Thầy giỏi mới có trò giỏi. Đó là chân lý đã được đúc kết qua thực tiễn nhiều thế hệ.
Nhưng với chất lượng đầu vào không đồng đều của ngành sư phạm hiện nay, nhất là ở những trường có đầu vào thấp khiến nhiều người lo lắng sẽ khó tạo nên một đội ngũ nhà giáo đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà. Cùng với sự thay đổi của thi cử, đánh giá học sinh (HS) và thay đổi về chương trình, sách giáo khoa (SGK), người thầy hôm nay cũng phải thay đổi để bắt kịp với nền giáo dục 4.0, khi công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, khi chuyển nền giáo dục từ chủ yếu là truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực.
Quan điểm lấy học trò là trung tâm không phải là người giáo viên đứng bên lề. Giáo viên phải là trung tâm của trung tâm thì đổi mới giáo dục mới thành công. Muốn làm được điều đó, cần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên hiện nay đồng thời thu hút HS giỏi đầu quân vào ngành sư phạm để xây nền móng đội ngũ nhà giáo tương lai.
Mới đây, Nhà nước ban hành chính sách hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí đối với sinh viên ngành sư phạm được đánh giá là một đòn bẩy quan trọng để khuyến khích HS giỏi vào sư phạm. Cùng với đó là đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo của các trường sư phạm, nỗ lực trau dồi của mỗi người thầy vì sự học là suốt đời và cơ chế khuyến khích, động viên từ ban giám hiệu nhà trường sẽ giúp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên – yếu tố quyết định sự thành bại của đổi mới giáo dục như ý kiến của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ từng phát biểu.
[Giáo dục không thể thay đổi qua đêm]
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới: Năng khiếu sư phạm rất quan trọng
Ai cũng mong muốn những HS giỏi sẽ đầu quân vào sư phạm. Nhưng thực tế, ở các tỉnh hiện nay, khó có thể lấy được đầu vào cao quá. Nên tôi cho rằng để làm giáo viên, trước hết cần có học lực tối thiểu từ trung bình trở lên, có khả năng diễn đạt lưu loát, hình thức phải tương đối. Nếu kém quá thì không nên vào sư phạm.
Đúng là có một nguyên tắc là thầy giỏi thì mới có trò giỏi. Nhưng tôi cho rằng, ngay cả với giáo viên có năng lực học tập hồi phổ thông ở mức trung bình nhưng được rèn luyện liên tục nên trở lên nhuần nhuyễn, giảng dạy rất hay. Tôi từng gặp những giáo viên mà học lực ở phổ thông chỉ ở mức điểm 6, 7, ít khi được 8, 9 nhưng giảng lại rất tuyệt vời. Ngược lại, có những trường hợp học rất giỏi nhưng khả năng truyền đạt yếu thì nên phù hợp với vai trò thầy hướng dẫn, làm nghiên cứu khoa học thôi.
Thực tiễn rất quan trọng. Mọi lý thuyết đều màu xám còn cây đời mãi mãi xanh tươi.
Cái gì cũng có tính tương đối của nói. Thầy nào càng có nhiều phương pháp và tư duy trừu tượng, tạo cho trẻ em hứng thú học thì sẽ khiến các em yêu thích học ngay thôi. Thầy có khoa nói thì sẽ cuốn hút được học trò, gọi nôm na là khiếu về sư phạm. Biết lấy ví dụ kết hợp với lý thuyết và đưa ra những mẩu chuyện thú vị để HS dễ nhớ.
Hiện nay, ở nhiều nước, khi tuyển sinh ngành sư phạm, họ đề cao yếu tố phù hợp với nghề. Tôi cho rằng điều này cũng rất nên được khuyến khích ở Việt Nam. Bởi nếu yêu thích thì làm công việc gì cũng có sự say mê và sáng tạo, khi đó thành công sẽ rất dễ đến. Tôi đề xuất có thể cân nhắc thêm vào môn thi năng khiếu để cộng điểm cho những HS có năng khiếu trời ban với nghề. Những ai không thi thì thôi, ai thi thì được cộng điểm nếu đạt yêu cầu.
Trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam với lớp học đông, thầy cô có thể cân nhắc đến các phương pháp dạy khác nhau để phù hợp với năng lực của HS. Chẳng hạn, tôi đã có kinh nghiệm khi còn là sinh viên, thầy giao cho mình làm cán sự của một bộ môn tiếng Nga. Tôi phân chia lớp làm 3 top. Với top giỏi, tôi để thời gian hoàn thành bài là 30 phút trong khi các bạn khá là 40 phút còn các bạn yếu hơn thì thêm thời gian hơn nữa.
