Doanh thu truyền thông 'chảy' đi đâu?

Nam Việt 23/09/2023 07:00

Tại Hội thảo ASEAN “Chuyển đổi số báo chí - kiến tạo tri thức số”, ngày 21/9, ông Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã nhấn mạnh, ảnh hưởng của mạng xã hội, các nền tảng xuyên biên giới khiến các cơ quan truyền thông Việt Nam gặp nhiều khó khăn, dẫn tới thiếu hụt nguồn thu, sụt giảm bạn đọc.

Con số được đưa ra là: Doanh thu truyền thông khoảng 4 tỉ USD nhưng khoảng 50% “chảy” vào nền tảng xuyên biên giới, mạng xã hội.

Trước tình trạng này, Chính phủ đã đưa ra định hướng chuyển đổi số báo chí để giúp tăng sức chống chịu và thích nghi trong bối cảnh mới; hướng các luồng quảng cáo xuyên biên giới sang các nền tảng thông tin trong nước, sử dụng báo chí trong việc tạo sự đồng thuận xã hội, xây dựng nền kinh tế tri thức dựa vào thông tin báo chí.

Theo ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), chuyển đổi số quyết định tính sống còn của ngành truyền thông hiện đại. Hiện thói quen tiếp cận thông tin của người dân đã thay đổi mạnh mẽ trong kỷ nguyên chuyển đổi số. Cùng với đó là sự thay đổi về cách trình bày thông tin, thị phần, quảng cáo, mô hình kinh doanh và các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ.

Các nền tảng xuyên biên giới như Meta (Facebook), Google, Netflix, Amazone, Spotify, Apple, Telegram… hoạt động tại Việt Nam từ nhiều năm nay, cung cấp nhiều dịch vụ như mạng xã hội, OTT (dịch vụ truyền thông cung cấp trực tiếp đến người xem thông qua Internet), truyền hình trả tiền, nhạc trực tuyến… Với những dịch vụ này, theo giới chuyên gia, các nền tảng xuyên biên giới kiếm hàng tỉ USD mỗi năm tại Việt Nam; hành vi né thuế, trốn thuế, gây ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý.

Theo Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2023 là năm quản lý các nền tảng xuyên biên giới đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Các nền tảng này kiếm nhiều tiền, nhưng vi phạm pháp luật, thiếu trách nhiệm xã hội.

Vì vậy, việc yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới đặt văn phòng tại Việt Nam, tuân thủ pháp luật Việt Nam không chỉ đáp ứng nhiệm vụ quản trị thông tin xấu, độc, tạo môi trường Internet lành mạnh, mà còn tạo sự công bằng trong công tác quản lý, giúp bảo vệ người dùng tốt hơn. Đặc biệt, việc đặt văn phòng tại Việt Nam cũng tạo cơ sở để các nền tảng xuyên biên giới hoàn thành các nghĩa vụ về thuế cũng như phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước để xử lý các trường hợp vi phạm.

Số liệu thống kê của Kantar Media Việt Nam cho thấy, chỉ riêng trong lĩnh vực quảng cáo, các nền tảng như Facebook, YouTube, TikTok trong năm 2022 đã thu về khoảng 3,4 tỉ USD (tương đương 80.000 tỉ đồng). Tuy chưa có con số thống kê chính thức, nhưng doanh thu của các mảng truyền hình trả tiền, phim trực tuyến, nhạc online, game… cũng rất lớn.

Thế nhưng, số thuế mà Nhà nước thu được chưa tương xứng với doanh thu, lợi nhuận của các nền tảng xuyên biên giới. 6 tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ xuyên biên giới như Google, Apple, Facebook, Netflix, TikTok, Microsoft... nộp gần 4.000 tỉ đồng tiền thuế. Trước đó, năm 2022, khối doanh nghiệp công nghệ xuyên biên giới chũng chỉ nộp gần 3.500 tỉ đồng.

Nói như ông Huỳnh Long Thủy - Tổng Giám đốc VieON, hầu hết doanh nghiệp trong nước đều cảm thấy có sự bất bình đẳng, không chỉ là việc các nền tảng xuyên biên giới không bị kiểm tra, giám sát, xử phạt khi có nội dung vi phạm, mà còn là trách nhiệm về thuế.

Để doanh thu truyền thông không bị “chảy” vào các nền tảng xuyên biên giới thì việc yêu cầu đặt văn phòng tại Việt Nam là rất cần thiết, bởi theo quy định pháp luật, các doanh nghiệp khi cung cấp dịch vụ phải đặt máy chủ tại Việt Nam, xin giấy phép và đóng thuế. Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng từng khẳng định, trong xây dựng, ban hành các nghị định về quản lý nền tảng xuyên biên giới, thống nhất chủ trương: Bất kỳ ai đến Việt Nam làm ăn, kinh doanh đều phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. Các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam được quản lý giống nhau, loại bỏ tình trạng “bảo hộ ngược”, có nghĩa là doanh nghiệp trong nước thì quản lý chặt, còn doanh nghiệp nước ngoài thì buông lỏng.

Quản lý các nền tảng xuyên biên giới, mạng xã hội không chỉ là ngăn chặn thông tin xấu độc, thông tin gây mất trật tự an toàn xã hội mà còn phải đẩy mạnh quản lý cả việc kinh doanh, quảng cáo, thuế. Chỉ có như vậy việc chuyển đổi số báo chí - kiến tạo tri thức số mới thực sự thành công.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh thu truyền thông 'chảy' đi đâu?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO