ khu vực Đông - Nam Á”. Trong bối cảnh mới, nhất là so với mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 và 2045 thì cần có các mục tiêu phấn đầu gì cho việc xây dựng đội ngũ doanh nhân trong thời gian tới?

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại cuộc làm việc.

Vai trò của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp trong việc thúc đẩy quá trình CNH-HĐH và hội nhập kinh tế ở Việt Nam:

Đề xuất các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước, nhất là mục tiêu trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Trần Tuấn Anh đánh giá cao công tác tổ chức cũng như các báo cáo của VCCI phục vụ Hội nghị, nhất là những ý kiến chia sẻ tâm huyết của các doanh nghiệp, doanh nhân. Ghi nhận những kết quả tích cực sau hơn 10 năm triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Nghị quyết 09; ghi nhận và biểu dương những nỗ lực và đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước; đánh giá cao việc nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp có bước chuyển biến tích cực.

Ông Trần Tuấn Anh cũng đánh giá cao môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong những năm qua được đánh giá là đã có sự cải thiện rõ rệt. Vị thế của Việt Nam trong các bảng xếp hạng của các tổ chức quốc tế đang dần được nâng cao; Doanh nghiệp phát triển nhanh về số lượng, tăng về quy mô; sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam ngày càng đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng; nhiều doanh nghiệp đã xây dựng thương hiệu uy tín, một số sản phẩm đã có thương hiệu ở phạm vi quốc tế; trách nhiệm của doanh nhân đối với xã hội, đối với người lao động ngày càng cao.

Đội ngũ doanh nhân, lực lượng doanh nghiệp đã có những bước phát triển vượt bậc trong hơn năm qua cả về số lượng và chất lượng. Doanh nhân Việt Nam chính là lực lượng xung kích, chủ lực trong việc thay đổi cơ cấu kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế, góp phần quan trọng đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Đồng thời ông cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, những vấn đề cần được tiếp tục cải thiện hơn nữa để thúc đẩy sự phát triển của đội ngũ doanh nhân.

Đặc biệt, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng: Phát triển doanh nghiệp Việt Nam để không chỉ sẵn sàng tham gia vào chuyển giao công nghệ mà còn có khả năng đổi mới, sáng tạo ra những tiến bộ công nghệ mới. Khơi dậy, khuyến khích, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, khát vọng làm giàu chân chính trong xã hội của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân. Tăng cường tinh thần đoàn kết, đồng sức, đồng lòng giữa các doanh nghiệp trong nước để tạo nên sức mạnh tổng hợp, nâng tầm vị thế của doanh nghiệp Việt Nam vươn ra khu vực và thế giới, tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Cần tiếp tục triển khai các nhiệm vụ để xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân, nhất là việc tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp Việt cần có khả năng đổi mới sáng tạo nhiều công nghệ mới