Bắc Hà là một trong những huyện nghèo của tỉnh Lào Cai được thụ hưởng các chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Từ sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, cùng với việc phát huy nội lực của địa phương những năm qua Bắc Hà đã có những phát triển vượt bậc về kinh tế-xã hội. Đặc biệt công tác xây dựng nông thôn mới, đời sống của bà con đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng có nhiều đổi thay.
Nhân dân xã Thải Giàng Phố (Bắc Hà) xây đường giao thông tại thôn Sán Sả Hồ. Ảnh: baolaocai.vn.
Bắc Hà là huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số, gồm 14 dân tộc anh em là người Mông, Dao, La Chí, Tày, Nùng…Đặc biệt, huyện có tới 17 xã đặc biệt khó khăn. Trình độ dân trí còn hạn chế, đời sống khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao; cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật còn thiếu thốn. Do vậy, trong nhiều năm qua địa phương đã có nhiều nỗ lực phát triển về kinh tế xã hội, đặc biệt công tác xây dựng nông thôn mới luôn được lãnh đạo huyện xác định là một nhiệm vụ quan trọng. Đến nay, hạ tầng nông thôn đã được nâng cấp, xây dựng mới; nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới được nâng lên. Hết năm 2018, bình quân số tiêu chí hoàn thành của các xã là 10,8 tiêu chí/xã; toàn huyện có thêm 3 thôn được công nhận thôn kiểu mẫu; công tác giảm nghèo được triển khai đồng bộ, hiệu quả, có sự bứt phá mạnh mẽ; tỷ lệ giảm nghèo trong năm đạt 10,67%. Nhân dân đóng góp 11,4 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới.
Na Hối là một xã nông thôn mới của huyện Bắc Hà. Thời điểm bắt đầu triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, xã còn gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 47,9%, xã mới hoàn thành 6 trong tổng số 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Nhưng đến nay, bộ mặt nông thôn trên địa bàn xã ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt,trên địa bàn xã không còn nhà tạm, dột nát.
Người dân xã Na Hối đã tự nguyện đóng góp, ủng hộ 8,8 tỷ đồng, hàng vạn ngày công lao động, 125 hộ hiến đất và nhiều hiện vật khác… Ngoài ra, các xã như Bản Phố, Thải Giàng Phố, Nậm Đét, Nậm Lúc tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp công sức, tiền của và huy động các nguồn xã hội hóa khác để làm đường liên gia, ngõ xóm. Giờ đây, thay cho những con đường đất lầy lội là đường bê tông trải dài thẳng tắp vào tận thôn, xóm. Nhà cửa cũng khang trang, sạch đẹp hơn. Các thôn duy trì thường xuyên công tác dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp.
Để có được kết quả đó, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã đã tập trung chỉ đạo áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xác định rõ những loại cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương để thực hiện. Bà con trong xã đã mạnh dạn thay đổi tư duy, cách làm trong sản xuất. Tỷ lệ sử dụng giống ngô, lúa mới đạt trên 90%; tổng sản lượng lương thực có hạt toàn xã đạt 2.195 tấn. Sản xuất nông nghiệp đang chuyển dần sang sản xuất hàng hóa với các vùng sản xuất tập trung như: vùng sản xuất rau an toàn, rau bản địa; vùng trồng cây ăn quả ôn đới với các loại cây đào, lê, mận tam hoa; vùng trồng cây dược liệu có atisô, đương quy.
Với đặc thù địa phương vùng cao có nhiều đồng bào các dân tộc cùng sinh sống nên huyện rất chú trọng đến việc xây dựng nếp sống văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc gắn với phát triển du lịch được coi là điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Các lễ hội như Lễ nhảy lửa, Cấp sắc, Lễ hội xuống đồng... luôn được bảo tồn và gìn giữ.
Đời sống vật chất và tinh thần của bà con ngày càng được nâng lên, những kết quả bước đầu đã đem lại diện mạo mới cho nhiều bản làng vùng cao Bắc Hà.