Tính đến nay chưa tròn 1 năm, nhưng kể từ ngày triển khai dự án độc đáo làng bích họa ở thôn Trung Thanh, xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đã rất nổi tiếng kể cả trong và ngoài nước. Đặc biệt ngồi làng này đã góp phần quan trọng trong việc làm thay đổi cảnh quang, cuộc sống của người dân nơi đây với ý nghĩa tích cực và hết sức ấn tượng.
Chào mừng các bạn đã đến với làng làng bích họa của tình hữu nghị, đoàn kết.
Độc đáo làng bích họa!
Ngôi làng nói trên là sự hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc, là dự án vẽ tranh tường nhằm đưa thôn Trung Thanh, xã Tam Thanh trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn, theo nguyên thể làng bích họa ở Daegu của Hàn Quốc.
Dự án do UBND TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam và Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc (KF), Tổ chức UN-Habitat phối hợp thực hiện khoảng 20 ngày, từ đầu tháng 6/2016.
Theo đó, với 120 ngôi nhà đã được các tình nguyện viên người Hàn Quốc phủ lên các bức vẽ chân dung chủ nhà, tranh cá, tĩnh vật, phong cảnh, nhịp điệu sinh hoạt của cư dân làng biển...
Từ quốc lộ 1A, rẽ về phía biển khoảng chừng vài cây số là đến địa phận thôn Trung Thanh, nơi các nghệ sĩ Hàn Quốc cùng các tình nguyện viên Việt Nam tạo nên một làng bích họa, một khung cảnh tuyệt vời hiện ra trước mắt chúng ta, rất bất ngờ với du khách.
Những hình ảnh trên tường nhà ngư dân hình thành làng bích họa.
Những tường nhà cũ kỹ lâu năm, bỗng bừng lên những sắc màu sống động, chính từ những hình ảnh sinh hoạt, mưu sinh của những con người chân chất nơi đây.
Từ hình ảnh người phụ nữ trông ra biển như ngóng chờ sự trở về của người chồng nơi khơi xa với tôm cá đầy thuyền, cho đến con chó hiên lành, trung thành nằm bên ngôi nhà vắng chờ chủ. Hay đó đây trẻ em nô đùa tăng tăng thả diều, chơi bóng chuyền trên bãi biển. Hình ảnh người ngư dân can trường bám biển, nhưng khuôn mặt hiền hòa phúc hậu và những con tàu lướt sóng ra khơi.
Đó đây với những hình ảnh về con người vùng quê này mưu sinh đủ ngành nghề, từ may vá, thêu thòa cho đến bán trái cây ven đường và cả tình thương yêu của người mẹ ôm con vỗ về trong một gia đình chốn quê nhưng đầy tình thương yêu, hạnh phúc...
Khó có thể nói hết những hình ảnh và ý nghĩa của làng bích họa, nhưng chắc chắn một ai đã đặt chân đến đây sẽ cảm mến và lưu luyến nơi này.
Độc đáo tranh vẻ trên thuyền.
Con đường tranh thuyền, thúng
Sau khi thành công với những hình ảnh làm nên làng bích họa, TP Tam Kỳ cho triển khai tiếp “Dự án - con đường tranh thuyền, thúng” nằm trong dự án phát triển du lịch sinh thái TP Tam Kỳ.
Ông Nguyễn Thanh Lâm - Bí thư Đảng ủy xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ cho biết: Dự án phát triển du lịch sinh thái TP Tam Kỳ dựa trên sự tham gia của cộng đồng, được thực hiện thí điểm tại xã Tam Thanh và do nhóm nghệ sĩ tình nguyện thực hiện.
Theo đó, những chiếc thuyền, thúng cũ của ngư dân đã qua sử dụng được nhiều họa sĩ tận dụng khắc họa hàng chục bức tranh sống động về đời sống sinh hoạt, vẻ đẹp làng biển để hình thành con đường tranh thuyền, thúng đầu tiên tại vùng biển Việt Nam.
Những ngày qua, chúng tôi có mặt tại làng bích họa đã chứng kiến hàng chục chiếc thuyền, thúng đã được các họa sĩ vẽ xong các bức tranh để sớm đưa vào sử dụng con đường tranh thuyền, thúng tại xã biển vào cuối tháng 4 tới nhằm phục vụ cho Fastival Quảng Nam lần IV.
Con đường tranh thuyền, thúng được hình thành từ đây (tran về trên thúng).
Theo ông Lâm, thực hiện con đường tranh thuyền thúng này gồm các họa sĩ nổi tiếng và tâm huyết như Phan Cẩm Thượng; Nguyễn Thượng Hỷ, Trần Thị Thu, Vũ Đức Hiếu, Hoàng Thanh Giao cùng nhiều giáo viên mỹ thuật của Phòng GD&ĐT TP Tam Kỳ…, họ sẽ tham gia vẽ xong 35 bức tranh trên thuyền, thúng, dụng cụ hành nghề trên biển của ngư dân địa phương đã qua sử dụng.
