Độc đáo ngôi đình bằng gỗ gụ siêu nhỏ

Phạm Sỹ 09/04/2021 06:20

Sau 5 năm lên ý tưởng và thực hiện, một mô hình đình làng cổ hơn 300 năm tuổi với tỉ lệ chính xác cao, họa tiết hoa văn tỉ mỉ đã được nghệ nhân Phan Lạc Hùng (xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội) cho ra mắt. Ngay sau khi ra mắt, tác phẩm độc đáo này đã thu hút được nhiều người tới chiêm ngưỡng.

Mô hình đình Hữu Bằng.

Cách trung tâm TP Hà Nội gần 30km về phía Tây, Cụm di tích đình, chùa, văn từ Hữu Bằng thuộc xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất (TP Hà Nội) có vẻ đẹp độc đáo và lưu giữ trong đó nhiều di sản quý giá. Theo tìm hiểu thì đình được xây dựng năm 1689. Một số người dân ở đây cho biết xưa tên của đình được gọi với tên nôm là đình kẻ Nủa.

Xung quanh đình Hữu Bằng có khá nhiều giai thoại được truyền lại đến ngày nay, điều đó đã hấp dẫn đối với du khách. Nhưng những giá trị kiến trúc nghệ thuật của ngôi đình mang vẻ đẹp độc đáo đã hiện hữu hơn 300 năm cùng với nhiều di vật quý giá mới là điểm cốt lõi của ngôi đình làng nơi đây.

Phía trước đình là ao sen, tiếp đó là tấm bình phong gồm 4 cột trụ nhỏ, chia thành 3 ô tường, trổ hình chữ và cây, rồi đến tam quan chính với 2 cột trụ lớn và 2 cửa phụ ở hai bên. Đi vào phía trong, hai bên sân gạch rộng là hai dãy tả, hữu vu, mỗi dãy đều gồm 7 gian; bộ khung gỗ bào trơn đóng bén; tường xây, đầu hồi bít đốc. Tòa đại đình nhìn hướng Tây, gồm đại bái và hậu cung bố trí theo hình chữ “đinh”.

Nghệ thuật chạm khắc ở đình Hữu Bằng được đánh giá là rất đặc biệt, nhất là các mảng chạm khắc (hình rồng trên các đầu dư; hình người đánh trống, uống rượu, đánh đàn, đấu võ, sinh hoạt hội hè trên 4 bức cốn nách ở 2 bộ vì gian giữa...). Trong đình còn lưu giữ được nhiều di vật quý. Với những giá trị đặc biệt đó, năm 1989 được công nhận là di tích Lịch sử - Văn hóa.

Sau khi chiêm ngưỡng và tìm hiểu về ngôi đình có tuổi đời hơn 300 tuổi, chúng tôi đã được người dân nơi đây giới thiệu về ông Phan Lạc Hùng - một nghệ nhân đang được nhiều người biết đến với mô hình đình làng hơn 300 năm tuổi bằng chất liệu gỗ gụ quý hiếm, chỉ nặng vỏn vẹn 60 kg.

Ông Hùng đang đang chỉnh sửa mô hình đình Hữu Bằng.

Theo chỉ dẫn của người dân, men theo những con ngõ nhỏ, cuối cùng chúng tôi cũng đã tìm được đến nhà ông Phan Lạc Hùng ở xóm Chùa, xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội.

Xóm Chùa thuộc xã Hữu Bằng là nơi có nghề gỗ truyền thống, cả làng phần lớn làm nghề mộc. Gia đình ông Hùng cũng là một trong những nhà nhiều đời gắn bó với nghề truyền thống của làng. Khi vừa gặp chúng tôi, ông Hùng cho biết đang có mấy bạn trẻ ở trên nhà (nơi đặt mô hình đình làng Hữu Bằng) vừa đến thăm quan xin chụp ảnh lại mô hình ngôi đình của ông.

