Đổi mới công tác đào tạo kiểm toán viên

Bắc Sơn 06/09/2023 09:43

Nâng cao trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp cho công chức, kiểm toán viên (KTV) được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác cán bộ củ Kiểm toán Nhà nước.

Tạo đột phá về chất lượng nguồn nhân lực

Trải qua 29 năm hình thành và phát triển, KTNN luôn chú trọng đến công tác đào tạo đội ngũ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đặc biệt, địa vị pháp lý của KTNN được hiến định, Luật KTNN năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2019 ban hành đã mở ra thời kỳ phát triển mới của KTNN.

Theo đó, vị thế của KTNN được nâng cao, chức năng, nhiệm vụ được mở rộng. Trong bối cảnh chức năng, nhiệm vụ gia tăng nhưng số lượng nhân lực không được phép tăng, thậm chí phải tinh giản biên chế, KTNN xác định phải có những đột phá về chất lượng nguồn nhân lực thông qua đổi mới mạnh mẽ công tác đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ngành, cũng như yêu cầu phát triển của đất nước.

Chính vì vậy, từ chính sách đến thực tiễn triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng, KTNN đều hướng tới mục tiêu rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, tinh thông nghiệp vụ, có tính chuyên nghiệp cao cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là các KTV - nhân tố quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán cũng như uy tín của Ngành.

"Phương châm của KTNN là xây dựng đội ngũ nhân lực tinh thông nghiệp vụ, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, chăm chỉ, tỉ mỉ, trung thực. Vì vậy, toàn thể cán bộ, công chức, KTV của KTNN phải nỗ lực và cố gắng hơn nữa để nâng cao năng lực chuyên môn.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn"

Hiện nay, số cán bộ, công chức, viên chức của KTNN khoảng hơn 2.000 người, trong đó có hơn 1.500 KTV. Để nâng cao chất lượng hoạt động của Ngành, giai đoạn 2015-2022, KTNN đã tổ chức gần 400 lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ cho khoảng 18.500 lượt công chức, viên chức. Đặc biệt, theo Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Trần Đức Lâm, 6 tháng đầu năm 2023, KTNN tổ chức 24 lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, tọa đàm, tập huấn đề cương kiểm toán và 6 lớp sử dụng phần mềm cho hơn 4.000 lượt công chức, viên chức.

Bên cạnh việc mở lớp tập trung, KTNN đã cử 110 công chức, viên chức đi bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch, bồi dưỡng lãnh đạo cấp Vụ, trung cấp lý luận chính trị, an ninh - quốc phòng. Nội dung bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ phong phú, thiết thực nhằm triển khai các cuộc kiểm toán đảm bảo chất lượng.

Nhằm chuẩn hóa hệ thống chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng của KTNN và đảm bảo phù hợp các quy định của Nhà nước, phù hợp với tình hình thực tiễn, KTNN đã rà soát, bổ sung, hoàn thiện 36 chương trình đào tạo, bồi dưỡng và hiện nay đang triển khai rà soát, biên soạn tài liệu theo chương trình đào tạo, bồi dưỡng đã được ban hành. Ngoài ra, để phục vụ công tác đánh giá việc cập nhật kiến thức chuyên môn nghiệp vụ trong hoạt động kiểm toán của KTNN vào năm 2024, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ký Quyết định thành lập Ban rà soát danh mục văn bản, tài liệu và hệ thống ngân hàng câu hỏi, đáp án.

6 tháng đầu năm 2023, KTNN đã tổ chức 11 đoàn công tác đi học tập, bồi dưỡng ở nước ngoài cho hơn 63 lượt công chức; cử 183 lượt công chức, viên chức tham gia 8 khóa bồi dưỡng về kiểm toán hoạt động với sự hỗ trợ của Quỹ Kiểm toán và Trách nhiệm giải trình Canada… Đặc biệt, lần đầu tiên KTNN tổ chức thành công Kỳ đánh giá việc cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động kiểm toán năm 2023. Đây là tiền đề quan trọng tiến tới tổ chức đánh giá năng lực chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán định kỳ hằng năm và hoàn thiện Đề án nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực của KTNN.

