Đời sống giáo viên: Không để mãi chuyện buồn - Bài cuối: Nước mắt có ngừng rơi...

Thu Hương 11/11/2017 08:35

Bày tỏ sự quan tâm và ủng hộ báo Đại Đoàn Kết thực hiện loạt bài Đời sống giáo viên: Không để mãi chuyện buồn, cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục Hoàng Đức Minh cho biết, Bộ GD&ĐT cũng đang phối hợp với các bộ, ban, ngành khác kiến nghị cải tiến, hoàn thiện chế độ lương và chế độ phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo theo hướng khắc phục những bất cập hiện có, để vị thế của người giáo viên được đặt đúng chỗ.

Về chế độ đãi ngộ, chính sách đối với giáo viên (GV) lâu nay vẫn được xã hội nhìn nhận là còn nhiều bất cập cần phải thay đổi. Nhiều hội thảo, chuyên đề đã được tổ chức nhằm tìm giải pháp cho vấn đề này.

Gần đây nhất, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Phúc, đoàn Hưng Yên đã chỉ ra hàng loạt bất cập trong giải quyết chế độ cho GV.

Cụ thể, từ năm 2005 tới nay, GV mầm non, tiểu học có trình độ đào tạo trên chuẩn không được hưởng lương theo bằng cấp đào tạo do văn bản hướng dẫn quy định của các bộ, ngành về tiêu chuẩn ngạch, bậc chưa ban hành nên việc tổ chức xếp hoặc thi nâng ngạch cho GV chưa thực hiện được.

Ngoài ra, GV mầm non chưa có văn bản hướng dẫn dạy ngoài giờ cho những thời điểm chưa bố trí được GV, người dạy bị thiệt thòi.

Thông tư số 6 năm 2015 không quy định biên chế GV cho một lớp, cho những lớp ghép. Thực tế thì những GV dạy ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn vẫn phải dạy lớp ghép và điều này dẫn tới tính thiệt thòi cho biên chế, cho GV đó và khó khăn trong chăm sóc, nuôi dưỡng cho trẻ.

Thứ hai, chế độ bảo lưu phụ cấp nhà giáo được điều động làm công tác quản lý tại sở, thời gian bảo lưu là 36 tháng, quy định tại Quyết định số 42 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ kể từ ngày 1/6/2015 đến nay đã hết hiệu lực.

Mặt khác, theo Nghị định số 54 năm 2011 của Chính phủ thì giảng viên, GV chuyển về phòng sẽ không được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo.

Đây là một khó khăn để luân chuyển giảng viên, GV giỏi có kinh nghiệm, có chất lượng về công tác tham mưu tại phòng, ban, sở, là cơ quan có nhiều đầu việc nên cần người có trình độ cao.

Vì vậy, ĐBQH Nguyễn Thị Phúc kiến nghị Bộ GD&ĐT kết hợp với Bộ Nội vụ tổ chức xếp nâng ngạch cho GV sau khi đã đáp ứng được điều kiện của Thông tư liên tịch số 22 của Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung chính sách thâm niên nhà giáo đối với cán bộ, công chức tại cơ quan quản lý cấp bộ, sở và phòng.

Với vai trò bảo vệ quyền lợi cho hội viên là những nhà giáo đã nghỉ hưu, Hội Cựu giáo chức Việt Nam cũng đang kiến nghị Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ về chế độ chính sách trợ cấp một lần cho những nhà giáo làm quản lí giáo dục hiện chưa được nhận phụ cấp thâm niên trong lương hưu và một số cô giáo mầm non nghỉ hưu chưa có chế độ hoặc chế độ rất thấp.

GS VS Phạm Minh Hạc- chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam cho biết, đây là trăn trở của những người thầy đã dành trọn cả đời cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Nhất là sau vụ việc cô giáo Trương Thị Lan ở Hà Tĩnh nhận lương hưu chỉ 1,3 triệu đồng sau 37 năm công tác được báo chí đăng tải, Hội càng thấy rõ trách nhiệm của mình cần phải kiến nghị để thay đổi điều này càng sớm càng tốt.

Trả lời PV báo Đại Đoàn Kết, bà Đinh Thị Thu Hiền- phó trưởng Ban thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH VN) cho biết, hiện nay cả nước có hơn 3.200 người thuộc nhiều đối tượng khác nhau đang hưởng lương hưu như trường hợp của cô giáo Trương Thị Lan.

