Chiều 10/3, tại Hà Nội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam với Ban chủ nhiệm các Hội đồng Tư vấn (HĐTV) về công tác tư vấn năm 2022.
Tham dự Hội nghị có ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; các Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam: Ngô Sách Thực, Nguyễn Hữu Dũng, Phùng Khánh Tài cùng thành viên của 7 HĐTV của UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Đề xuất những giải pháp có tính khoa học, thực tiễn đóng góp cho sự phát triển của đất nước
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nhấn mạnh, thời gian qua, thực hiện chương trình hành động của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các chương trình phối hợp thống nhất hành động năm 2021, nhiều thành viên của các HĐTV đã tích cực chủ động nghiên cứu, đề xuất nhiều ý kiến quan trọng về những nội dung có liên quan đến lĩnh vực của Hội đồng.
Các Hội đồng tư vấn là lực lượng nòng cốt tham gia các hoạt động giám sát, phản biện xã hội góp ý, nêu lên ý kiến của các tầng lớp nhân dân tham gia góp ý vào các dự án Luật, Nghị định, Thông tư, Đề án, đặc biệt là tham gia góp ý với các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 với chất lượng, hiệu quả cao; phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân đối với Quốc hội; nghiên cứu đề xuất ý kiến về các nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam.
Cùng với đó, các HĐTV đã tích cực, chủ động phối hợp với nhau trên các lĩnh vực tư vấn, phát huy được trí tuệ, năng lực và sự nhiệt tình của các thành viên trong Hội đồng, góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Tổ chức nhiều cuộc khảo sát thực tế thuộc lĩnh vực của Hội đồng để nắm bắt, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân và các vấn đề kinh tế -xã hội của đất nước...
“Các ý kiến tham gia góp ý của các thành viên HĐTV với chất lượng, hiệu quả, sâu sắc, có cơ sở lý luận và thực tiễn, do vậy, nhiều ý kiến đã được Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu ý kiến góp ý, phản biện của các HĐTV”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu, Đảng, Nhà nước đang đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, trong đó, MTTQ và các tổ chức xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ, do đó, MTTQ Việt Nam cần phải chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động một cách thực chất trong tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, giám sát, phản biện xã hội, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; tập hợp các tầng lớp nhân dân, tôn giáo, dân tộc, người Việt Nam ở nước ngoài... thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng; tích cực xây dựng, và bảo vệ đất nước.
“Để làm được điều này, các HĐTV với thành viên là những chuyên gia hàng đầu, những người giỏi nhất, là kết tinh của trí tuệ Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc tư vấn, định hướng và đưa ra những giải pháp có tính khoa học, thực tiễn đóng góp cho sự phát triển của đất nước nói chung và hoạt động thuộc chức năng, nhiệm vụ của MTTQ nói riêng.
Do vậy, tăng cường, phát huy và nâng cao chất lượng hoạt động của Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam và vai trò của các Hội đồng tư vấn là một yêu cầu bắt buộc, cần thiết và rất cấp thiết hiện nay”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nêu rõ.
Báo cáo kết quả hoạt động năm 2021 của các HĐTV của UBTƯ MTTQ Việt Nam và nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho biết, năm qua, các HĐTV là lực lượng nòng cốt tham gia các hoạt động giám sát, phản biện xã hội góp ý, nêu lên ý kiến của các tầng lớp nhân dân tham gia góp ý vào các dự án Luật, Nghị định, Thông tư, Đề án.
Nhiều thành viên của các HĐTV đã tích cực chủ động nghiên cứu, đề xuất nhiều ý kiến quan trọng về những nội dung có liên quan đến lĩnh vực của Hội đồng.
Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, năm 2021, đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, tuy nhiên, kết quả hoạt động của các HĐTV khẳng định rõ vai trò, trách nhiệm và hiệu quả trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân.
Hoạt động phản biện xã hội được thực hiện ngày càng tốt hơn, bước đầu đóng góp được các giải pháp góp phần hoàn thiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Điều đó thể hiện thông qua một số kết quả nổi bật như: HĐTV với nòng cốt là HĐTV về dân chủ pháp luật đã tham gia tích cực, hiệu quả, vào công tác bầu cử; Tham gia góp ý 76 dự thảo Văn bản QPPL, Đề án trên nhiều lĩnh vực khác nhau như dân chủ pháp luật, kinh tế, văn hóa - xã hội, khoa học giáo dục và môi trường, tôn giáo, dân tộc, đối ngoại nhân dân; Tham gia và đóng góp quan trọng vào công tác giám sát và phản biện xã hội. Bên cạnh đó, thành viên các HĐTV còn cùng các đơn vị chuyên môn của Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam xây dựng, tham gia nhiều Đề tài, Đề án và chuyên đề chuyên sâu trên các lĩnh vực như xây dựng Nhà nước Pháp quyền XHCN…
Tuy nhiên, Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra hoạt động của các HĐTV chưa đồng đều, Ban Chủ nhiệm một số Hội đồng chưa phát huy hết khả năng của các thành viên trong HĐTV. Do vậy, chất lượng tư vấn ở một số lĩnh vực còn hạn chế.
