Chính trị

Đổi mới “ngọn đuốc soi đường” cho công cuộc phát triển đất nước trong giai đoạn mới

H.Vũ 23/07/2025 08:05

Lần đầu tiên trong lịch sử Đảng, 3 văn kiện gồm: Báo cáo chính trị, Báo cáo kinh tế - xã hội, Báo cáo Tổng kết xây dựng Đảng được tích hợp thành Báo cáo chính trị theo một trục xuyên suốt, thống nhất, đồng bộ để trình Đại hội XIV của Đảng. Nhiều ý kiến đánh giá đây là sự đổi mới của Đảng trong phương thức lãnh đạo nhằm thực hiện khát vọng đưa đất nước phát triển giàu mạnh, thịnh vượng.

tren.jpg
Đổi mới để đưa đất nước phát triển giàu mạnh, thịnh vượng. Ảnh: Quang Thái.

Vừa qua tại hội nghị Trung ương 12, Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu Báo cáo chính trị mới phải được hoàn thiện theo hướng bảo đảm tính kế thừa và đổi mới, phản ánh đúng thực tiễn phát triển của đất nước, nhất là những thành tựu vượt bậc về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại với quan điểm chúng ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày hôm nay là bởi sự kết tinh ngàn năm văn hiến của dân tộc, đặc biệt là thành quả của 95 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, 80 năm Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 40 năm đổi mới và sự đóng góp, sự hy sinh to lớn của nhiều thế hệ đảng viên, của lớp lớp quần chúng nhân dân.

Bên cạnh đó, định rõ các mục tiêu của nhiệm kỳ Đại hội XIV và tầm nhìn đến năm 2045, 2050 và xa hơn nữa, gắn với 2 mục tiêu: 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Theo nhấn mạnh của Tổng Bí thư Tô Lâm tại hội nghị Trung ương 12, nội dung dự thảo Văn kiện lần này không chỉ là kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, mà còn là “ngọn đuốc soi đường” cho công cuộc phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, lần này tại Đại hội 14 của Đảng, theo tinh thần của hội nghị Trung ương 12, Trung ương đã quyết định tích hợp Báo cáo chính trị, Báo cáo kinh tế - xã hội, Báo cáo Tổng kết xây dựng Đảng thành Báo cáo chính trị theo một trục xuyên suốt, thống nhất, đồng bộ.

Ông Phúc nhìn nhận, trong Báo cáo chính trị đã có phần nói về vấn đề kinh tế - xã hội và xây dựng Đảng. Tại báo cáo Tổng kết Xây dựng Đảng cũng phải nhắc lại các quan điểm đó nhưng có sự đi sâu hơn. Cho nên 2 báo cáo trên cũng có sự trùng lặp. Hay ngay bản thân Báo cáo kinh tế - xã hội cũng phải nhắc đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Do đó lần này Trung ương quyết định tích hợp 3 báo cáo làm 1 là hợp lý.

Ông Phúc cũng chỉ rõ, việc “gộp” không có nghĩa ghép 3 báo cáo lại làm 1, mà là trong Báo cáo chính trị phải thể hiện được 3 vấn đề lớn này. Đây là là yêu cầu rất cao trong việc làm báo cáo, bởi việc tích hợp không phải đơn giản là cộng lại mà vấn đề là phải đúng với các vị trí của vấn đề đó. Ví dụ trong Báo báo chính trị phải có phần chung nhất về chính trị, chế độ chính trị của đất nước, sau đó đi sâu vào vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của nhà nước, toàn bộ hệ thống chính trị. Sau đó mới đến trình bày về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong nhiệm kỳ đó và dài hơi, rồi gắn với và xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng.

“Có nghĩa Báo cáo chính trị toát lên cả 3 vấn đề lớn đó trong một sự thống nhất, không trùng lặp là một yêu cầu rất cao. Điều đó đòi hỏi các thành viên soạn thảo văn kiện phải làm việc phải cật lực để lồng các vấn đề lớn đó để trở thành một sự thống nhất để trình Đại hội 14 của Đảng” - ông Phúc nói.

Ông Phúc cũng cho rằng: Văn kiện là nền tảng; là toàn bộ đường hướng phát triển của Đảng, của đất nước trong nhiệm kỳ tới. Văn kiện là định hướng chỉ đạo, bản chất của cách mạng khoa học của Đảng. Khi nói Đảng phải nói đến bản chất cách mạng và khoa học, thể hiện trước hết ở Văn kiện của Đảng.

Ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ I, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương nhìn nhận, việc Trung ương quyết định tích hợp 3 Văn kiện gồm Báo cáo chính trị, Báo cáo kinh tế - xã hội, Báo cáo Tổng kết xây dựng Đảng thành Báo cáo chính trị theo một trục xuyên suốt, thống nhất, đồng bộ để trình Đại hội XIV của Đảng thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ trong phương thức lãnh đạo của Đảng.

Ông Sửu nói, việc tích hợp không đơn thuần nằm ở việc gộp, mà việc tích hợp thể hiện trình độ cao hơn. “Lênin từng đề cập trong tác phẩm “Thà ít mà tốt”, có những việc làm ít nhưng tốt hơn. Một trong những hình thức lãnh đạo của Đảng là ban hành Nghị quyết. Nếu Nghị quyết cứ dài lê thê, mỗi hội nghị Trung ương ban hành Nghị quyết dài hàng chục trang. 1 khoá thường có 10 hội nghị Trung ương. Như vậy 1 khoá ban hành nhiều Nghị quyết, trong khi mỗi Nghị quyết dài dòng thì khó có thể nhớ và thuộc hết các Nghị quyết” - ông Sửu bày tỏ.

Theo ông Sửu, việc tích hợp thành 1 báo cáo thể hiện sự sáng tạo, đổi mới của Trung ương. Văn kiện là “hồn cốt” của Đảng, là khát vọng phát triển giàu mạnh thì phải dễ nhớ, dễ thấm nhuần để còn quán triệt triển khai thực hiện. Vừa qua trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã từ 63 tỉnh còn 34 tỉnh; từ 10.035 xã còn 3.321 xã thì dứt khoát việc chỉ đạo cũng dễ hơn, nhìn thấy ngay ai làm việc hiệu quả. Cho nên Văn kiện lần này phải gọn lại và thống nhất với nhau, súc tích nhưng khoa học, chặt chẽ, cô đọng nhất để lãnh đạo trong cả nhiệm kỳ 5 năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đổi mới “ngọn đuốc soi đường” cho công cuộc phát triển đất nước trong giai đoạn mới