Những ngày qua, trên báo chí và mạng xã hội xuất hiện nhiều ý kiến tâm huyết gửi tới tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ. Điều đó cho thấy người dân và giới chuyên môn rất quan tâm tới thực trạng giáo dục nước nhà. Dư luận kỳ vọng Bộ trưởng mới sẽ sớm giải quyết những tồn tại trong giáo dục hiện nay bằng quyết sách mới cùng với chiến lược hiệu quả.
Kế sách từ những người có trình độ và tâm huyết
Trao đổi với báo chí, GS Phạm Tất Dong, Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam nhận định giáo dục đang gặp phải bài toán rất khó mà nhiều năm tháng qua chưa giải được. Ông cho rằng nếu Bộ trưởng mới không sử dụng được đội ngũ chuyên gia lớn, không tận dụng được ý kiến của những người có kinh nghiệm thì bài toán sẽ khó giải được. Theo ông nếu chúng ta không thể hiện được mong muốn trong vòng 10 – 15 năm tới người Việt Nam phải có phẩm chất gì? Năng lực gì? thì mọi đổi mới xem ra không giải quyết được gì.
Trước những bức bối ở các kỳ tuyển sinh đại học, các chuyên gia giáo dục thường đưa ra lời khuyên “đại học không phải là con đường duy nhất để vào đời”, nhưng nhiều thanh niên vẫn vô cùng hoang mang khi không vào học đại học thì cũng chẳng có lối nào “vào đời”. Xã hội ta không có bằng cấp thì thất nghiệp. Nhưng thực tế kỹ năng đào tạo ở các trường nghề của ta quá hời hợt, không chuyên sâu và thiếu đa dạng. Thường những nghề học trong trường ra xã hội không tương thích hoặc trình độ người học chưa bắt nhịp được công việc. Khắc phục tình trạng này, theo PGS.TS Lê Hữu Lập, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cần tập trung vào Đề án đổi mới toàn diện giáo dục đối với giáo dục phổ thông. Làm tốt đề án này, học sinh học hết lớp 12, tốt nghiệp là có thể đi làm được còn hiện nay, học xong Trung học không làm được gì vì không có nghề.
Là một doanh nhân – trí giả thành đạt, TS Lương Hoài Nam có cái nhìn rất thực tế. Qua báo chí ông gửi tới tân Bộ trưởng 10 đề xuất nhằm đổi mới toàn diện ngành giáo dục, trong đó nhấn mạnh trình độ tiếng Anh trong học sinh, sinh viên Việt Nam đáng thất vọng, phần lớn thanh niên Việt Nam không sử dụng thành thạo được tiếng Anh sau 12 năm học phổ thông và 3-5 năm cao đẳng, đại học. Vì thế cần quy định tiếng Anh là ngoại ngữ bắt buộc, từ tiểu học đến đại học. Dù biết kém tiếng Anh thì khó hội nhập, nhưng sự đầu tư của xã hội còn manh mún và chủ yếu xuất phát từ nhu cầu của mỗi gia đình nên hiệu quả không cao.
Ngoài ra, theo ông Nam cần đào tạo lại, nâng cấp chất lượng giáo viên, giảng viên. Đây là vấn đề lớn nhất, khó nhất, quyết định sự thành-bại của mọi nỗ lực cải cách giáo dục. Giáo viên, giảng viên nào sau khi được đào tạo lại mà vẫn không đáp ứng được chuẩn kiến thức, kỹ năng phải bị đào thải. Việc này nói dễ làm khó, nhất là trong tình hình hiện nay.
Vật vã với cơm áo gạo tiền
Khá nhiều tâm tư của các nhà giáo đã được trang mạng xã hội dành cho các giáo viên đăng tải nhằm gửi tới tân Bộ trưởng những ý kiến tâm huyết nhất. Có thể nói tâm tư của phần đông giáo viên hiện nay là mức lương quá thấp. Họ cho rằng tăng lương không phải là đòi hỏi quá đáng của giáo viên mà chính là sự trân trọng của xã hội đối với giáo dục. Chỉ khi nào các thầy cô không còn phải vật lộn với cơm áo gạo tiền cho mình và gia đình thì lúc ấy, giáo dục mới được trả về đúng giá trị của nó.
Cách đây nhiều năm, sư phạm là ngành “hot”, người ta mơ ước thi đỗ vào ngành sư phạm. Song thời gian qua đào tạo sư phạm tràn lan dẫn đến việc Nhà nước phải chi trả quá nhiều tiền (sinh viên sư phạm miễn học phí) cho giáo dục, còn bản thân sinh viên ra trường lại không xin được việc.