Ông Lâm chia sẻ: “Với ý tưởng được các họa sĩ thể hiện trên những chiếc thuyền, thúng với nội dung về đời sống sinh hoạt, vẻ đẹp làng biển, tình yêu và những ước vọng gắn liền với đời sống của người dân vùng xã biển. Tất cả được thể hiện trên chất liệu là các vật dụng phục vụ trong đời sống của người dân làng biển. Hiện dự án đã thực hiện được 35 chiếc thuyền, thúng. Tôi tin chắc dự án này sẽ mang lại nhiều ấn tượng và thú vị cho du khách khi con đường tranh thuyền, thúng đưa vào hoạt động”.
Cũng theo ông Lâm, dự án này dự kiến có 60 chiếc thúng thuyền, nhưng giai đoạn đầu là 35 chiếc, con đường tranh thuyền, thúng sẽ được sắp xếp, trưng bày dọc hai bên đường ở khu vực làng bích họa chạy dọc lên trung tâm UBND xã.
Gia đình anh Đức và bức bích họa được vẽ cho chính gia đình anh.
Đổi thay làng chài
Thật đáng mừng, từ khi đưa vào sử dụng không chỉ người dân ở Quảng Nam quan tâm mà nhiều nơi trong và ngoài nước đã biết đến ngôi làng này và những ai đặt chân đến đây đều rất ấn tượng với ngôi làng, con người nơi đây.
Còn người dân nơi đây rất phấn khởi, khi thấy du khách đến mỗi ngày một đông, làng chài trở nên rộn ràng, cuộc sống càng vui vẻ và có thêm công việc mưu sinh giúp họ tăng thêm thu nhập. Bởi nếu như trước đây, đàn ông trong làng đi làm biển, phụ nữ ở nhà chỉ quanh quẩn buôn bán tự do hoặc ai kêu gì làm nấy, nhưng giờ nhiều gia đình có công việc mới để phục vụ du khách, giúp họ có thêm thu nhập. Càng đáng nói cuộc sống của họ vui hơn, ý nghĩa hơn.
Qua quan sát, chúng tôi ghi nhận, ngay cổng chào, người dân đã tổ chức giữ xe cho du khách đến để đi bộ vào làng, họ bán nước giải khát, trái cây,…
Bà Thanh, người dân địa phương cho biết: “Trước đây ai thuê gì làm nấy, công việc không ổn định, nhưng từ khi làng bích họa đi vào hoạt động, tôi mua mấy bộ bàn ghế nhựa, ly tách về bán nước giải khát cho du khách đến tham quan làng. Ngó rứa mà thu nhập mỗi ngày cả trăm nghìn, công việc lại ổn định chú à!”
Trong làng người tổ chức giữ xe, người bán nước giải khát, người bán trái cây, thức ăn nhẹ,… Đây là kế sinh nhai mới của họ kể từ khi làng bích họa này hoàn thành.
Vợ chồng anh Võ Đức (51 tuổi) và chị Lương Thị Tường Vi (31 tuổi) là một điển hình. Anh Đức bị câm điếc từ nhỏ, vợ anh bị tai nạn chấn thương sọ não từ lúc 5 tuổi nhưng thương yêu họ đã đến với nhau và có 2 người con. Vợ chồng anh làm nghề may vá nhưng cuộc sống còn nhiều khó khăn. Giờ đây gia đình anh Đức có thêm nghề mới, đó là giữ xe kiêm bán nước giải khát. Chị Vi chân tình: “Mong cho du khách ngày một đông để chúng tôi kiếm thêm thu nhập lo cơm nước, quần áo, sách vở cho 2 đứa con đang còn đi học”.
Bà Trần Thị Cách, người dân địa phương càng phấn khởi: “Trước đây làng này tỉnh lặng lắm, vì là làng làm nghề biển. Khi cánh đàn ông đi biển, con cái đi học cả làng vắng hiu. Từ khi hình thành làng bích họa, du khách đến tham quan ngày một đông, chúng tôi vui lắm. Cuộc sống người dân ở đây thay đổi hẳn”.
Theo ông Lê Ngọc Ty – Phó Chủ tịch xã Tam Thanh, từ khi làng bích họa này hoàn thành, mỗi ngày đón từ 300-400 du khách đến tham quan. Đông nhất là ngày thứ Bảy, Chủ Nhật. Đời sống văn hóa, kinh tế của người dân ở đây đã có bước chuyển biến rõ nét.
Một bức tranh ấn tượng về nghề biển được các họa sĩ thể hiện trên tường nhà ngư dân.