Độc đáo thú có sừng

02/10/2015 18:23

Bạn đã từng mơ ước được chiêm ngưỡng kỳ lân-loài sinh vật xuất hiện trong thần thoại với hình dáng phổ biến là con ngựa trắng có một sừng trên trán hay chưa? Đó hẳn là điều khố có thể xảy ra, song, trong tự nhiên, có nhiều loài động vật sở hữu chiếc sừng độc đáo như loài kỳ lân này.

1. Tê giác Ấn Độ

Độc đáo  thú có sừng

Tê giác Ấn Độ mọc sừng sau 1 năm tuổi

Tê giác Ấn Độ (danh pháp khoa học: Rhinoceros unicornis) hay còn gọi tê giác một sừng lớn, được tìm thấy ở Nepal và Assam thuộc Ấn Độ. Chúng sinh sống trong khu vực đồng cỏ cao và rừng dưới chân núi của dãy núi Himalaya với tuổi thọ lên tới 45 năm.

Loài tê giác nhìn thấy từ thời tiền sử này có lớp da dày màu nâu ánh bạc tạo ra nhiều lớp trên toàn bộ cơ thể chúng. Các chân trước và vai được che phủ bằng các bướu giống như mụn cơm và chúng có rất ít lông. Con đực trưởng thành to lớn hơn con cái một cách rõ nét với chiều cao tới 1,8 mét, dài 3,6 mét và cân nặng 2.270 kg.

Sừng của tê giác Ấn Độ có ở cả con đực và con cái, nhưng không có ở con non mới sinh. Chất cấu tạo sừng của chúng giống như tóc người, là keratin tinh khiết và bắt đầu mọc ở con non sau khoảng 1 năm. Sừng có thể dài từ 20 đến 61 cm. Tê giác Ấn Độ là loài bơi lội giỏi. Tuy nhiên, chúng có thể chạy với tốc độ 55 km/h trong một thời gian ngắn. Chúng có cơ quan thính giác và khứu giác tốt nhưng thị giác thì lại kém.

Tê giác Ấn Độ hay bị săn bắn trộm để lấy sừng, do người ta cho rằng sừng tê giác có các tác động tốt đối với sức khỏe và tăng khả năng tình dục. Hiện nay chỉ còn ít hơn 2.500 cá thể của loài tê giác này trong tự nhiên, và loài này là một loài đang ở tình trạng nguy cấp.

2. Sao la

Độc đáo  thú có sừng - 1

Sao la được mệnh danh là "kì lân châu Á"

Nếu bạn tin rằng kỳ lân là một sinh vật bí ẩn thì sao la cũng như thế. Sao la (danh pháp khoa học: Pseudoryx nghetinhensis) là một trong những loài thú hiếm nhất trên thế giới sinh sống chủ yếu gần nơi có suối trên độ cao 200- 600 m trên mực nước biển, trong vùng núi rừng Trường Sơn tại Việt Nam và Lào được các nhà khoa học phát hiện vào năm 1992.

Sao la trưởng thành thân mình dài khoảng 1,3-1,5 m, cao 90 cm và có trọng lượng khoảng 100 kg. Chúng được gọi với cái tên “Kỳ lân Châu Á” bởi chiếc sừng dài và mảnh dẻ, hướng về phía sau và có thể dài đến 51 cm. Da chúng màu nâu sẫm, trên mỗi móng có một đốm trắng.

Ước tính có khoảng 50-60 con sao la trong khu bảo tồn ở Việt Nam, trên tổng số toàn cầu không hơn vài trăm con. Sao la được xếp hạng ở mức nguy cấp (có nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên rất cao) trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thế giới (IUCN) và trong Sách đỏ Việt Nam.

3. Kỳ lân biển

Độc đáo  thú có sừng - 2

Kỳ lân biển có "chiếc sừng" dài tới 3m

Kỳ lân biển (danh pháp khoa học: Monodon Monoceros) là động vật biển kích cỡ trung bình, sống quanh năm ở Bắc cực, chủ yếu ở vùng biển Bắc Băng Dương thuộc Canada và xung quanh đảo Greenland.