“Lý do là những người thuộc nhóm này mới bắt đầu tham gia BHXH từ 1-1-1995 với mức đóng thấp, dựa trên mức lương cơ sở khi đó là 120.000 đồng/tháng. Từ đó đến nay, mặc dù lương cơ sở đã thay đổi nhiều, nhưng lương hưu cũng không thể cao hơn lương cơ sở chung, hiện ở mức trên 1,3 triệu đồng/tháng. Với riêng GV mầm non đã nghỉ hưu, xét trên tổng thể chung thì số tiền mà GV mầm non đóng vào quỹ BHXH trong vòng 20 năm chỉ đủ chi trả lương hưu cho họ trong vòng chưa đầy 6 năm. Lý do là vì tỷ lệ đóng góp hàng tháng chỉ là từ 15% đến 22% tiền lương, còn tỷ lệ hưởng lương hưu là 60% tiền lương” - bà Hiền nói.

Không để lặp lại

Trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết, ông Hoàng Đức Minh- cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cho biết, Bộ GD&ĐT đang thống kê những trường hợp như cô Lan, nhất là các cô giáo mầm non, một thời gian rất dài khởi điểm lương thấp, chế độ, chính sách chưa bảo đảm trong khi các cô bị áp lực rất lớn.

Dù chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng sơ bộ có thể thấy những trường hợp như trên không phải là ít. Nguyên nhân đúng như bên BHXH Việt Nam đã lý giải là do tiền lương làm căn cứ đóng thấp và thời gian đóng BHXH ngắn.

Như khẳng định trước đó của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, nhìn chung thang bảng lương trong giáo dục thấp so với yêu cầu, nhất là yêu cầu đổi mới.

Mặc dù trong những năm qua, Bộ GD&ĐT đã có nhiều hoạt động cụ thể cũng như chỉ đạo các địa phương/đơn vị có sự quan tâm, hỗ trợ nhà giáo về đời sống vật chất lẫn tinh thần, có sự chia sẻ, động viên kịp thời đối với những nhà giáo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như giải quyết việc làm cho nhà giáo là thân nhân của các gia đình có công với cách mạng, là vợ các đồng chí bộ đội công tác tại các vùng biên giới, hải đảo, các chiến sĩ công an/bộ đội hi sinh trong khi làm nhiệm vụ...

Tuy nhiên, hiện thực đời sống của GV, đặc biệt là cán bộ, GV ở các vùng núi, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số... vẫn còn nhiều khó khăn.

“Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện chế độ, chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục để làm cơ sở, căn cứ đề xuất thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với nhà giáo trong lộ trình cải cách chính sách tiền lương của Chính phủ. Đặc biệt, Bộ GD&ĐT sẽ kiến nghị cải tiến, hoàn thiện chế độ lương và chế độ phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo theo hướng khắc phục những bất cập hiện có”- ông Minh khẳng định.

Trong đó, có cách tính lương GV mầm non còn bất cập. Cụ thể, đa số GV mầm non hiện đã đạt trình độ ĐH và sau ĐH nhưng do chuẩn GV mầm non là trình độ trung cấp nên sinh viên tốt nghiệp ĐH ra là GV mầm non vẫn hưởng mức lương khởi điểm là 1,86. Mức này với GV tiểu học là 2,1 và với GV THCS là 2,34 trong khi đa số đã được đào tạo trình độ ĐH.

Chia sẻ quan điểm này, GS VS Phạm Minh Hạc cũng cho rằng, việc lương hưu của nhiều cô giáo mầm non thấp là hệ quả của sự bất cập trong tuyển dụng và trả lương đối với GV mầm non trước đây; mà hiện giờ nếu chỉ riêng Bộ GD&ĐT không thể giải quyết được vì liên quan đến biên chế, ngân sách (thuộc các Bộ, Ngành khác quản lý).

Quá khứ không thể thay đổi nhưng làm sao để điều này không lặp lại là có thể được. Cụ thể, cần kiến nghị các cấp bộ ngành tạo điều kiện để GV mầm non được xếp lương theo trình độ đào tạo; vừa đảm bảo tính công bằng trong giáo dục, vừa động viên lực lượng này nâng cao trình độ, tay nghề; khi đó, trẻ em Việt Nam cũng sẽ được thụ hưởng nhiều hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đời sống giáo viên: Không để mãi chuyện buồn - Bài cuối: Nước mắt có ngừng rơi...

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO