Kinh tế

Doanh nghiệp xuất khẩu: Nhận diện thách thức, tận dụng cơ hội

Thanh Xuân 06/05/2025 11:32

Bên cạnh những thách thức, diễn biến của vòng xoáy thuế quan tại Mỹ cũng mở ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào Mỹ. Chính vì thế, doanh nghiệp cần thay đổi chiến lược xuất khẩu, đẩy mạnh sản xuất xanh nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường.

tren.jpg
Doanh nghiệp chủ động đẩy mạnh sản xuất xanh để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường nhập khẩu. Ảnh: Quang Vinh.

Chủ động tiếp cận thị trường mới

Giới chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, trong sân chơi thương mại toàn cầu đã có nhiều thay đổi nên Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường và sản phẩm để tránh phụ thuộc vào một thị trường lớn. Vì vậy, đối với các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu, chiến lược có tính quyết định là phải đa dạng hóa cả về thị trường lẫn ngành hàng và gia tăng giá trị đóng góp của Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Không chỉ tập trung vào các thị trường truyền thống, Việt Nam cần mạnh dạn khai thác các thị trường mới, giảu tiềm năng như Trung Đông, Nam Mỹ hay châu Phi. Mặt khác, cần tránh phụ thuộc quá mức vào một vài ngành hàng xuất khẩu chủ lực mà nên mở rộng ngành hàng Halal, chế biến sâu…

Thời gian qua, nhiều DN đã chủ động trong việc thay đổi chiến lược sản xuất, xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường xuất khẩu. Đơn cử, với Tổng công ty May 10, theo ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc, chuẩn bị cho mục tiêu dài hạn là tiếp tục mở rộng sản xuất và xuất khẩu, May 10 đã chủ động chuyển dịch sang sản xuất xanh bằng cách đầu tư thiết bị tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tái tạo... Bên cạnh đó, May 10 còn ký thỏa thuận với các nhà cung ứng nguyên vật liệu trong nước và quốc tế với mục tiêu tăng tỷ trọng sử dụng sợi tái chế trong sản phẩm, tăng sử dụng sợi hữu cơ đối với những sản phẩm mới để có thể đáp ứng yêu cầu về xanh hóa.

Giới chuyên gia kinh tế cũng khuyến cáo, các DN cần thay đổi cấu trúc chuỗi cung ứng theo hướng phân tán rủi ro, mở rộng nhiều thị trường khác nhau. Cùng với đó, DN cần đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu các dòng sản phẩm xanh, thân thiện môi trường. Đây là xu hướng tất yếu của tiêu dùng toàn cầu, đồng thời, cũng giúp hàng Việt có thể vượt qua các hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn khắt khe, chinh phục các thị trường khó tính.

Nếu thực hiện được các yếu tố nói trên, ngay cả khi chấp nhận quy mô xuất khẩu giảm nhưng nếu giá trị gia tăng trong xuất khẩu tăng lên, tăng trưởng vẫn có thể đạt được. Khi đó, lợi ích mang lại cho nền kinh tế vẫn được đảm bảo, đồng thời giảm thiểu rủi ro từ biện pháp thuế quan của nền kinh tế lớn.

Điểm mặt các thị trường tiềm năng

Khẳng định EU là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu hàng hóa của các DN Việt, tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Quân - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và EU, thị trường Liên minh châu Âu là thị trường “khó tính”, vì vậy, trong quá trình tiếp xúc thị trường này, các DN phải có kế hoạch tiếp cận bài bản lâu dài.

Thời điểm này, điều quan trọng là DN Việt Nam cần tận dụng cơ hội để tái định vị hàng Việt trên bản đồ thương mại toàn cầu không chỉ là rẻ mà còn là chất lượng xanh.

Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam Julien Guerrier cho rằng, EU và Việt Nam nên biến thách thức từ mức thuế quan mới của Mỹ thành cơ hội để tạo thêm lợi ích cho thương mại và đầu tư giữa hai bên. Thời gian tới, EU – Việt Nam có thể tiếp tục hợp tác trong những lĩnh vực tiềm năng như: phát triển nguồn nhân lực, giáo dục, kinh tế số, kinh tế xanh và tuần hoàn, trí tuệ nhân tạo, đổi mới sáng tạo và chất bán dẫn.

Còn với thị trường Canada, bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Canada cho rằng, cơ hội cho sản phẩm Việt tại thị trường Canada vẫn rất tốt. Kết quả xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này vẫn đang tăng trưởng khả quan. Trong đó, các sản phẩm điện, điện tử xuất khẩu đến nay đạt 490 triệu USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là mặt hàng có giá trị gần 1/3 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang địa bàn và đóng vai trò quan trọng vào triển vọng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào Canada. Theo bà Quỳnh, trong bối cảnh hiện nay, mặt hàng điện tử của Việt Nam có thể có thêm dư địa thị trường ở Canada.

Cũng theo bà Quỳnh, đây chính là thời điểm để các nhà sản xuất, chuỗi bán lẻ, trung gian thương mại của hai nước không chỉ dịch chuyển chuỗi cung ứng, mà còn dịch chuyển cả chuỗi sản xuất/đầu tư/công nghệ/thương hiệu và phát triển những nền tảng hạ tầng logistics/vận tải mới...

Để chủ động ứng phó với thách thức từ chiến tranh thương mại và chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ, Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ Đỗ Ngọc Hưng kiến nghị, các DN Việt Nam cũng cần nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm tạo sự cạnh tranh hơn nữa tại thị trường Hoa Kỳ. Đa dạng hoá chuỗi cung ứng, thúc đẩy xuất khẩu với hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao sẽ góp phần nâng cao khả năng phục hồi của nền kinh tế trước các cú sốc bên ngoài.

Theo các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các DN cần cải thiện năng lực sản xuất để có thể xuất khẩu bền vững tới các thị trường đang có, đồng thời tăng cường tiếp cận thị trường mới. Các cơ quan thương vụ sẽ nắm bắt thông tin thị trường, xu hướng tiêu dùng và chính sách mới của nước sở tại để cung cấp, hỗ trợ DN đáp ứng các tiêu chuẩn mới và thâm nhập thị trường toàn cầu trong tình hình mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp xuất khẩu: Nhận diện thách thức, tận dụng cơ hội