Kỳ lân biển đực trưởng thành có thể nặng tới 1.600 kg, và con cái nặng khoảng 1.000 kg. Màu da của chúng được pha trộn những đốm đen và trắng. Thông thường kỳ lân biển có màu tối khi mới sinh và sáng dần theo tuổi.

Trong tự nhiên, kỳ lân biển được cho là loài huyền diệu nhất bởi sở hữu chiếc sừng dài tới 3m. Tuy nhiên, đó thực ra không phải là sừng mà là chiếc răng nanh mọc xoắn ốc ngược chiều kim đồng hồ từ phía hàm trên bên trái của miệng con vật, trông giống như sừng của con kỳ lân trong huyền thoại.

Năm 2014, các nhà khoa học đã phân tích “chiếc sừng” độc đáo này một cách chi tiết và phát hiện ra nó không có men răng. Thay vào đó, chiếc sừng với 10 triệu mối liên kết thần kinh nhỏ xíu chạy từ trung tâm thần kinh của sừng tới bề mặt bên ngoài, giúp kỳ lân biển có thể phát hiện những thay đổi nhỏ trong nước, chúng có thể nhận ra độ mặn của nước cũng như những dao động xung quanh con mồi, và điều này sẽ giúp chúng sống sót trong môi trường băng giá Bắc cực.

4. Hươu đùi vằn

Độc đáo  thú có sừng - 3

Hươu đùi vằn được mệnh danh là "kì lân châu Phi"

Hươu đùi vằn hay còn gọi là Kỳ lân châu Phi (danh pháp khoa học: Okapia johnstoni) là một loài hươu thuộc họ Hươu cao cổ, sinh sống tại khu vực rừng rậm thuộc Cộng hòa Dân chủ Congo ở châu Phi.

Hươu đùi vằn được xem là loài động vật khác lạ bởi có rất nhiều đặc điểm của các loài động vật khác tập hợp lại trên cơ thể chúng. Chúng có kích thước như một chú lừa với cơ thể màu nâu sôcôla, nhưng chiếc cổ lại dài như hươu cao cổ và trên chân lại có những vằn đen như ngựa vằn. Đáng chú ý là cặp sừng dài 15cm khiến các nhà thám hiểm đầu tiên của khu vực Congo gọi là hươu đùi vằn là “kỳ lân châu Phi”.

Những đặc điểm này khiến chúng có thể hòa nhập với môi trường xung quanh và ẩn trốn kẻ địch. Chúng cũng được xem như biểu tượng quốc gia cũng như là một niềm tự hào đối với nước Cộng hòa Dân chủ Congo.

5. Linh dương sừng thẳng Ả Rập

Độc đáo  thú có sừng - 4

Linh dương sừng thẳng Ả Rập

Linh dương sừng thẳng Ả Rập (danh pháp khoa học: Oryx leucoryx) sinh sống ở khắp Trung Đông. Loài linh dương này có một cái “bướu” khá kỳ lạ trên lưng, cặp sừng dài và thẳng cộng với một cái đuôi ngắn có búi lông ở cuối.

Linh dương sừng thẳng Ả Rập có chiều cao ở vai khi đứng vào khoảng 1m và cân nặng trung bình khoảng 70kg. Bộ lông của linh dương sừng thẳng Ả Rập có màu trắng gần như phát sáng, bốn chân có màu nâu. Chúng có những sọc đen ở phần đầu tiếp giáp cổ, ở trán, phần trên mũi từ giữa hai sừng xuống tới miệng. Cả con đực và con cái đều có một cặp sừng dài thẳng hoặc hơi cong với độ dài chừng 50 đến 75cm.

Linh dương sừng thẳng Ả Rập đã tuyệt chủng trong tự nhiên vào đầu những năm 1970, nhưng đã được cứu sống trong các vườn bách thú và những khu bảo tồn tự nhiên tư nhân. Chúng xuất hiện trở lại vào đầu những năm 1980. Tại Á vận hội 2006 tổ chức tại Doha (Quata), linh dương sừng thẳng Ả Rập đã được chọn làm linh vật chính thức.

Bùi Mai Loan (tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Độc đáo thú có sừng