Đổi mới đánh giá học sinh: Giảm thiểu tình trạng học lệch

Dung Hòa 28/09/2022 06:41

Theo tinh thần Thông tư 22 ( Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 20/7/2021), quy định mới về đánh giá học sinh (HS) phổ thông đã được áp dụng với HS lớp 6 ngay trong năm học 2021- 2022; tiếp tục áp dụng với HS lớp 7 và lớp 10 trong năm học 2022- 2023.

Đổi mới đánh giá học sinh để học và thi đạt kết quả thực chất. Ảnh: Quang Vinh.

Thực tế năm học qua cho thấy, việc đánh giá HS theo chương trình mới giúp các nhà trường đã không còn hiện tượng “lạm phát” học sinh giỏi.

Nhân văn hơn trong đánh giá học trò

Theo chia sẻ của nhiều giáo viên, Thông tư 22 có nhiều điểm mới tích cực, nhân văn trong việc đánh giá xếp loại HS. Đó là bỏ cách tính điểm trung bình các môn học; không còn xếp loại hạnh kiểm trung bình, yếu; học lực khá, trung bình, yếu, kém; bỏ danh hiệu HS tiên tiến, chỉ khen thưởng HS giỏi, xuất sắc.

Bà Trần Thị Thảo - Tổ trưởng chuyên môn Văn, Trường THCS Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) đánh giá, nhìn tổng thể Thông tư 22 đang đi đúng hướng và hiệu quả hơn trong công tác kiểm tra, đánh giá HS. Sau 1 năm thực hiện cho thấy, Thông tư này có nhiều điểm mới, nhân văn, phù hợp. Trong đó, đáng chú ý là không phân biệt môn chính, môn phụ khi đánh giá; đánh giá quá trình học tập và rèn luyện của HS theo 4 mức độ: Tốt - Khá - Đạt - Chưa đạt (bỏ mức độ Trung bình, Yếu kém); cách dùng từ ngữ và nhìn nhận quá trình giáo dục nhân văn hơn. Khen thưởng HS theo 3 mức độ: Xuất sắc - Giỏi - Hoàn thành (bỏ khen thưởng HS tiên tiến, không phân biệt HS trung bình).

Thông tư 22 chỉ khen thưởng danh hiệu “HS xuất sắc, HS giỏi”. Cụ thể, danh hiệu “HS xuất sắc” đối với những HS có kết quả rèn luyện, kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức tốt và có ít nhất 6 môn học được đánh giá bằng nhận xét kết hợp với đánh giá bằng điểm số có điểm trung bình môn đạt từ 9 trở lên. Danh hiệu "HS giỏi" tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét ở mức đạt, các môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số điểm trung bình học kỳ và trung bình năm từ 6,5 điểm trở lên, trong đó có ít nhất 6 môn học có điểm trung bình đạt từ 8 trở lên.

Sau 1 năm học triển khai Thông tư 22, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ái Mộ (Long Biên, Hà Nội) nhận định, Thông tư 22 có nhiều điểm linh hoạt, đánh giá sát thực theo nhiều chiều với người học, phù hợp với việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Thông tư không giới hạn số lần kiểm tra thường xuyên; chỉ quy định số đầu điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên được ghi nhận kết quả đối với từng môn học. Việc đánh giá thường xuyên được áp dụng linh hoạt thông qua hỏi đáp, viết thuyết trình, thực hành thí nghiệm, sản phẩm học tập. Do đó, HS được đánh giá nhiều góc độ, phù hợp với định hướng phát triển năng lực.

Dạy và học đi vào thực chất

Như vậy, theo tinh thần Thông tư 22, tất cả các môn học đều công bằng như nhau, đều có giá trị như nhau. Điểm mới tích cực này rất đáng ghi nhận giúp HS thay đổi ý thức học tập, việc coi các môn như nhau trong đánh giá HS sẽ giúp hạn chế tư tưởng môn chính phụ, từ đó giảm thiểu việc học lệch.

Bà Lê Thanh Hồng - Trường THCS Phù Cừ (Hưng Yên) chia sẻ: “Là giáo viên dạy môn Lịch sử và Giáo dục công dân, các thầy cô cùng tổ bộ môn của tôi thật sự cảm thấy vui vì từ ngày xóa bỏ quan niệm giáo viên dạy môn chính - phụ trong thực tế và ngay cả trong suy nghĩ lâu nay của phụ huynh - HS, đã đem lại sự công bằng trong đánh giá các môn học, đánh giá đúng năng lực HS. Với Thông tư 22, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã định vị công bằng hơn với những môn học vốn bị coi là môn phụ lâu nay”.

Còn bà Tô Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) bày tỏ, ở góc độ quản lý giáo dục, bà khuyến khích giáo viên thận trọng trong chuyện đánh giá và phải thực hiện đúng chủ trương nhận xét học sinh nhằm hướng tới sự tiến bộ, không đòi hỏi sự hoàn thiện. Có chân thực nhưng không quá khắt khe, khắc nghiệt, tạo cơ hội cho học sinh yêu thích môn học và có động lực phấn đấu.

Để việc dạy và học thực chất hơn, ngoài việc đổi mới đánh giá học sinh, các giáo viên cũng đồng tình rằng: Bộ Giáo dục và Đào tạo nên quy định thêm trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập hàng năm các địa phương nên chọn bất kỳ môn nào trong các môn học ở cấp THCS đánh giá bằng điểm số, không chỉ chọn thi tuyển thường là 3 môn: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ như lâu nay sẽ hạn chế tình trạng học lệch môn hiện nay ở cấp THCS.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đổi mới đánh giá học sinh: Giảm thiểu tình trạng học lệch