Bên cạnh sự động viên, giáo viên cần nhắc đi nhắc lại 1, 2, 3 lần tùy nhận thức của học trò để HS nắm được. Hoặc có thể cho HS giỏi tự làm bài tập còn nhóm HS yếu hơn, thầy sẽ giảng cho HS yếu.
Chia nhóm để giảng dạy chính là phương pháp rất hiệu quả khi áp dụng với kiểu học này. Nhưng đòi hỏi giáo viên phải yêu nghề, tâm huyết với nghề chứ nếu bảo làm thế cũng không có bồi dưỡng gì hơn, vất vả hơn thì khó đạt được hiệu quả lắm. Nếu kèm được HS từ yếu kém lên khá giỏi, đấy mới là giáo viên giỏi.
Cô giáo Phạm Thị Thanh Nhung, Trường THCS Nguyễn An Khương, huyện Hóc Môn, TP HCM: Vượt khó để truyền cảm hứng tới học sinh
Để bắt kịp với sự thay đổi của xã hội mỗi ngày, mỗi giáo viên chúng tôi phải vượt qua không ít khó khăn. Đơn cử như thế hệ chúng tôi được đào tạo từ các thầy cô theo hình thức truyền thụ kiến thức một chiều và sau một quá trình giảng dạy theo lối truyền thống, nay đã hình thành một thói quen rồi. Đứng trước yêu cầu đổi mới về phương thức dạy học, giáo viên chúng tôi trăn trở suy nghĩ làm sao để xây dựng một kế được tính tích cực chủ động của HS. Mình sẽ triển khai kế hoạch đó ở từng lớp học, từng đối tượng HS cho đạt được hiệu quả và phải ứng dụng công nghệ, phương tiện thế nào để cho phù hợp, bên cạnh đó là đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá HS. Làm sao để đổi mới nhưng vẫn giữ được những nét đặc thù của bộ môn của mình.
Đôi khi những giáo viên chúng tôi cũng cảm thấy khá vất vả và lúng túng. Để vượt qua được những khó khăn đó, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ của nhà trường và phụ huynh.
Cô giáo Hà Ánh Phượng (Trường THPT Hương Cần, Phú Thọ), 1 trong 50 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu năm 2020: Chiếc hộp hạnh phúc với cô và trò
Thực tế hiện nay học trò là trung tâm, vai trò của người giáo viên đã thay đổi rất nhiều.
Gần đây, Bộ GD-ĐT đã ban hành những thông tư mới trong việc kiểm tra đánh giá, xếp loại HS cũng như những quy định mới trong điều lệ trường học. Chẳng hạn như với quy định cho phép HS sử dụng điện thoại trong giờ học vào mục đích học tập với sự cho phép của giáo viên, tôi cho rằng rất phù hợp với xu hướng hiện nay khi công nghệ thông tin phát triển. HS sử dụng điện thoại sẽ giúp rút ngắn lại những hạn chế, khoảng cách và tiết kiệm thời gian cho giáo viên HS, giúp gia tăng rèn luyện nhiều kỹ năng cho HS như tìm kiếm thông tin, tự quản lý việc sử dụng thiết bị công nghệ là những kỹ năng cần thiết sau này khi bước ra ngoài xã hội. Như tôi biết, ở nhiều nước trên thế giới, ví dụ như Phần Lan, họ cho phép HS sử dụng điện thoại từ rất lâu rồi. Cách họ quản lý rất chặt chẽ.
Để làm được điều đó, giáo viên cần đóng vai trò là người kiểm soát nghiêm ngặt để tránh tình trạng HS sử dụng không đúng mục đích. Muốn làm được điều đó cần nâng cao ý thức của HS cộng với kỷ luật thì mới đem lại hiệu quả nhất.
Với tôi, ngay từ đầu sẽ quán triệt việc chỉ cho HS sử dụng điện thoại với mục đích học tập. Còn kỷ luật nên được hiểu là làm sao để tự HS hiểu được và làm theo một cách tự nguyện thay vì ép phải làm theo. Khi có tiết học kết nối, tôi sẽ thông báo trước với HS của mình là các em có thể đem điện thoại đi chứ không phải lúc nào cũng khuyến khích các em mang điện thoại đi học. Các em sẽ sử dụng để làm bài thi đấu với các đơn vị khác, chẳng hạn như Ấn Độ thông qua một phần mềm. Vì màu cờ sắc áo, các em cũng sẽ cố gắng ôn luyện nhiều hơn để đạt kết quả tốt. Việc học mà chơi như vậy giúp HS khá thích thú và say mê.
