Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer nhất cả nước, chiếm 31,7% dân số của tỉnh. Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua tỉnh rất chú trọng đến công tác phổ biến giáo dục pháp luật, góp phần nâng cao hiểu biết và trình độ nhận thức pháp luật của đồng bào Khmer.
Nhiều chính sách ưu đãi giúp đồng bào Khmer Nam Bộ xóa nghèo.
Hiện nay, các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số ở Sóc Trăng đều có trường trung học cơ sở, 100% xã có trạm y tế và đường ô tô đến trung tâm xã; gần 300.000 người dân tộc Khmer (chiếm 65% đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh) được cấp thẻ bảo hiểm y tế; công tác, chăm sóc sức khỏe, cải thiện đời sống người dân rất được quan tâm. Có trên 97% hộ dân nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc Khmer có điện sử dụng đạt 99,4%.
Tỉnh đã tập trung giải quyết căn bản về điều kiện sản xuất cho đồng bào như tạo quỹ đất sản xuất, cải thiện điều kiện tưới tiêu, tập trung hỗ trợ giống mới, chú trọng tập huấn, đầu tư thâm canh tăng năng suất sản lượng cây trồng, vật nuôi…
Từ đó giúp nhiều hộ vươn lên làm giàu, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo. Theo ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh thì, đạt được những kết đó là do sự nỗ lực của toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh; trong đó có sự đóng góp quan trọng của đồng bào, các vị chức sắc, sư sãi, cán bộ, chiến sĩ người Khmer, nhất là phát huy tốt vai trò của Hội đoàn kết sư sãi yêu nước và Ban quản trị các chùa trong việc vận động đồng bào phật tử Khmer chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Theo đó, tỉnh đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ và kiến thức pháp luật cho trên 500 tuyên truyền viên pháp luật là người dân tộc Khmer trong các điểm Chùa và tổ chức 36 lớp tuyên truyền tại các xã có đông đồng bào dân tộc. Soạn tài liệu pháp luật và thu âm bằng tiếng Khmer để phát trên hệ thống loa truyền thanh và cấp cho 92 điểm chùa Khmer và 40 xã có đông đồng bào dân tộc Khmer đang sinh sống.
Đồng bào dân tộc Khmer ở Sóc Trăng phần lớn theo đạo Phật, bà con thường đi chùa vào các ngày lễ hội hoặc định kỳ hàng tháng. Đây chính là dịp để các tuyên truyền viên, tuyên truyền miệng nắm bắt, từ đó giúp công tác tuyên truyền mang lại hiệu quả cao. Trong đó, chú trọng vào lực lượng nòng cốt như: Những người có uy tín, người cao tuổi tại các địa phương, từ hạt nhân này sẽ lan tỏa ý thức tự giác chấp hành pháp luật trong cộng đồng.
Ngoài ra, để pháp luật đến gần người dân, giúp dân dễ hiểu, dễ nhớ, địa phương đã đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền thông qua việc hình thành các mô hình, hội thi... Điển hình như mô hình câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” ở nhiều địa phương thuộc tỉnh Sóc Trăng đã thực sự hoạt động có hiệu quả. Thông qua hoạt động, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, gây dựng lòng tin của nông dân, hình thành thói quen sống và làm việc theo pháp luật của các hội viên, nông dân.
Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên luôn được các cấp uỷ đảng quan tâm, chú trọng; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ tuyên truyền. Nhờ đó chất lượng đội ngũ báo cáo viên ngày càng được củng cố và tăng cường, phương pháp tuyên truyền dễ hiểu hơn, gần gũi hơn, trong đó có sự kết hợp tuyên truyền với giải đáp pháp luật, được bà con Khmer nhiệt tình ủng hộ.