Một số HĐTV chưa chủ động đề xuất được những vấn đề cần tổ chức, thảo luận, góp ý, nhiều nội dung hoạt động tổ chức khảo sát thực tế tại các địa phương chưa triển khai được do ảnh hưởng của dịch Covid-19,...
Những ý kiến tâm huyết nhằm phát huy tối đa vai trò của HĐTV
Để phát huy hơn nữa vai trò của HĐTV và khắc phục những khó khăn, hạn chế, đại biểu tham dự đã cùng thảo luận và đưa ra nhiều giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát huy tối đa vai trò của các Hội đồng và thành viên.
Ông Đỗ Quang Hưng, Chủ nhiệm HĐTV về Tôn giáo mong muốn, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho HĐTV thực hiện các nội dung quan trọng, trong đó tích cực tham gia góp ý vào dự thảo nghị định thay thế Nghị định 162 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo.
Cùng với đó tập trung vào việc phối hợp giải quyết tâm tư, nguyện vọng của bà con đồng bào tôn giáo nhằm giảm thiểu các điểm nóng và vụ việc phát sinh; đồng thời tập trung giải quyết triệt để những vấn đề còn tồn đọng liên quan đến chính sách như việc công nhận tên các tổ chức tôn giáo,....
Ông Đỗ Quang Hưng cũng đề xuất, Ban Thường trực cho phép HĐTV mở rộng phạm vi nghiên cứu, tiếp cận đến các nội dung liên quan đến đời sống tâm linh, vấn đề tín ngưỡng và lễ hội của người dân, từ đó góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng.
Bày tỏ sự đồng tình với nội dung báo cáo và khẳng định với tinh thần trách nhiệm cao, nội dung góp ý chất lượng, các thành viên của Hội đồng đã nhiệt tình, trách nhiệm tham gia các hội nghị, hội thảo, tham gia soạn thảo, viết bài tham luận về các chuyên đề chuyên sâu để đóng góp ý kiến, tham vấn các nội dung về những lĩnh vực có liên quan, ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm HĐTV về Văn hóa xã hội cho rằng, để phát huy hơn nữa vai trò của HĐTV, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam cần xem xét tăng cường số lượng thành viên, cộng tác viên HĐTV để mở rộng phạm vi, nội dung nghiên cứu, mang lại tính khách quan cũng như hiệu quả trong công tác nghiên cứu lý luận và đánh giá thực tiễn.
Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, ông Nguyễn Phú Bình, Phó Chủ nhiệm HĐTV về Đối ngoại Kiều bào đề xuất, đối với lĩnh vực kiều bào, người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận quan trọng, không thể tách rời của dân tộc Việt Nam.
Tuy nhiên, trên thực tế, khi có những thành tố phức tạp như đại dịch Covid-19 hay tình hình chiến sự tại Nga - Ukraine, cộng đồng người Việt Nam tại các quốc gia không thể tránh khỏi những biến động, gây ra nhiều khó khăn, thách thức cho đời sống của bà con kiều bào.
Vì vậy, Ban Thường trực cần quan tâm, tạo điều kiện cho HĐTV nghiên cứu sâu hơn, cập nhật tình hình thực tế để có những giải pháp phù hợp hỗ trợ cho bà con, khắc phục những khó khăn, bất cập trên thực tế.
Đồng thời, về đối ngoại nhân dân, hiện nay, có nhiều người nước ngoài ở Việt Nam đã sinh sống nhiều năm tại Việt Nam và muốn gắn bó lâu dài, cũng vì thế các vấn đề liên quan đến tài sản, pháp luật,... nảy sinh theo thời gian.
Do đó, ông Nguyễn Phú Bình cho rằng, trong thời gian tới, HĐTV cần tham gia nghiên cứu, góp ý, xây dựng các chính sách đối với chính quyền địa phương để sớm giải quyết khó khăn, bất cập cho người nước ngoài sinh sống và làm việc ở Việt Nam.