Trong dự thảo Luật Thuế Giá trị tăng ( GTGT) sửa đổi, Bộ Tài chính đưa ra ngưỡng doanh thu phải nộp thuế GTGT của cá nhân, hộ kinh doanh ở mức 150 triệu đồng/năm.
Tại Dự thảo Luật thuế GTGT sửa đổi, Bộ Tài chính đề xuất hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 150 triệu đồng trở xuống là đối tượng không chịu thuế GTGT.
Lý giải về ngưỡng chịu thuế, Bộ Tài chính cho biết, tại dự thảo Luật đã đề xuất nâng mức doanh thu của hộ, cá nhân kinh doanh từ 100 triệu lên mức 150 triệu đồng. Mức đề xuất này căn cứ vào chỉ số lạm phát và tình hình thực tế. Việc nâng mức giảm thuế đối với hộ kinh doanh lên 200 - 300 triệu đồng sẽ ảnh hưởng đến số thu ngân sách nhà nước tại địa phương, nhất là các địa phương có số thu thấp. Bên cạnh đó, quy định này sẽ không khuyến khích các hộ, cá nhân kinh doanh chuyển sang doanh nghiệp (doanh nghiệp cứ phát sinh doanh thu phải nộp thuế GTGT).
Trong khi đó, góp ý về Dự thảo Luật thuế GTGT này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phân tích, Điều 5.25 của Dự thảo đã nâng ngưỡng doanh thu không chịu thuế của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh từ 100 triệu đồng/năm lên 150 triệu đồng/năm. Quy định này sẽ giúp nhiều cá nhân, hộ gia đình kinh doanh nhỏ lẻ không phải thực hiện việc kê khai và nộp thuế. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp thì ngưỡng doanh thu chịu thuế 150 triệu đồng/năm vẫn tương đối thấp.
VCCI dẫn chứng, so sánh giữa cá nhân kinh doanh và cá nhân làm công ăn lương sẽ thấy sự bất hợp lý. Hiện nay, cá nhân làm công ăn lương có mức giảm trừ gia cảnh đối với trường hợp không có người phụ thuộc là 132 triệu đồng/năm, nếu có 1 người phụ thuộc là 184,8 triệu đồng/năm và nếu có 2 người phụ thuộc là 237,6 triệu đồng/năm. Giả định trung bình mỗi người lao động có 1 người phụ thuộc thì ngưỡng thu nhập chịu thuế đối với người làm công ăn lương hiện cao hơn ngưỡng doanh thu chịu thuế GTGT của cá nhân kinh doanh. Đó là chưa kể, để có thể có doanh thu, cá nhân kinh doanh sẽ phải mất các chi phí đầu vào trong khi thu nhập cá nhân thì không có các chi phí này.
Các lĩnh vực khác nhau có kết cấu chi phí và mức thuế suất khác nhau, dù có thể cùng một mức doanh thu. Ví dụ, với lĩnh vực thương mại hàng hoá (như cửa hàng bán lẻ, tạp hoá) có chi phí đầu vào chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu, phần thu nhập mà cá nhân kinh doanh được hưởng không lớn và số thuế thu được chỉ từ 1,5 triệu đồng mỗi năm. Với lĩnh vực cung cấp dịch vụ, chi phí đầu vào không đáng kể, phần GTGT làm ra lớn hơn và số thuế phải nộp cao hơn, thấp nhất 7,5 triệu đồng/năm.
Với các lý do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định về ngưỡng doanh thu chịu thuế của của hộ, cá nhân kinh doanh lên khoảng 180 - 200 triệu đồng mỗi năm. Cân nhắc phân loại theo ngành nghề tương tự như tại Điều 12.2.b của Dự thảo về phương pháp tính thuế trực tiếp, ví dụ ngành phân phối, cung cấp hàng hoá có ngưỡng cao hơn ngành dịch vụ, xây dựng…
Tương tự với quan điểm của VCCI, Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị nâng mức doanh thu từ 150 triệu đồng lên 250 triệu đồng (tương đương khoảng 10.000 USD Mỹ). Còn Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) đề nghị điều chỉnh tăng ngưỡng doanh thu không chịu thuế VAT lên thành 200 triệu đồng để phù hợp với Luật thuế TNCN và mức chuẩn nghèo tại Nghị định 07/2021/NĐ-CP.
Cũng là thành viên của VTCA, Công ty TNHH Tư vấn Thuế và Kế toán Trọng Tín cũng đã có văn bản kiến nghị tới Bộ Tài chính về ngưỡng chịu thuế. Ông Nguyễn Văn Được - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Thuế và Kế toán Trọng Tín cho rằng, để đảm bảo hài hòa lợi ích, phù hợp với mục đích hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo cũng như các chính sách phát triển giảm nghèo bền vững thì Luật thuế GTGT nên chăng điều chỉnh mức doanh thu không phải chịu thuế GTGT tối thiểu lên mức từ 180 - 240 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo ông Được, điều kiện kinh tế - xã hội cũng như mức chuẩn nghèo thay đổi, vì vậy nếu quy định mức cứng “cố định” doanh thu là 150 triệu đồng như Dự thảo sẽ không đảm tính linh hoạt và không bám sát thực tế của đời sống xã hội dẫn đến chính sách nhanh bị lỗi thời và bất cập.