Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chú trọng chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để đổi mới, tăng cường thực hiện có hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội.
Ngày 27/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023. Cùng chủ trì Hội nghị có: Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương.
Tham dự Hội nghị còn có: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; các Ủy viên Trung ương Đảng; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH các tỉnh/thành phố; đại diện lãnh đạo UBTƯMTTQ Việt Nam, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các đại biểu Quốc hội chuyên trách trung ương cùng lãnh đạo thành ủy, tỉnh ủy tại các điểm cầu địa phương trên cả nước.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần cho biết, nhằm thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023. Hội nghị được tổ chức nhằm tạo sự thống nhất trong ý chí, hành động, nâng cao sự chủ động của các cơ quan trong việc triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chương trình giám sát năm 2023, làm cơ sở để các cơ quan, tổ chức thực hiện, góp phần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội.
Phát biểu khai mạc hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, ông Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, thực hiện quy định của pháp luật về hoạt động giám sát để triển khai hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Chương trình giám sát năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình giám sát tại Hội trường Diên Hồng, kết nối trực tuyến với 49 điểm cầu tại địa phương.
Tinh thần xuyên suốt từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay đó là tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội, trong đó việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt.
Cùng với công tác lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chú trọng chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để đổi mới, tăng cường thực hiện có hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội với chủ trương chuẩn bị kỹ lưỡng từ sớm, từ xa, huy động tối đa sự tham gia của đại biểu Quốc hội, các cơ quan là chủ thể giám sát và đối tượng chịu sự giám sát, cũng như các cơ quan phối hợp, các chuyên gia trong hoạt động giám sát.
Ông Phương khẳng định, yêu cầu đặt ra đối với công tác giám sát của Quốc hội là phải bảo đảm đúng quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; đồng thời phải đáp ứng và gắn với yêu cầu đổi mới hoạt động giám sát theo các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, của Bộ Chính trị.
Bên cạnh đó, chủ động huy động tối đa sự vào cuộc một cách chủ động và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong triển khai để bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí. Chú trọng công tác tuyên truyền, định hướng hoạt động truyền thông và hoạt động phục vụ giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để tạo sự thống nhất, đồng thuận trong xã hội về hoạt động và kết quả giám sát.
Chính vì vậy, ngay từ đầu kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu, lựa chọn các nội dung giám sát chuyên đề, giám sát bảo đảm sát đúng, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới.
Đặc biệt trong năm 2022, trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành kết luận có ý nghĩa nền tảng cho việc tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành 3 Nghị quyết quan trọng góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về hoạt động giám sát.