Được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác nhận là bộ da cá nhám lớn nhất Việt Nam, nhiều năm qua, bộ da cá nhám (thuộc họ cá voi) ở thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) thu hút nhiều du khách ghé thăm. Đặc biệt, phía sau bộ da cá nặng tới 13 tấn này là cả một câu chuyện thú vị.
Ký ức khó quên
Là thị trấn ven biển nối tiếng với nhiều loại hải sản, hơn chục năm qua, Gành Hào còn được biết tới là nơi lưu giữ bộ da cá nhám cực kỳ lớn, thuộc loại quý hiếm và độc đáo nhất Việt Nam. Câu chuyện bắt đầu vào năm 2010, khi ngư dân phát hiện một xác cá dạt vào bờ biển thị trấn.
Bà Nguyễn Thị Năm, 69 tuổi ngụ đối diện đường vào Lăng Ông Nam Hải, nơi đang bảo quản và gìn giữ bộ da cá nhám cho biết, dù sự việc đã gần 14 năm trôi qua nhưng bà Năm vẫn nhớ. “Hôm đó tôi đi chợ phía cảng buổi sáng thì nghe bà con nói có Ông Cá luỵ bờ (xác dạt vào bờ). Tôi bèn theo bà con ra bãi biển phía trước bờ đê bao thì thấy xác ông cá nhám (thuộc họ cá voi) rất lớn. Sau đó người dân họp bàn báo cho chính quyền địa phương và tìm cách bảo quản xác cá. Cuối cùng chúng tôi đã nhờ Viện hải dương học ở Nha Trang giúp đỡ”, bà Năm kể.
Việc thờ cá Ông là tín ngưỡng chung của nhiều làng biển miền Trung, miền Nam. Hầu hết các làng biển đều có lăng thờ cá Ông để cầu mưa thuận gió hòa, bình an trong những chuyến biển. Tuy nhiên, hầu hết cá Ông được thờ ở các làng biển là xương cốt. Theo đó, sau khi gặp những xác cá Ông dạt vào ven bờ biển, ngư dân thường vớt và hỏa táng, chỉ giữ lại xương cốt để thờ. Nguyên nhân bởi đây là loài cá kích cỡ lớn, lên đến hàng chục tấn mỗi cá thể. Việc lưu giữ và bảo quản như ở Lăng Ông Gành Hào gần như là hiếm có, độc đáo và duy nhất.
Kể tiếp câu chuyện về việc thuộc da, giữ gìn từ khi đó tới nay, bà Năm bảo phải mất hơn 1 tuần người dân trong vùng mới tách được phần thịt, phần sụn và da cá. Sau đó nhờ sự giúp đỡ của các nhà khoa học ở Viện hải dương học Nha Trang vào trực tiếp tham gia quá trình bảo quản. Theo đó, bộ da cá nhám được ngâm trong dung dịch để giữ sự tươi mới, không bị hư hỏng trong vòng 3 tháng. Sau quá trình này, da cá được đưa ra ngoài, nhồi bông và bảo quản cẩn thận. Cũng theo bà Năm, Lăng Ông Nam Hải ở Gành Hào có lịch sử cả trăm năm qua nhưng sau khi có bộ da cá nhám, năm 2013 chính quyền và người dân địa phương đã xây dựng mới khang trang như hiện nay.
Ông Đỗ Quốc Hải, một người dân ở thị trấn Gành Hào cho biết thêm, trước khi bảo quản bộ da cá, ngư dân có tính trọng lượng thì xác định được các cá nhám này nặng 13 tấn, dài 9,7 mét với vòng bụng lớn nhất lên tới 5 mét. Toàn bộ việc tách da cá và tẩm ướp hóa chất cũng như bảo quản tốn tới hơn 8 tỉ đồng. Tuy nhiên, việc hoàn thành và biến xác cá thành bộ da cá với hình hài gần như nguyên vẹn ban đầu mang đến nhiều niềm vui cho người dân trong vùng, đặc biệt mỗi chuyến biển ra khơi dài ngày.
Theo quan sát của chúng tôi, bộ da cá nhám hiện nay nhìn khá nguyên vẹn, từ phần đuôi cho tới thân mình, mắt hay miệng, mũi cá đều nguyên vẹn và rất sinh động. Việc ướp xác, bảo quản hay thuộc da các loại động với cá thể cá nhám nặng tới 13 tấn thì thực sự là điều đặc biệt. Nhìn từ xa xa, nhiều người rất dễ nhầm tưởng rằng đó là chú cá nhám khổng lồ vẫn còn đang sống. Hiện bộ da cá nhám được đặt trên khung kính, trang trọng trong một căn nhà riêng nằm ở lối vào quần thể khu vực Lăng Ông Nam Hải của thị trấn. Bên cạnh bộ da cá, người dân cũng lưu trữ một số xương cốt của cá voi, cá ông khác cùng một số cá thể cá nhỏ hơn dạt vào bờ. Trong số này nhiều bộ xương có tuổi đời lên đến cả trăm năm. Người dân không thể xác định chính xác tuổi của những bộ xương này, chỉ biết chúng là xác cá voi dạt vào bờ được dân làng từ xưa an táng, lưu giữ xương cốt lại.
Lễ hội đặc sắc làng biển
Ngoài bộ da cá nhám rất lớn và độc đáo này, lễ hội Nginh Ông Nam Hải ở thị trấn Gành Hào (diễn ra vào ngày 9 - 11 tháng 3 âm lịch hàng năm) cũng được xếp loại lễ hội văn hóa ở địa phương. Với ngư dân làm nghề biển và người dân sinh sống ở Gành Hào thì đây là lễ hội đặc biệt, quy tụ hầu hết những đặc trưng của địa phương. Tới ngày này, người dân quê Gành Hào dù làm ăn xa cũng cố gắng để thu xếp công việc về quê tham dự. Thậm chí ngư dân ở vùng khác cũng tìm tới tham dự đua ghe thuyền, rước lễ, cầu mưa thuận gió hoà, vui chơi…
Theo những người dân ở thị trấn Gành Hào, cá Ông được đích thân vua Minh Mạng sắc phong “Đại Càng Quốc Gia Nam Hải Đại Tướng Quân” bởi có công giúp vua Nguyễn Ánh - Gia Long trong hành trình bôn tẩu trong cuộc chiến với nhà Tây Sơn. Hiện ở lăng Ông Gành Hào vẫn còn giữ được tư liệu về sắc phong có tuổi đời gần 200 năm. Trong đó có một số sắc phong do chính các vị vua triều Nguyễn viết và phong cho ngư dân ở Gành Hào. Ngoài vua Minh Mạng, một số vị vua sau này cũng có thêm các sắc phong khác, vừa về công lao của cá Ông và về đời sống văn hoá tâm linh của ngư dân làng biển. Đây là những hiện vật được ngư dân bảo quản cẩn thận bởi dù lăng ông nhiều lần bị hư hỏng, tàn phá vì chiến tranh và thời gian thì những sắc phong này vẫn còn.
Quần thể Lăng Ông Nam Hải ở thị trấn Gành Hào vẫn là một trong những địa điểm đặc thờ cá Ông đặc biệt nhất. Ngoài bộ da cá nhám đặc sắc, lăng ở đây cũng lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lịch sử và văn hóa, và là một trong những lăng ông lâu đời nhất ở khu vực ven biển miền Tây Nam bộ.