Tôi sẽ chuẩn bị một chiếc hộp hạnh phúc và đề nghị HS mang điện thoại, hay máy ảnh bỏ vào đó trước mỗi tiết học nếu trong giờ đó không có việc gì dùng đến thiết bị để tập trung hoàn toàn vào giờ học, hết giờ các bạn có thể lấy về.
Tôi cho rằng, khi khuyến khích HS hiểu được điều đó nên làm thay vì phải làm sẽ giúp các em thoải mái hợp tác hơn. Đó là cách mỗi giáo viên sáng tạo để gần với HS của mình hơn.
Để làm tốt công việc của một giáo viên, tôi quan niệm trước hết mỗi giáo viên cần dành thời gian để phát triển chuyên môn hơn, học phương pháp giảng dạy nhiều hơn, đặc biệt là những phương pháp dạy học kiểu mới như đổi mới giao tiếp trong giảng dạy tiếng Anh không sử dụng nhiều tiếng Việt… Có như vậy mới thích nghi được với sự phát triển của chương trình, SGK mới…
Bà Nguyễn Thị Thu Anh - Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội: Quan tâm đến việc trang bị giá trị sống cho mỗi học sinh
Là một trong những trường học đầu tiên của cả nước triển khai việc giảng dạy trực tuyến trong mùa Covid-19 vừa qua, cô Thu Anh cho biết từ 2018-2019 trường đã triển khai tập huấn công cụ ứng dụng Microsoft Office 365. Hồi đó, nhiều giáo viên lớn tuổi trong trường chia sẻ việc học sử dụng công nghệ rất khó. Chúng tôi phải động viên rất nhiều nhưng quan trọng nhất vẫn là sự hỗ trợ lẫn nhau trong nhà trường. Chúng tôi thành lập một tiểu ban hỗ trợ bao gồm không chỉ giáo viên tin học mà cả những người trẻ, những người sử dụng thành thạo công nghệ có thể sẵn sàng bất cứ lúc nào hỗ trợ đồng nghiệp khi cần. Nhờ đó, chúng tôi đã cùng nhau bước qua những khó khăn.
Cơ hội để thể hiện nó là năm 2020, khi Covid xảy ra thì chúng tôi đã quyết định ngay từ tuần nghỉ học đầu tiên đã triển khai dạy rồi. Đó là quay thành các video clip để chuyển lên cho các lớp học. Sau 1 tuần, chúng tôi dứt khoát phải dạy theo thời khóa biểu và yêu cầu mọi thành viên phải triển khai. Khó khăn ban đầu trôi qua rất mau với sự ủng hộ động viên của ban giám hiệu Trường ĐH Sư phạm Hà Nội giúp chúng tôi thêm động lực để phấn đấu.
Để có được sự thành công, tôi cho rằng sự nỗ lực của giáo viên quyết định 70% còn 30% là ban giám hiệu. Bởi ban giám hiệu mà cứ nói mãi nhưng giáo viên không chuyển động thì ban giám hiệu sẽ rất khó khăn.
Mục tiêu của đổi mới giáo dục là phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, chương trình giáo dục phổ thông mới hướng tới hình thành và phát triển những phẩm chất của HS phù hợp với mỗi cấp bậc học. Trong khi kiến thức của nhân loại tăng lên từng giây, mỗi nhà giáo vì thế cần phải thay đổi cách dạy. Thay vì cố gắng để dạy hết bài, cố gắng để hôm sau kiểm tra HS có thuộc bài hay không thì cần phải thay đổi cách dạy, cách kiểm tra đánh giá để làm sao HS phải biết cách tự học, làm sao để các em có thể tự học suốt đời.
Thứ hai, cuộc sống luôn luôn biến động, khó khăn thách thức rất nhiều nên không chỉ ở nhà trường mà trong cuộc sống thường ngày các em cũng cần rèn luyện những kỹ năng như giải quyết vấn đề, kỹ năng vượt khó. Đó là những chỉ đạo hiện nay của Bộ trong chỉ đạo dạy học để phát triển phẩm chất năng lực HS và để có thể có thể giáo dục được phẩm chất, mỗi nhà trường cũng cần quan tâm đến dạy giá trị sống. Khi HS biết yêu thương, chăm chỉ cố gắng hàng ngày, là những người tự trọng có trách nhiệm thì chắc chắn sẽ được mọi người giúp đỡ. Nên dù có khó khăn cũng sẽ vượt qua và thành công.