Đào tạo chuyên sâu gắn liền với từng lĩnh vực, nội dung kiểm toán

Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng, thời gian tới, các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của KTNN cần được đổi mới, cập nhật kiến thức về hồ sơ, mẫu biểu, quy trình, chuẩn mực kiểm toán. Trong đó, định hướng đào tạo theo cả chiều rộng và chiều sâu. Cụ thể, mở rộng các lớp đào tạo về quy định pháp luật, các nghị định, thông tư mới được ban hành, chính sách thuế, ngân sách. Theo chiều sâu, kế hoạch đào tạo cần phải phân cấp rõ ràng hơn, đáp ứng yêu cầu của từng chuyên ngành, khu vực, đặc biệt là những lĩnh vực khó, chuyên sâu như môi trường, năng lượng…

“Đào tạo chuyên sâu cần gắn liền với hoạt động của từng KTNN chuyên ngành, khu vực, phân cấp rõ ràng, bám sát nhu cầu của KTV và chuyên đề kiểm toán. Các giảng viên tham gia giảng dạy phải phù hợp với từng nhóm kiến thức” - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng nhấn mạnh.

Xuất phát từ thực tiễn hoạt động kiểm toán, TS. Lê Hoài Nam - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, KTNN - cho rằng, trong công tác đào tạo, KTV cần được cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật, kinh tế vĩ mô và các kiến thức xã hội, quản lý kinh tế, tài chính nhà nước. Ngoài ra, trong dài hạn, KTNN cần có chính sách, chế độ, yêu cầu cụ thể về công tác tự đào tạo ở cấp KTNN chuyên ngành, khu vực để xác định đúng nhu cầu của KTV và từng đơn vị. Đồng thời, ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác đào tạo, cập nhật dữ liệu để hình thành hệ thống đánh giá, kiểm tra, ghi nhận kết quả học tập, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo đáp ứng yêu cầu.

Bám sát các mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch kiểm toán hằng năm, thời gian tới, KTNN sẽ tiếp tục đổi mới nội dung đào tạo, bồi dưỡng. Trong đó, tập trung tổ chức các tọa đàm trao đổi kinh nghiệm kiểm toán, bồi dưỡng kiến thức về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, quy trình và chuẩn mực KTNN, kỹ năng mềm cho đội ngũ công chức, viên chức KTNN.

Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng theo hướng xây dựng “Hệ thống Quản lý đào tạo 4.0” để triển khai linh hoạt, đa dạng các hình thức đào tạo nhằm phát huy tối đa công nghệ, xu hướng học tập trực tuyến.

Bên cạnh đó, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán phối hợp với các đơn vị tham mưu, chuyên ngành, khu vực chuẩn hóa tài liệu đào tạo, bồi dưỡng; biên soạn tài liệu đáp ứng yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ cho KTV, tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Tăng cường bồi dưỡng lĩnh vực kiểm toán mới như: Kiểm toán hoạt động, kiểm toán môi trường, kiểm toán công nghệ thông tin; nâng cao đạo đức nghề nghiệp, văn hóa giao tiếp ứng xử; phổ biến kiến thức pháp luật nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, khả năng phát hiện các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực.

Đồng thời, học tập kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực kiểm toán để ứng dụng vào hoạt động chuyên môn, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế của KTNN. Các đơn vị tham mưu, KTNN chuyên ngành, khu vực tăng cường công tác tự đào tạo, bồi dưỡng tại đơn vị gắn với thực tiễn thực hiện nhiệm vụ được giao, bảo đảm các KTV có đủ năng lực trước khi thực hiện nhiệm vụ kiểm toán.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đổi mới công tác đào tạo kiểm toán viên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO