Không chỉ doanh nghiệp Việt Nam chờ đợi cơ hội, doanh nghiệp thực phẩm đến từ các nước cũng đang đếm từng ngày để đưa hàng vào Việt Nam nhiều hơn.
Hiện, thịt bò Úc tại các siêu thị TP HCM dao động từ 170.000 đồng - 355.000 đồng/kg, trong đó nạm bò giá 170.000 đồng/kg, đùi 280.000 đồng/kg, phi lê 355.000 đồng/kg. Nhập khẩu với số lượng khá nhiều song bò Mỹ có phần đa dạng hơn về sản phẩm đông lạnh.
Cụ thể, thịt vùng cổ 144.000 đồng/kg, ba rọi 119.000 đồng/kg, gàu 132.000 - 152.000 đồng/kg, sườn 277.000 đồng/kg,… Với mức giá thấp hơn sản phẩm trong nước, đùi gà nhập khẩu từ Mỹ và chân gà Brazil có giá từ 42.000 - 50.000 đồng/kg. Thịt ngoại nhập không chỉ bày bàn nhiều tại hệ thống siêu thị, mặt hàng này cũng có mặt ở các nơi khác như chợ truyền thống, online, đường phố, vỉa hè.
Tương tự với sản phẩm bò Mỹ, bò Úc, thịt gà ngoại nhập cũng “làm mưa, làm gió” trên thị trường. Đơn cử, gà thải loại 6 không (không đầu, không chân, không nội tạng, không bao bì, nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ, không có dấu hiệu kiểm dịch) được bày bán trên nhiều tuyến đường địa bàn TP HCM. Loại gà này được các tiểu thương giới thiệu là gà mái đẻ, thịt khá dai với giá dao động từ 40.000 - 50.000 đồng/con, rẻ gấp 3 lần so với gà thịt trên thị trường. Theo các cơ quan lý của thành phố, gà không đầu nhập khẩu từ Hàn Quốc được sử dụng làm thực phẩm cho người.
Thống kê của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đang nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ 34 quốc gia. Với thịt gà nhập khẩu, hết tháng 6/2018, cả nước nhập khẩu gần 90.000 tấn thịt gà các loại với tổng trị giá kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này đạt gần 84 triệu USD. Bình quân mỗi kg thịt gần nhập khẩu có giá gần 1 USD (chưa tính thuế), tương đương khoảng 23.000 đồng/kg.
Nói về thị trường tiêu thụ mặt hàng tươi sống của Việt Nam, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP HCM từng nhận định, Việt Nam trở thành thị trường quan trọng trong xuất khẩu thực phẩm và nông sản của Hoa Kỳ. Nguyên nhân chủ yếu, thị trường đông dân đầy tiềm năng với nhu cầu tiêu thị thực phẩm ngày càng đa dạng của người Việt. Tốc độ tăng trưởng nhanh của ngành lương thực - thực phẩm ở mức cao. Ngoài ra, thuế suất nhập khẩu đang tạo điều kiện để Hoa Kỳ nói riêng và các nước khác nói chung chọn Việt Nam là thị trường nhập khẩu.
“Chưa bao giờ ngành chăn nuôi trong nước đang phải gánh chịu nhiều áp lực. Đặc biệt, trong thời buổi cạnh tranh như hiện nay cuộc chiến thị trường khốc liệt hơn bao giờ hết. Thịt nhập khẩu từ các nước đang thâm nhập thị trường. Muốn giữ vững thị phần, doanh nghiệp trong nước sớm cơ cấu lại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hạn chế chi phí sản xuất hướng đến hạ giá thành sản phẩm”- bà Nguyễn Kim Thanh, chuyên gia Dự án Hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập chia sẻ. Và nói như bà Marieke Van Der Pijl- chuyên gia của Eurocham thì doanh nghiệp thực phẩm các nước đã và đang đếm từng ngày để đưa hàng vào Việt Nam nhiều hơn.