Ngoài ra, giáo viên tiểu học cũng tỏ ra quá tải với Thông tư 30 – thông tư được cho là giảm tải cho học sinh thì lại tăng tải với giáo viên. Học sinh học chưa chắc đã giỏi lên còn giáo viên quay cuồng trong đống sổ sách, nhận xét. Nhiều người nghĩ rằng chấm điểm cho học sinh chính là nguyên nhân tạo ra áp lực trong giáo dục. Cách giáo dục mang tính “tự sướng” đã làm hại học trò.
Hàng năm, khắp các địa phương nô nức tổ chức cuộc thi giáo viên giỏi. Để một thầy cô đi thi, hàng loạt thầy cô khác và gia đình đều cuốn vào cuộc, nào là giáo án, tập huấn rồi lên kịch bản, giáo viên lên diễn. Nhưng có một điều ai cũng biết rằng giáo viên giỏi chưa hẳn đã là giáo viên diễn giỏi. Rồi câu chuyện ngồi “nhầm” lớp, học hết tiểu học mà chưa đọc thông viết thạo đã và đang làm đau lòng những người quan tâm đến giáo dục.
Một mảng xám khiến dư luận còn nhiều băn khoăn là bề bộn khó khăn của giáo dục vùng sâu, vùng xa. Nơi các em học sinh không chỉ thiếu ăn, thiếu mặc mà còn đói cả con chữ, nhiều địa phương vẫn còn đó những lớp học tồi tàn, mái tranh vách nứa... Mong ước giản dị của thầy giáo Đỗ Anh Dũng, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS Mồ Dề, Mù Cang Chải, Yên Bái là được nhà nước đầu tư cơ sở vật chất để các em được yên tâm tới lớp.
Bao giờ lắng nghe trẻ em nói?
Dù đã có nhiều đổi mới nhưng nền giáo dục Việt Nam hẳn vẫn còn chưa bắt nhịp với những khái niệm như dạy học tích cực, dạy học lấy học sinh làm trung tâm. Điều cốt lõi mà có lẽ không ít giáo viên ngày nay đã quên, đó là cần lắng nghe học sinh nhiều hơn. Nói như cô Nguyễn Thị Ngọc Minh-Giảng viên khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội thì có vô vàn lí do để một đứa trẻ ngọ ngoạy trong lớp. Đã bao giờ các giáo viên lắng nghe để nhìn thấy chúng đang thực sự ngọ ngoạy vì cái gì chưa? Nếu giáo viên chịu lắng nghe thì chắc hẳn cô con gái bạn tôi đang học ở một trường tiểu học có tiếng ở Hà Nội đã không phải buồn bã kể với mẹ rằng: Mẹ đưa con đến trường muộn, con nói với cô mẹ bị hỏng xe nhưng với cô quát im đi, lúc nào cũng lý do lý trấu.
Ở lứa tuổi lớn hơn, K.Trang – Học sinh lớp 11 ở một Trường THPT nổi tiếng chia sẻ: Một số bạn trong lớp từng hỏi cháu rằng nhà mày chạy mất bao nhiêu tiền để vào lớp này? trong khi bản thân em Trang đỗ vào trường với số điểm khá cao. Câu hỏi ấy cho thấy tư tưởng bán – mua điểm số đã ăn sâu và bào mòn lớp trẻ. Có những cuốn học bạ “đẹp như mơ” lừa dối giáo viên nhiều cấp học đã phải dừng bước trước ngưỡng cửa đại học. Rồi câu chuyện bỗng nhiên được “tặng” hàng loạt điểm 10 của 40 em học sinh Trường THPT Hùng Vương (Q.5, TP.HCM) mới đây cũng khiến những khọc sinh trong trường thắc mắc. “Các bạn này trong đội tuyển học sinh giỏi nhưng không hoàn toàn giỏi tất cả các môn để có số điểm tuyệt đối như vậy” – một học sinh trường này cho biết.
Câu chuyện về thành tích ảo của giáo dục Việt Nam đã rất nghiêm trọng và không nên để kéo dài lâu hơn nữa. Áp lực của học sinh ngày nay chính là nỗi khổ của phụ huynh. Nỗi khổ ấy chất chứa trong nhiều hoàn cảnh mà dừng bước ở đâu trên mỗi nẻo đường đến trường, Bộ trưởng đều có thể nghe thấy…