Lễ hội quân trên sông Lục Đầu là một trong những hoạt động độc đáo, đặc sắc và hấp dẫn nhất của Lễ hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc. Lễ hội quân được dàn dựng công phu nhằm tái hiện hào khí Đông A của quân dân nhà Trần thu hút đông đảo du khách về thưởng lãm. Lễ hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc được tổ chức từ ngày 6 đến 10/10.
Toàn cảnh lễ hội quân trên sông Lục Đầu.
Theo các cụ cao niên ở Kiếp Bạc (xã Hưng Đạo, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương), trước đây lễ hội quân trên sông Lục Đầu còn được gọi là lễ rước thủy.
Mỗi dịp lễ hội đền Kiếp Bạc, nhân dân địa phương đều tổ chức lễ rước này và được duy trì đến đầu thế kỷ 20. Sau này do chiến tranh, biến động xã hội lễ rước thủy không còn được tổ chức trong lễ hội đền Kiếp Bạc nữa.
Đến năm 2006, thực hiện đề án “Nâng cấp lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc giai đoạn 2006 – 2010”, BQL Di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc đã nghiên cứu, phục dựng thành công nhiều nghi lễ, diễn xướng ở 2 di tích, trong đó lễ hội quân tại Kiếp Bạc cũng được phục dựng lại.
Để tiến hành phục dựng, Ban Quản lý Di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc đã nghiên cứu tìm hiểu và mời các ngư dân ở các làng chài của Chí Linh (Hải Dương) và Hải Phòng lựa chọn tầu thuyền các loại về để tham gia.
Ban Quản lý còn mời môn phái võ Nhất Nam ở Hải Dương và đội võ gậy ở vùng quê Hội Xuyên, huyện Gia Lộc (quê hương của danh tướng Nguyễn Chế Nghĩa), nơi nổi tiếng với môn đánh gậy (còn gọi là đánh Thó) do danh tướng Nguyễn Chế Nghĩa truyền lại để nhằm phục dựng phần hội quân trên sông và biểu diễn võ thuật trên bờ. Lễ hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc năm 2006 là lễ hội đầu tiên thực hiện nghi lễ hội quân trên sông Lục Đầu.
Từ đó trở đi cứ đến lễ hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc, nhân dân và du khách thập phương lại háo hức đón xem lễ hội quân và trở thành một nghi lễ độc đáo, đặc sắc không thể thiếu trong lễ hội mùa thu Kiếp Bạc.
Lễ hội quân diễn ra đúng hôm chính hội, sau phần lễ tưởng niệm ngày mất của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, các đại biểu, cùng hạng vạn người dân, du khách thập phương tiến về bến Vạn Kiếp trước cửa đền Kiếp Bạc để theo dõi màn trình diễn lễ hội quân trên sông Lục Đầu. Trên đê, dưới bến, cờ xí rợp trời, tiếng trống vang lên thôi thúc lòng người.
Dưới sông 50 chiếc thuyền được chia thành 2 đoàn thuyền, trên từng thuyền được trang trí, cắm cờ giống thuyền chiến xưa, còn người trên thuyền được hóa trang thành những vị tướng và quân sĩ.
Đoàn thứ nhất từ phía đền Nam Tào, tên thuyền chủ là “Nhạc Độc Chung Linh” xuất phát từ vị trí Cồn Kiếm. Đoàn thứ 2 tập kết bên sông trước đền Bắc Đẩu, tên thuyền chủ là “Âm Dương Hợp Đức”, 5 thuyền mang biển Thanh Long, Bạch Hổ và các thuyền sau mang biển chữ câu đối: “Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí; Lục Đầu vô thủy bất thu thanh”. Hai đoàn thuyền sẵn sàng đợi lệnh hội quân.
Sau khi pháo hiệu vang lên, hai đoàn thuyền từ vị trí xuất phát tiến về quãng sông chính giữa lễ đài và giao nhau 3 lần gắn với 3 chủ đề khác nhau.
Lần giao nhau thứ nhất mang chủ đề “Hào khí Đông A”, lần 2 mang chủ đề “Hùng khí Lục Đầu”, lần 3 mang chủ đề “Ca khúc khải hoàn”.
Gắn với mỗi chủ đề, trên bờ các đội rồng, lân, đội võ, đội gậy lại biểu diễn theo đúng ý tưởng cốt lõi của chủ đề đó. Cùng với sự cộng hưởng hòa âm của tiếng chiêng trống, tiếng cổ vũ của người xem khiến khung cảnh, không gian thêm hào hùng, rực lửa khí thế trận mạc và sự háo hức, vui vừng khi ca khúc khải hoàn của quân tướng nhà Trần dưới sự chỉ huy của Quốc Công Tiết chế Trần Quốc Tuấn năm xưa.
Cảnh tượng này gợi về cuộc duyệt binh biểu dương lực lượng chuẩn bị kháng chiến ở Đông Bộ Đầu tháng 8 năm Giáp Thân (1284) và cuộc hội quân với 20 vạn quân ở Vạn Kiếp năm 1285 với sức mạnh ba quân hừng hực ý chí chiến đấu và quyết tâm “sát Thát” át cả sao Ngưu, hào khí Đông A hùng tráng ngất trời ở ngày trên bến Vạn Kiếp năm xưa.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa và lịch sử, điều độc đáo trong lễ hội quân trên sông Lục Đầu đã thể hiện được hào khí Đông A hào hùng một thuở.
Bên cạnh đó tưởng nhớ đến những võ công hiển hách của quân dân nhà Trần, những đặc trưng sở trường trong cách dụng binh, đánh trận của Trần Hưng Đạo đó là thủy chiến, chính vì vậy người dân coi ông là thủy tổ của Hải quân Việt Nam và thủy tổ của nghề sông nước.
Đặc biệt lễ hội quân đã tái hiện những sự kiện lịch sử diễn ra đúng trên vùng đất Vạn Kiếp. Bởi vì vùng này được Trần Hưng Đạo lựa chọn làm đại bản doanh để chỉ huy các đạo quân đánh quân Nguyễn Mông, nơi đây cũng là chiến trường được Quốc Công Tiết Chế lựa chọn để bày binh bố trận cho chiến dịch Vạn Kiếp đã khiến cho Thoát Hoan phải chui vào ống đồng mới chạy thoát thân về nước.
Nơi đây cũng là nơi diễn ra lễ hội quân sau khi ca khúc khải hoàn sau khi quân dân ta giành chiến thắng trước quân Nguyên Mông.