Qua trò chuyện được biết ông Phan Lạc Hùng hiện nay đã gần 70 tuổi. Ý tưởng chế tác ngôi đình làng bằng gỗ thu nhỏ, lấy nguyên bản kiến trúc, thiết kế từ ngôi đình làng Hữu Bằng được ông Hùng nghĩ tới cách đây 5 năm. Ông kể: “Trước khi làm ra ngôi đình nhỏ bằng gỗ này, tôi thường ra sân đình Hữu Bằng tập thể dục. Thời gian nghỉ ngơi tôi lại ngồi ngắm tổng quan ngôi đình rồi hình dung trong đầu ý tưởng thiết kế mô hình của mình”.

Trong quá trình làm nên mô hình ngôi đình, ông Hùng đã phải tính toán từng li trên tỉ lệ 1/1.000: “Một mét tôi tính 10 phân rồi nhân 3 và bắt đầu từ phần nền đầu tiên. Hiện tại, mô hình có độ tinh xảo đạt đến hơn 90% từ những chi tiết nhỏ nhất”- ông Hùng cho biết thêm về quá trình thực hiện mô hình ngôi đình.

Tận mắt xem, chiêm ngưỡng mô hình ngôi đình có thể thấy ông Hùng đã rất tỉ mỉ để làm ra sản phẩm này. Ông quan tâm đến từng chi tiết nhỏ như từng viên ngói siêu nhỏ được làm bằng gỗ ép sơn màu gụ, dập cắt nhỏ thành hình dạng viên ngói của mái đình và được dán vào nhau thành hình bằng chất liệu keo. Ngay cả bộ cửa sơn son thiếp vàng cũng giống y hệt về kiểu dáng và chất liệu, thậm chí có thể mở ra vào: “Hơn 100.000 viên ngói được làm ra nhưng tôi chỉ sử dụng hết khoảng 70.000 viên. Mỗi ngày chỉ dập được 1.500 viên và mất khoảng 2 tháng mới làm xong phần ngói đình”, ông Hùng kể.

Khi chạm khắc, phục dựng lại những chi tiết cổ bằng chạm khắc là một việc làm rất khó, hơn nữa ông Hùng lại là người đã có tuổi. Vì thế để cho ra đời một tác phẩm nghệ thuật mô hình ngôi đình với sự chính xác cao như này không chỉ đòi hỏi vào tay nghề và sự kiên nhẫn mà còn ở cả tình yêu với nghề.

Từ khi mô hình được hoàn thành, đã có rất nhiều người ở xa gần tới xem và có người muốn mua lại nhưng ông Hùng quyết tâm giữ lại tác phẩm này: “Dù có trả giá cao như thế nào cho nữa tôi cũng không bán. Tôi muốn để lại cho con cháu kỷ niệm”. Ông Hùng mong muốn thời gian sắp tới sẽ có thể tái hiện nhiều công trình đình, chùa xa xưa khác của đất nước trong đó đặc biệt là chùa Một Cột.

Là một trong những người đồng hành và giúp đỡ ông Hùng thực hiện lên mô hình ngôi đình làng Hữu Bằng, anh Phan Lạc Việt, là con trai thứ của ông Hùng chia sẻ: “Bố tôi ấp ủ và đau đáu với ý tưởng này suốt một thời gian dài. 2 năm về sau, ông dồn toàn tâm toàn lực làm việc miệt mài mỗi ngày 6-8 tiếng để hiện thực hoá mong muốn của mình…khi bố tôi thực hiện ngôi đình nhỏ này thì tôi chỉ tham gia một phần nhỏ công việc phụ giúp”.

Có thể thấy, việc làm của ông Phan Lạc Hùng đã góp phần lưu giữ và bảo tồn các công trình kiến trúc mang giá trị lịch sử, văn hoá lâu đời.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Độc đáo ngôi đình bằng gỗ gụ siêu nhỏ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO